“Tôi đề nghị người Việt chúng ta trong và ngoài nước đồng tâm hiệp sức tạo điều kiện di dời hài cốt của cụ f về Việt Nam, chọn một địa điểm chôn cất thật trang trọng, để dân Việt có điều kiện thăm viếng, thắp hương, tri ân vị đại ân nhân này của toàn dân tộc”.
Ý kiến này đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và tích cực. Cũng từ hôm ấy tôi không ngừng tìm hiểu về sự ra đời của chữ quốc ngữ, về những thử thách trong việc vinh danh và tri ân linh mục Alexandre de Rhodes.
Nay nhân sinh nhật (15/3/1591) thứ 427 của ngài, tôi xin có bài đúc kết sơ bộ sau một thời gian tham khảo các bậc thức giả, cao minh tại Việt Nam, Pháp, Bồ Đào Nha, ngay cả nhà thờ Vank tại ISFAHAN cố đô nước Ba Tư, nay là Iran.
1.- Vì sự ra đời và phổ biến của chữ quốc có công sức của nhiều người: Các giáo sỹ Bồ Đào Nha (Francisco De Pina, Gaspar De Amaral, Antonio Barbosa…, các cộng tác viên người Việt, các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh…), vinh danh và tri ân Alexandre De Rhodes, không thể bỏ qua sự đóng góp của họ. Khi cho in chính thức tại Roma năm 1651 cuốn từ điển Việt – Bồ – La, Linh Mục Alexandre de Rhodes đã đóng vai trò một nhà tổng hợp, một nhà hoàn thiện, có công lập công bố quốc tế cho sự ra đời của chữ quốc ngữ.
2.- Vẫn biết lúc ban đầu các giáo sỹ cơ đốc chỉ muốn tạo dựng một phương tiện hữu hiệu để truyền đạo, nhưng tính cách nghiêm túc và khoa học của công trình của họ đã cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.
Các chí sỹ yêu nước của các phong trào canh tân đất nước như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đã sớm ý thức được lợi thế này và đã chọn chữ quốc ngữ làm phương tiện truyền bá những tư tưởng dân chủ tiến bộ, mưu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Bởi vậy, việc vinh danh chữ quốc ngữ, tri ân những đóng góp của các tác giả phải dựa trên tinh thần đồng thuận, hành động đoàn kết, thoát ra ngoài những thành kiến hẹp hoài, những dị biệt tôn giáo, những định kiến sai lầm.
Sau khi ý kiến của tôi được công bố trên Facebook, rất nhiều phản ứng đồng tình đã xuất hiện. Đặc biệt facebooker Nguyễn Thiện đã chia sẻ về tường mình với lời đề nghị thành lập một ban cổ động để đề đạt sáng kiến này với nhà nước và toàn thể người dân Việt Nam.
Tôi đã bắt tay vào việc và sẽ công bố thành phần này trong một ngày gần đây.
Nay nhân ngày sinh nhật của ngài Alexandre de Rhodes, tôi xin công bố những thông tin sau:
1. Tạm bỏ ý định di dời phần mộ của Alexandre De Rhodes về Việt Nam
Tổ chức một phái đoàn công dân Việt Nam sang Isfahan (cố đô xứ Ba Tư, Iran ngày nay) viếng thăm và dâng hoa tại phần mộ của cố Linh mục Alexandre de Rhodes. Nếu điều kiện cho phép sẽ dựng bia tri ân ngài trong nghĩa địa Cơ Đốc giáo của cộng đồng người Armenia tại Isfahan, dưới chân ngôi mộ nơi ngài đã được an táng ngày 5/11/1660.
2. Vận động gây quỹ để xây dựng một không gian vinh danh chữ quốc ngữ, tri ân những bậc tiền bối người nước ngoài, cũng như người Việt, đã góp phần khai sinh, hoàn thiện và phổ biến chữ quốc ngữ để ngày nay cách viết này và tiếng Việt đã hòa quyện cùng nhau, trở thành phần hồn của dân tộc Việt Nam.
Địa điểm của không gian này sẽ không xa trấn Thanh Chiêm nay thuộc xã Điện Phương gần Hội An, nơi đã xuất hiện lần đầu tiên những áng văn chữ quốc ngữ tạo ra sự kiện lịch sử lớn lao này.
Tôi cũng đã quyết định tháng 5/2018 này sẽ thực hiện chuyến tiền trạm, đi thăm Iran, ghé cố đô Isfahan, liên lạc với nhà chức trách địa phương để tìm hiểu những thủ tục cần thiết cho việc thực thi dự án.
Chuyến đi chính thức với đông đảo người Việt tham gia, dự định sẽ tổ chức trong tháng 9/2018. Nay số người đồng ý tham gia đã khá đông!
Chúng tôi sẽ kịp thời thông báo những diễn tiến mới của các hoạt động văn hóa này.
Tham gia đợt sinh hoạt này, xin gửi email đến địa chỉ sau đây: quocnguvinhdanh@gmail.com
© Nguyễn Đăng Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét