Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, tạm ngưng một dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam, một nguồn đáng tin cậy trong ngành nói.
Điều này đồng nghĩa với việc Repsol và các đối tác có thể sẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án.
Đây là tin không ai ngờ, bởi vì các công tác chuẩn bị cuối cùng cho việc khoan thương mại đã diễn ra.
Có thể Trung Quốc xem diễn tiến này là thắng lợi quan trọng.
Quyết định của Việt Nam dường như cho thấy sự phô trương sức mạnh của Hoa Kỳ tại Biển Đông trong thời gian gần đây đã không làm thay đổi các tính toán chiến lược của Việt Nam.
‘Trả giá đắt’
Kể từ 2009, Việt Nam đã tìm cách thăm dò, phát triển mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ.
Một phần của dự án Cá Rồng Đỏ, giàn khoan có tên Ensco 8504, theo dự kiến lẽ ra khởi hành từ Singapore tới địa điểm khoan vào hôm thứ Năm.
Địa điểm đặt giàn khoan nằm trong Lô 07/03, nơi Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính là có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí gas.
Hãng đã thuê công ty Yinson của Malaysia cung cấp một bể chứa dầu nổi (Floating Production Storate and Offloading – FPSO) tại địa điểm này trong 10 năm, với chi phí ước tính trên 1 tỷ đô la.
Hơn nữa, Repsol đã thuê hãng Keppel FloaTEC của Mỹ xây một dàn kỹ thuật (production platform) để phục vụ cho địa điểm này với mức chi phí có lẽ là hàng chục triệu đô
Theo nguồn tin BBC có được, nhìn chung, Repsol và các đối tác trong dự án (gồm Mubadala Petroleum và PetroVietnam) nhiều khả năng bị thiệt hại khoảng 200 triệu đô la.
Repsol và các công ty liên đới hiện chưa hồi đáp các câu hỏi của BBC về những diễn biến mới nhất này.
Đây là lần thứ hai Repsol bị yêu cầu ngưng hoạt động khoan.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh lô 136/03, nơi mà Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng Bảy năm ngoái.
Lô 07/03 nằm cạnh Lô 136-03 mà VN phải ngưng khai thác hồi 7/2017 |
Hồi đó, có tin nói nói quyết định được đưa ra sau khi Trung Quốc dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam ở vùng nước nông gần đó, Bãi Tư Chính.
Các tường thuật từ tháng 07/2017 nói rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là những người đưa ra quan điểm rằng việc khoan thăm dò ở Lô 136/03 phải dừng lại để tránh đối đầu với Trung Quốc.
Có thể những toan tính giống vậy cũng đã tác động tới quyết định lần này.
Đã có một số quan điểm trong khu vực cho rằng cách tiếp cận cứng rắn hơn của ông Donald Trump đối với Trung Quốc cùng thái độ hành xử quyết liệt hơn của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông có thể tạo ra những khoảng không chính trị để chính phủ các nước Đông Nam Á vững tâm bảo vệ quyền trên biển một cách hiệu quả hơn.
Chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam hồi cuối năm ngoái cùng các cuộc trao đổi sau đó giữa ông với giới lãnh đạo Việt Nam dường như cho thấy chính phủ hai nước đang hợp tác để đối phó với áp lực từ Trung Quốc.
Các nước khác trong khu vực cũng rất muốn khai thác nguồn trữ lượng dầu khí ngoài khơi của mình.
Malaysia, Brunei và Philippines đang đều bị áp lực từ phía Trung Quốc trong việc phải chấp nhận “khai thác chung” trong các khu vực mà theo Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS) là hoàn toàn thuộc quyền của các nước đó.
Cho đến nay, toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á đều chống lại áp lực này.
Việt Nam đã chọn phát triển các mỏ khí một mình, và kết quả là đã bị Trung Quốc đe dọa về quân sự.
Nay, với việc lần thứ hai Hà Nội phải xuống thang, người ta đang đặt câu hỏi về khả năng khai thác ngoài khơi của Việt Nam.
Giờ đây người ta sẽ đồn đoán về số phận của dự án khí Cá Voi Xanh của Exxon Mobil ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Tuy nhiên, dự án này nằm gần bờ hơn và do đó có thể sẽ không khiến cho Trung Quốc tức giận.
Bill Hayton
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét