Câu chuyện nên bắt đầu từ một huyền sử. Hơn một ngàn năm trước, Cao Biền qua Giao Chỉ, thấy thế đất vượng ắt sinh nhiều nhân tài. Trong những lời nguyền trấn yểm đó, có một lời trấn rằng nhân tài ở xứ Giao Chỉ không truyền quá hai đời. Nghĩa là cha là một người tài giỏi, xuất chúng thì con ắt sẽ kém cỏi, tài năng thua kém người cha. Không biết câu chuyện huyền sử có thật hay không, nhưng nhìn lại lịch sử Việt Nam, thấy có nhiều phần đúng. Lý Thường Kiệt không có con nối dõi. Những đứa con của Trần Quốc Tuấn thua xa cha mọi mặt. Nguyễn Huệ trăm trận trăm thắng thì Cảnh Thịnh lại là vị vua hèn kém, bạc nhược. Nhiều nữa.
Gần đây, những lãnh tụ cộng sản đều là hàng quái kiệt, có thể không giỏi về quản lý điều hành đất nước nhưng lên đến đỉnh cao quyền lực như thế, đều không lại dạng vừa. Tuy vậy, những người con họ vẫn tự hào về người cha mình, núp bóng cha để kiếm lợi chác hơn là thể hiện năng lực nào đó để có thể so sánh với cha. Ngay cả Nguyễn Tấn Dũng, được coi là nhân vật chính trị ghê gớm nhất Việt Nam vài chục năm lại đây. Hai con trai của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết, đều không có gì nổi bật, nếu không muốn nói là dạng bất tài, phá phách. Tuy vậy, nếu như có một lời nguyền trấn yểm của Cao Biền thật, có lẽ ngày xưa theo chế độ phụ hệ, nên lời nguyền đó chỉ ứng với con trai, còn con gái thì không. Nguyễn Thanh Phượng, con gái của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được nhìn nhận là thừa hưởng những tính cách và sự quái kiệt của cha. Hơn nữa, Phượng lại được học hành và đào tạo hết sức bài bản ở Thụy Sĩ.
Công chúa Nguyễn Thanh Phượng và thương vụ AVG
Những chi tiết về gia đình, học vấn, tiền bạc, các công ty hay những lời đồn đại về Nguyễn Thanh Phượng người ta đã nói rất nhiều. Nào là Nguyễn Thanh Phượng thâu tóm các ngân hàng, mỏ quặng hay những chiến lược lobby, vận động hành lang cho cha mình và vạch kế hoạch tương lai cho 2 người anh em trai bất tài ham chơi của mình. Và gần đây, thương vụ Mobifone mua AVG đã làm nổi sóng dư luận. Người ta đồn đoán rằng, người lên kế hoạch cho thương vụ mua bán, ăn tiền nhà nước lên đến vài trăm triệu đô la này chính là Nguyễn Thanh Phượng. TBT Nguyễn Phú Trọng muốn tiến tới nhà của đồng chí X thì buộc phải diệt được thành trì Nguyễn Thanh Phượng và cũng là godfather (godmother) gia tộc Nguyễn Tấn Kiên Giang.
Nguyễn Thanh Phượng thực sự có phải là chủ mưu thương vụ làm thất thoát ít nhất 7000 tỷ này hay không? Và nếu có thì tại sao trong bản kết luận thanh tra vừa rồi đưa ra, gần như không lục tìm thấy dấu vết liên quan đến Nguyễn Thanh Phượng có dính líu đến đại án chấn động này. Ngoài việc, có một sự nhầm lẫn về ¼ công ty định giá AVG là VCBS (thuộc Ngân hàng VietComBank) và VCSC (thuộc Tập đoàn Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng). Từ cuối tháng 8/2017, khi lời đồn thổi trở nên râm ran thì TGĐ VCSC (Bản Việt) khẳng định rằng công ty họ không phải là đơn vị định giá, mà là công ty thuộc VietCombank (1). Có những nguồn tin nội bộ thì cho rằng công ty tư vấn của Nguyễn Thanh Phượng cũng tham gia vào việc này nhưng bị loại từ vòng gửi xe. Con đường đến với Bản Việt và Nguyễn Thanh Phượng của TBT Nguyễn Phú Trọng đến đây là vào ngõ cụt.
Quay lại, có 4 đơn vị tư vấn thẩm định giá thương vụ AVG là AASC, VCBS, Hanoi Value và AMAX. Nếu AASC và VCBS đều là những thương hiệu lớn, thì Hanoi Value và AMAX đều là công ty rất bé, vốn điều lệ chỉ là 1 và 3,8 tỷ đồng. Với khả năng như vậy, thì việc được tham gia tư vấn cho một dự án lớn tính bằng trăm triệu đô đến tỷ đô như vậy là quá kì lạ. Đặc biệt, giá trị thẩm định được 4 công ty tư vấn này đưa ra đều khác nhau và chênh nhau rất nhiều. Hai công ty đầu đưa ra những con số không tưởng, từ 1-1,5 tỷ đô la. Hai công ty bé kia đưa ra những con số thấp hơn khá nhiều, và thấp nhất là AMAX là hơn 16 ngàn tỷ (2). Tất nhiên, như chúng ta đều biết, con số quá bé so với giá trị thực của AVG mà TTCP vừa đưa ra. Giá trị mà TTCP đưa ra là 1.900 tỷ chưa tính lỗ lũy kế đến 2017 cỡ 1 ngàn tỷ và thua lỗ tại 2 dự án mà Phạm Nhật Vũ đã mua với giá rất cao nhằm mục đích rút ruột AVG trước khi bán.
Một năm sau khi thương vụ hoàn thành, Hanoi Value đã chuyển thành công ty mỹ viện, chuyên chăm sóc sắc đẹp (3). AMAX vẫn là một công ty nhỏ với vốn điều lệ giữ nguyên 3,8 tỷ và gần như không có gì nổi bật sau khi được nhận một thương vụ rất lớn như thế (4). Người đại diện pháp lý và là Tổng giám đốc là Võ Văn Mạnh, một Thạc sỹ giảng dạy tại Fulbright (5).
Như vậy, manh mối liên quan đến Nguyễn Thanh Phượng gần như không tồn tại trên bản KLTT. Tuy vậy, trong bản KLTT cũng như gần đây những bài báo được chỉ thị liên tục tấn công vào AMAX, 1 trong 4 đơn vị tư vấn, dù rằng AMAX là đơn vị cho giá thấp nhất. Trong khi, 3 đơn vị kia cho giá cao hơn rất nhiều và gần như không tưởng. Ngay cả kết quả thấp nhất của AMAX cũng bị KLTT nói rõ là “không có cơ sở”. Nhưng tại sao báo chí lại xoáy vào AMAX mà bỏ quên đơn vị kia?
Và manh mối nằm ở đây. AMAX chính là công ty của Phượng, dù Phượng không hề đứng tên hay sở hữu chút cổ phần nào ở đó. Và 3 đơn vị kia chỉ là chân gỗ được sắp xếp vào và cố tình hét giá cao nhất để AMAX được nhận làm kết quả. Tuổi Trẻ và Thanh Niên, 2 tờ mạnh mẽ nhất và có vẻ như được cờ lệnh từ trên đều đưa những thông tin kĩ lưỡng về AMAX và những người trong nghề báo điều tra đều nhận ra là “đánh có bài bản”. Điểm cuối của những bài điều tra chắc chắn sẽ là AMAX, nói đúng hơn, là tìm đến công chúa Nguyễn Thanh Phượng.
Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Phượng không hề có cổ phần hay dính líu mặt pháp lý gì đến AMAX. Vậy, làm cách nào để nắm được đuôi của một con cáo vô cùng ma mãnh, quỷ quyệt và khôn ngoan vô cùng đó?
Chỉ có một cách, là khởi tố vụ án thật nhanh
TTCP đã đề nghị khởi tố vụ án để điều tra. Và muốn túm được đuôi công chúa, đó là con đường duy nhất trước khi manh mối bị hủy hoặc các đối tượng quan trọng trốn ra nước ngoài.
Sau khi khởi tố vụ án, vì có dấu hiệu của tội lừa đảo của 4 đơn vị tư vấn (vì đưa ra kết quả sai và dựa vào những điều không đúng như việc kinh doanh tăng trưởng hay giá trị thương hiệu,…) nên có thể triệu tập 4 đơn vị tư vấn kia lên.
Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ (biện pháp gì không biết, hi hi), để 3 công ty kia khai nhận là được Phượng sắp xếp làm chân gỗ và cố tình hét giá cao lên. Đồng thời, tìm ra bằng chứng chính AMAX là cò mồi của Nguyễn Thanh Phượng câu con cá Mobifone gần 7.000 tỷ kia. Tuy nhiên, tiến trình này phải tiến hành nhanh chóng và sử dụng những điều tra viên có trình độ nhất; nếu không, rất khó tìm ra được bằng chứng hoặc để các đối tượng quan trọng đào thoát thì cả chiến dịch vây bắt trở thành công cốc.
Tướng Lý Anh Dũng, cục trưởng A92, người được Nguyễn Phú Trọng tin cẩn, nhanh chóng giải quyết hoặc chuyển người khác phụ trách vụ đánh bạc liên quan đến Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh và có thể cả Phạm Quang Nghị, để dồn hết tâm sức phi vụ này, lập đại công để nhận chức Thứ trưởng và Bộ trưởng trong tương lai.
***
Tái bút: Viết thêm cho Trương Minh Tuấn và đội quân chạy án
Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, và AVG…đang ra sức chạy tội. Với số tiền khủng sau những phi vụ như thế này, họ thừa tiền để thuê luật sư hay đội ngũ dư luận viên, định hướng viên,…cũng như nhiều cách khác để chạy tội. Nhưng có lẽ Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son,… và đội quân chạy tội đang dày công vô ích. Chuyện mặc áo Juvetus, ăn cơm tù, ra vành móng ngựa gần như không thay đổi được.
Con mồi mà TBT Nguyễn Phú Trọng săn ở đây to hơn rất nhiều so với họ. Con mồi này chính là công chúa Nguyễn Thanh Phượng, là người nắm giữ tương lai của gia tộc Nguyễn Tấn Kiên Giang và đối thủ từng làm ông bật khóc ngay trước ống kính truyền hình khi không kỷ luật thành công “đồng chí X” vào năm 2012.
Khi vào thế cờ, thì người ta sẵn sàng thí hết cả bàn cờ để bắt tướng, chứ không riêng gì vài con tốt lụt đâu.
Trịnh Anh Tuấn
FB Trịnh Anh Tuấn
(2) Mobifone mua AVG làm thất thoát 7.006 tỉ như thế nào? (TT).
(3) Đơn vị tư vấn vụ Mobifone – AVG trở thành thẩm mỹ viện (VTC).
(4) Vụ MobiFone mua AVG: AMAX là công ty nào? (NLĐ).
(5) Đội ngũ quản lý AMAX (Amax).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét