Bất ngờ, hôm 15 Tháng Ba, Bộ Trưởng Thông Tin-Truyền Thông Trương Minh Tuấn quyết định tận dụng hệ thống báo chí “lề phải” trong tay để cãi lại.
Văn bản do ông Tuấn ký viết: “Ngày 12 Tháng Ba, 2018, Bộ Thông Tin đã chứng kiến cuộc họp giữa Mobifone và nhóm cổ đông chuyển nhượng AVG để thống nhất việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa hai bên. Theo thống kê của Bộ Thông Tin, chỉ tính riêng ngày 13 Tháng Ba đã có tới 85% trong tổng số hơn 5 triệu lượt người truy cập và có bình luận ủng hộ việc làm đó. Cùng ngày, Bộ Thông Tin đã gửi báo cáo đến Thanh Tra Chính Phủ để cập nhật nội dung về diễn biến mới này. Tuy nhiên, Thanh Tra Chính Phủ không đưa nội dung này vào kết luận mà ra ngay thông báo kết luận thanh tra.”
Thông cáo do ông Tuấn chỉ đạo các báo “lề phải” phải đồng loạt đăng tải trong ngày 15 Tháng Ba còn ghi rõ: “Đối chiếu quy định pháp luật liên quan và thực tế thực hiện cho thấy Bộ Thông Tin đã thực hiện phê duyệt dự án [Mobifone mua AVG] theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Mobifone, theo đúng quy định pháp luật.”
Văn bản này viết tiếp: “…Thông báo kết luận thanh tra đã đưa ra các nhận định không có căn cứ pháp lý, không đúng với nguyên tắc kế toán tài chính, không đúng với nguyên tắc thẩm định giá trị doanh nghiệp, không đúng với thẩm quyền để xác định dự án gây thiệt hại nghiêm trọng. Bộ Thông Tin kiến nghị loại bỏ các nội dung không đúng này. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị lấy ý kiến Bộ Tài Chính (cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và thẩm định giá trị doanh nghiệp) về các nhận định này.”
“Thông báo kết luận thanh tra đưa ra các kiến nghị biện pháp xử lý, trong khi các nội dung nhận định là không dúng quy định pháp luật, không đúng bản chất sự việc, có tính chất suy diễn theo hướng có lỗi và ‘hình sự hóa’ quan hệ kinh tế. Trong trường hợp có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra, Bộ Thông Tin sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu Thanh Tra Chính Phủ thu hồi và sửa lại kết luận thanh tra hoặc sẽ khiếu nại về kết luận thanh tra.”
Đáng lưu ý, tính đến đêm 15 Tháng Ba, các báo Việt Nam trong đó có báo điện tử VNExpress đăng nguyên văn phản hồi như trích dẫn ở trên của ông Tuấn đều phải lập tức gỡ link bài.
Việc làm của ông Bộ Trưởng Tuấn làm dấy lên suy đoán rằng ông đang ở bước đường cùng, buộc “phải đấu hoặc chết” nên liên tiếp đi những nước cờ sai lầm.
Theo quy định của đảng CSVN, những tổ chức, cá nhân muốn khiếu nại thì “phải gửi đúng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại,” trong trường hợp này là Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra và Thanh Tra Chính Phủ, chứ không phải là cơ quan báo chí.
Cũng cần nhắc lại, vụ bất đồng giữa Bộ Thông Tin và Thanh Tra Chính Phủ diễn ra trong bối cảnh Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện vẫn đang công du ở Úc nên chưa thể rõ ông Phúc sẽ đứng về bên nào trong cuộc chiến chưa có hồi kết này. Tuy vậy, dường như người có quyết định “sinh mệnh chính trị” của ông Tuấn hiện nay là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chứ không phải ông Phúc.
Mobifone là tổng công ty quốc doanh kinh doanh dịch vụ điện thoại di động trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông. AVG là công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) có ông Phạm Nhật Vũ, em ruột nhà “tư bản đỏ,” tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, làm chủ hơn 50% cổ phần.
Vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG đã âm ỉ trên mạng xã hội từ năm 2015 vì những khuất tất và những đồn đoán về vai trò của Bộ Trưởng Tuấn và bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái “rượu” của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị cho là “chủ mưu” trong vụ này.
Ông Tuấn, khi còn là thứ trưởng, đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Mobifone, ký hợp đồng mua AVG. Bà Nguyễn Thanh Phượng, cựu chủ tịch ngân hàng Bản Việt, là người bị cáo buộc “đưa Lê Nam Trà lên ghế chủ tịch Mobifone và cùng Phạm Nhật Vũ (em trai của Phạm Nhật Vượng và là chủ tịch AVG) tính kế đưa AVG lên mức giá cao hơn chín lần giá trị thực.”
Tuy là một vụ mua bán không có gì gọi là “bí mật quốc gia” cần phải giấu đút, nhưng nội dung cuộc mua bán giữa Mobifone và AVG lại bị giữ kín. Hồi đó, đã có tin ì xèo về việc Mobifone bỏ ra một số tiền rất lớn (tương đương gần $400 triệu) để mua công ty AVG đang lỗ chỏng gọng, trị giá chỉ khoảng hơn $80 triệu, có thể thấp hơn.
Bởi vậy, nhà cầm quyền trung ương đã “yêu cầu qua thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” vụ việc. (T.K.)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét