Vẫn có thể lách quy định ghi âm, ghi hình hỏi cung? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Vẫn có thể lách quy định ghi âm, ghi hình hỏi cung?


Công an áp giải ông Truyễn, người lãnh án ba năm rưỡi tù giam năm 2007 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ 

Bốn cơ quan nhà nước Việt Nam mới đây ban hành thông tư quy định việc ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung, thẩm vấn. Một luật sư bình luận với VOA rằng đây là một bước tiến tích cực, song không loại trừ vẫn xảy ra việc “lách luật”.

Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện “ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/3 năm nay cũng chứa đựng các quy định về sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình.

Tôi nghĩ rằng nó sẽ giảm thiểu vấn đề bức cung, mớm cung, nhục hình ... Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tích cực đảm bảo cho quá trình điều tra được khách quan hơn

Luật sư Trần Thu Nam
Theo thông tư, cán bộ hỏi cung chỉ được thực hiện việc này khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình. Việc ghi âm hoặc ghi hình phải được thông báo cho người bị hỏi cung và ghi vào biên bản. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hìnhthì không được tiến hành hỏi cung, thông tư nêu rõ.

Kết quả ghi âm hoặc ghi hình được sử dụng để phục vụ truy tố và làm cơ sở “xác định tính khách quan trong hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai”, theo báo chí Việt Nam, dẫn lại quy định trong thông tư.

Vẫn theo thông tư, điểm đặc biệt nữa là kết quả ghi âm, ghi hình còn có thể được sử dụng “để kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra”.

Luật sư Trần Thu Nam đưa ra ý kiến với VOA về các quy định mới này:

“Tôi nghĩ rằng nó sẽ giảm thiểu vấn đề bức cung, mớm cung, nhục hình. Nó giảm thiểu được vấn đề về cắt xén lời khai rồi là các thủ thuật khác. Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tích cực đảm bảo cho quá trình điều tra được khách quan hơn”.

...họ đánh trước, họ dằn mặt trước, họ ép trước khi ghi âm, ghi hình, ép cung, rồi dọa nạt, chẳng hạn như thế. Sau đó họ hướng dẫn người đó khai như thế nào. Sau đó họ ghi lời khai và ghi âm lại. Những tình huống như vậy sẽ bất lợi cho bị can.

Luật sư Trần Thu Nam
Tuy thông tư liên tịch đã có hiệu lực nhưng nó cũng quy định rằng chậm nhất đến ngày 1/1/2020, việc ghi âm hoặc ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử mới được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Luật sư Nguyễn Thành Công thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh nói với báo Tuổi Trẻ rằng điều này đồng nghĩa là trong vòng gần 2 năm, từ nay đến hết năm 2019, nếu luật sư phát hiện điều tra viên không ghi âm, ghi hình khi động hỏi cung thì không thể kiến nghị đó là sai phạm. Ông đề nghị việc ghi âm, ghi hình hỏi cung “cần được áp dụng sớm hơn”.

Trong khi đó, luật sư Trần Thu Nam lưu ý rằng dù quy định mới là một tiến bộ song những người thực hiện hỏi cung vẫn có thể “lách luật”:

“Tôi có thể lấy ví dụ một số trường hợp đã xảy ra là họ đánh trước, họ dằn mặt trước, họ ép trước khi ghi âm, ghi hình, ép cung, rồi dọa nạt, chẳng hạn như thế. Sau đó họ hướng dẫn người đó khai như thế nào. Sau đó họ ghi lời khai và ghi âm lại. Những tình huống như vậy sẽ bất lợi cho bị can”.

Trên báo Tuổi Trẻ, một giảng viên Học viện Tư pháp không muốn nêu tên cũng tỏ ý hoài nghi. Người này được báo trích dẫn nói rằng “Khi bị can chịu sự quản lý của anh, anh muốn hỏi cung lúc nào cũng được. Việc hỏi cung được tiến hành 20 lần nhưng anh chỉ ghi âm, ghi hình có 10 lần. Việc này không ai có thể kiểm soát được”.

Vị giảng viên nói thêm việc kiểm soát càng khó khi “cơ quan có trách nhiệm điều tra được quyền quản lý hết các tư liệu ghi âm, ghi hình”.

Thông tư liên tịch vừa có hiệu lực được xem là bước cụ thể hóa điều khoản trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều khoản đó có mục đích chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự.

Báo chí Việt Nam hồi tháng 3/2015 nói trong vòng 3 năm kể từ thời điểm đó về trước, đã có 226 người chết trong các nhà tạm giam, tam giữ vì “bệnh lý và tự sát”. Kể từ đó đến nay, không có thông tin thêm về số người chết trong các nhà tạm giam, tam giữ ở Việt Nam.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad