Nguy cơ phơi nhiễm hoá chất tại các nhà máy điện tử tại Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Nguy cơ phơi nhiễm hoá chất tại các nhà máy điện tử tại Việt Nam


Công nhân tại nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử Samsung Electronics Vietnam


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Theo báo cáo của IPEN, các nữ công nhân được phỏng vấn cho biết, điều kiện làm việc tại các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên khiến cho người lao động cảm thấy rất mệt mỏi: liên tục phải đứng máy từ 9 đến 12h, mức độ ồn cao vượt quá giới hạn dẫn đến nhiều trường hợp sảy thai hoặc vô sinh...

Khi được hỏi về thực trạng này, anh Cường, một công nhân phụ trách khâu vận hành máy của Samsung Việt Nam thừa nhận là có; tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó thì mọi người đều không có được thông tin cụ thể, cùng với đó là điều kiện kinh tế và nhận thức còn hạn chế nên ngay cả những người trực tiếp bị ảnh hưởng cũng không biết được lý do chính xác vì sao:

“Cái này thì không ai dám khẳng định được, kể cả bên y tế họ cũng không dám khẳng định. Bên bọn em cũng có bộ phận chăm sóc y tế mà. Nhiều người họ sảy thai là do cơ địa chứ không phải vì công việc còn vô sinh thì…ở đây cũng vẫn có nhiều người đẻ bình thường. Nhưng cũng có thể do tác động của môi trường, có khi vì người ta đi làm đêm nhiều…”

Trao đổi với đài RFA, tiến sĩ hoá công nghệ Nguyễn Lanh cho biết, tại các nhà máy Samsung nói riêng và các nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử nói chung, người lao động có nguy cơ bị nhiễm độc về dung môi từ các loại hoá chất tẩy rửa mà hầu hết công nhân đều cho rằng vô hại. Theo ông trên thực tế các loại dung dịch này không phải là chất độc cấp tính gây ra những phản ứng hoá học cụ thể tức thời, tuy nhiên, khi tiếp xúc trong một thời gian dài, nhiều người có biểu hiện chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi là do phản ứng với các loại hoá chất trên:

“Sức đề kháng của người ta sẽ yếu dần và có thể sẽ sinh ra những đại bệnh khác nhau, thậm chí ung thư cũng có thể có. 6 tháng đến 1 năm thì người ta chưa thể hình dung ra được điều gì cả và người ta vẫn nghĩ rằng điều đó chưa có tác dụng gì đáng kể và như vậy là không sao, thế nhưng hậu quả của nó rất là lâu dài mà nhanh thì năm bảy năm, chậm thì một hai chục năm thì chất độc nó mới phát tác ra”

Ông Nguyễn Lanh cũng cho rằng do tính chất tác động từ từ và lâu dài nên rất khó cho các nhà chuyên môn để đánh giá và nhận định được mức độ độc hại của các loại hoá chất dung môi. Bên cạnh đó, hình thức nhiễm độc này ảnh hưởng theo tỷ lệ xác suất chứ không tác động đến toàn bộ những người có tiếp xúc để có thể đưa ra được phương án xử lý.

“Sức khoẻ, sức đề kháng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là dễ bị sảy thai. Đa phần nó tác động đến các tế bào non, mà thai thì là một tế bào non, thứ hai là tế bào máu chịu tác động mạnh nhất cũng giống như phóng xạ hay hoá chất thì tế bào già như cơ thể con người thì không bị ảnh hưởng mấy nhưng những bộ phận sinh ra tế bào non sẽ bị ảnh hưởng, như thai chẳng hạn, con cái sẽ bị dị tật”

Trước câu hỏi các cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động có biện pháp hỗ trợ nào nhằm giảm thiểu tình trạng trên, ông Đỗ Quang Vinh, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương cho biết các công tác thanh kiểm tra được tiến hành mỗi 2 năm/lần với các quy định chặt chẽ, tuy nhiên, ông này lại đổ lỗi cho người lao động:

“Thực ra mà nói họ học nhưng có tôn trọng đâu, toàn dân lúa nước đi học, nông nghiệp đi làm công nghiệp cứ nói trước quên sau ấm a ấm ớ, kiểm tra kiểm soát thì không tốt nên mới như thế. Tất cả những người đã đi học rồi sau này lại ném chữ trả thầy”.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động bởi theo lời của chính những công nhân thì doanh nhiệp không trạng bị cho người lao động những kiến thức về nguy cơ phơi nhiễm hoá chất. Bên cạnh đó việc theo dõi tuân thủ cũng lơ là.

Anh Cường cho biết thực tế tại Samsung VN:

“Bảo hộ lao động ở đây chủ yếu là đeo găng tay, khẩu trang với kính nhưng mà e thấy nếu mà họ không đeo thì cũng chẳng sao cả”

Ngoài ra, theo tiến sỹ Nguyễn Lanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể hạn chế những rủi ro phát tán hoá chất tại các phân xưởng bằng việc đảm bảo hệ thống thông khí tốt hơn, trang bị quạt gió và tránh đọng khí cũng như giảm nồng độ khí tại môi trường làm việc.

Quan trọng hơn nữa là phải thường xuyên truyền tải thông tin đầy đủ đến công nhân để họ tự ý thức được mức độ rủi ro đối với sức khoẻ, từ đó thực hiện đầy đủ mọi qui định an toàn lao động.


Mỹ Lan
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad