Chỉ là một người mang mác trung cấp lý luận Mác-Lênin, tôi mạo muội hầu chuyện với Tổng Bí thư – Giáo sư, tiến sĩ về chủ nghĩa Mác-Lê vài lời nôm na như sau:
Thưa Giáo sư – Tổng Bí thư (GS-TBT), DNNN tức về danh nghĩa là doanh nghiệp của chung hơn 90 triệu dân nhưng thực chất là của những quan chức đảng quản lý, phán xét (dân không ai có quyền gì ở đấy) và thường bị thua lỗ, thất thoát là tất nhiên. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội (CNXH), DNNN là thứ mô hình kinh tế mà các nhà tư tưởng Mác-Lê gọi là “ưu việt” chỉ là sự ngây thơ, hoặc cố tình không hiểu về bản chất con người cũng như thế giới tự nhiên.
Bản chất con người là tư hữu
Thưa GS-TBT, một trong những bản chất cơ bản của con người trong hoạt động kinh tế là tư hữu. Về tổng thể, cá nhân luôn mưu cầu cái lợi cho mình. Chính bản chất này mà xã hội mới có động lực phát triển hình thành thế giới văn minh hôm nay. Một trong những giả thuyết về xã hội loài người có cơ sở khoa học được công nhận rộng rãi: Đầu tiên “đàn” người vượn khi kiếm được con mồi là cả đàn cùng ăn. Nếu tình trạng ấy kéo dài mãi thì bầy người nguyên thủ sẽ chết đói do người nào cũng ỷ lại vào kẻ khác nên số mồi kiếm được ngày càng ít đi trong khi dân số tăng lên. Rất may tính “tư hữu” của người nguyên thủy xuất hiện, về sau con khỏe, tinh ranh hơn kiếm được mồi nhiều hơn tự chiếm phần hưởng thụ nhiều hơn dẫn đến phân hóa hưởng thụ, phân công lao động, trách nhiệm trong bầy, dần dà xuất hiện tổ chức nhà nước sơ khai…
Chế độ xã hội chủ nghĩa Mác- Lê thực hiện ý tưởng tập hợp tất cả tư liệu sản xuất của cải xã hội vào nhà nước rồi phân công lao động, phân phối theo kế hoạch của nhà nước. Mới nhìn thì có vẻ khoa học, tối ưu khắc phục được những cuộc khủng hoảng thừa, thiếu của chế độ tư bản hoang dã vì nhà nước tính được với dân số ấy thì phải sản xuất bao nhiêu của cải, vật chất là đủ, dẫn đến XH yên bình không ai bóc lột ai…
Thế nhưng ý chí con người không thể chế ngự được quy luật, bản chất tư hữu của con người.
Về cá nhân những kẻ nắm được quyền lực, của cải XH (các cán bộ đảng chẳng hạn) với bản chất tư hữu luôn tìm cách chia phần hơn số của cải “của tất cả nhưng cũng chẳng phải của ai”, những người lao động thì thấy mình lao động tích cực cũng chẳng hưởng hơn ai nên cuối cùng cái hợp tác xã, cái DNNN “cha chung không ai khóc” kia lụn bại, bị tham nhũng đục khoét phát triển kém(so với khả năng), thua lỗ, lụn bại mà GS-TBT phải hỏi “tại sao”.
Và thực tế là như vậy
Tôi đã đi lao động trong thời kỳ hợp tác xã (HTX). Mặc dù HTX qui định ra lao động chính, phụ, bình xét để hưởng điểm, từ điểm tính ra sản phẩm cuối cùng chia sản phẩm theo công điểm có vẻ rất hợp lý, công bằng. Thế nhưng trong khi làm việc mọi người thấy sự cố gắng sáng tạo không mang lại lợi ích trực tiếp công bằng cho mình nên làm việc cầm chừng, chiếu lệ để tiết kiệm sức nhất. Đi cào cỏ lúa, cái lưỡi cào bị rơi ra nhưng người ta không sửa làm tiếp mà cứ cầm cái cán đưa đi đưa lại, người cày ruộng chỉ cày chỗ hở đất, bỏ lại chỗ có nước cho chóng xong, về sớm; người gặt lúa thấy sót nhiều bông nhưng không thu vén, người bón phân cho lúa không vãi đều đến ruộng đổ luôn vài chỗ rồi về dẫn đến chỗ lúa nhiều phân quá bị “lốp” bông lép, các chỗ khác lại đỏ hoe, … Cứ thế dẫn đến năng suất lúa càng ngày thấp, sản lượng ngày càng giảm, một công (lao động một ngày) có những vụ chỉ đáng 2-3 lạng thóc, dân đói rã họng mà chuyện “Cái đêm hôm ấy đếm gì” của nhà văn Phùng Gia Lộc đã mô tả rất sinh động.
Đó là chưa kể gần như không ở HTX nào không có cán bộ tham nhũng, bớt xén bằng mọi cách: Ghi khống công, điểm, quy định một buổi họp số điểm nhiều hơn buổi đi làm, ghi khống buổi họp, buổi, tiền tiếp khách, đi lại… để hưởng hơn người khác. Tham nhũng ở các HTX được dân gian tổng kết rất “dân gian”, qua lời hiệu triệu của lãnh đạo đảng với xã viên HTX:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho cán bộ xây nhà, xây sân…
Với tư tưởng dân như thế, thử hỏi nền kinh tế nông nghiệp HTX có hiệu quả hay không?
Với DNNN, nói sở hữu nhà nước nhưng thực chất mọi phán xét việc kinh doanh, thu chi, mua bán, lương, thưởng, cất nhắc cán bộ, … đều do một hoặc hai ba anh cán bộ của đảng quyết định. Tức những tài sản của DNNN không phải mồ hôi nước mắt của những anh quản lý kia, DN làm ăn khá họ cũng chẳng lợi bao nhiêu, ngược lại, DN làm ăn kém họ cũng không thiệt hại thậm chí còn có lợi. Ví như DNNN Vinalines họ mua cái tàu nát chỉ đáng vài trăm ngàn nhưng nhà nước phải trả hàng chục triệu đô, DN thiệt hại nhưng họ được hàng triệu đô “lại quả”.
Ở ngành hàng không VN, năm 1995 họ mua hai máy bay Fokker 50 triệu USD khi hãng chế tạo đã phá sản dẫn đến khó khăn, nguy hiểm, kém hiệu quả trong việc khai thác thiệt hại không thể tính nổi, còn những người liên quan bị tố cáo nhận mỗi người 20.000 USD, kẻ chủ chốt hàng triệu USD. Ở DNNN hầu như mua, bán, sắm sửa gì lãnh đạo cũng được hoa hồng, “lại quả”. Đó là tiền giá mua, bán bị nâng hoặc hạ so với thực tế để lãnh đạo bòn rút.
“Lại quả” đã trở thành một danh từ quá quen thuộc từ khi có DNNN. GS-TBT thử rà soát xem có anh chị lãnh đạo DNNN nào có gia sản, mức sống tương xứng với mức lương của họ không? Hiện tại tham nhũng ở VN không thể chế ngự vì DNNN, đất đai, khoáng sản, rừng, biển, … đều thuộc gần như sở hữu của các cán bộ trong Đảng (vì chỉ họ có quyền phán xét) nhưng với dân thì “cha chung không ai khóc”, báo chí, thanh tra, kiểm toán, … đều cùng “một nhà”, cùng lợi ích do cùng đảng lãnh đạo, quản lý. Với bản chất tư hữu các cán bộ đảng quản lý của cải “cha chung không ai khóc” phải kiếm lợi từ đó chứ! Đại biểu quốc hội nước ta chẳng phải đã nói thẳng: “Không tham nhũng thì bị cô lập”. Đã đành, trong số cán bộ đảng cũng có những người vượt khỏi quy luật, không tham nhũng nhưng đó chỉ là cá biệt, xã hội không thể trông dựa vào lòng tốt của ít người đó mà phải dựa vào quy luật lợi ích, sự cạnh tranh chính trị, giám sát của nhân dân, báo chí tư nhân…
Sự ưu việt kinh tế tư nhân
Khi tư nhân quản lý DN của họ thì hướng tới hiệu quả, tiết kiệm tối đa vì DN nghiệp đó là tài sản của họ, nếu mất họ mất tất cả, lờ lãi cũng là của họ và XH. Trong DNNN đảng CS cũng đặt ra tổ chức quản lý như có hội đồng quản trị, ban kiểm soát, … nhưng đó chỉ là hình thức vì quan hệ sở hữu, lợi ích vẫn không có gì thay đổi.
Nếu con người mang yếu tố quyết định thì việc tuyển người, cất nhắc cán bộ ở DNNN như thế nào thì GS-TBT biết hơn ai hết rồi. Những Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng đều là những “vua phá hoại”, nhưng lên chức vù vù vì những người cất nhắc họ không cần quan tâm hiệu quả kinh tế ngành, DNNN ấy. Ngành, DNNN ấy khá, kém không liên quan lợi ích của họ mà phụ thuộc bổng lộc cung tiến của kẻ được cất nhắc. Kẻ được cất nhắc cũng không cần DN phát triển miễn là làm vừa lòng quan chức bảo kê họ. Như vậy, ở chế độ hiện tại cán bộ đảng phân công người quản lý không ưu tiên sự phát triển của DN mà vì bè cánh, thân quen và dân gian lại tổng kết cũng rất dân gian: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”. Tức trí tuệ-tinh hoa của con người – chỉ được xếp hàng thứ 4. Thế thì một DNNN, một quốc gia “không chịu phát triển” là tất nhiên.
Với nền kinh tế tất cả DNNN là “chủ đạo” chỉ từ năm 1975 đến những năm 1980 kinh tế của Việt Nam sụp đổ, đất nước khánh kiệt trước nguy cơ hỗn loạn, để tồn tại đảng CSVN đã phải phá bỏ những nguyên tắc cơ bản nhất của lý thuyết CNXN: Chia ruộng đất cho nông dân mượn canh tác, cho thành lập doanh nghiệp tư nhân nhà nước chỉ giữ lại những DN nòng cốt, “béo bở” nhất. Tức là đảng miệng nói theo CNXH nhưng phải sống nhờ vào kinh tế tư bản, thứ kinh tế có động lực: Khai thác được bản chất tư hữu của con người. Bản chất tư hữu đồng hành với sự cạnh tranh, sáng tạo (để cạnh tranh) đã làm nên sự thịnh vượng nhất định của nền kinh tế VN. Tuy nhiên, đến nay đảng CS vì quyền lợi riêng của mình vẫn lấy DNNN làm “chủ đạo”, trong đó có các DN của lực lượng vũ trang cạnh tranh bất bình đẳng với nền kinh tế quốc doanh, dân doanh cộng với tham nhũng “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” nên dẫn đến một nền kinh tế lụn bại thu không đủ chi, xã hội đầy rẫy tiêu cực, tội phạm… Đây cũng là lý do cơ bản nhất để chế độ XHCN mà các DNNN thống trị ở các nước đông Âu sụp đổ.
Ngày nay nền kinh tế thế giới đã phát triển đến giai đoạn thứ tư, tức nền kinh tế trí thức. Một quốc gia, DN muốn phát triển cần hơn nữa sự sáng tạo của bộ não con người. Phát minh, sáng tạo là từ những cá nhân chứ không phải một tập thể, nghìn, vạn, triệu người.Trung Quốc hơn 1 tỷ dân nhưng rất ít phát minh mà toàn sao chép trộm cắp công nghệ của các nước khác.Việt nam gần trăm triệu dân nhưng hầu như không có phát minh gì một số cải tiến, sáng chế là mấy anh “hai lúa” tư nhân… Những cá nhân không thể có phát minh, sáng tạo nếu thành quả sáng tạo không thuộc về họ. Vì vậy chỉ có doanh nghiệp của những tư nhân mới phát huy cao nhất sự sáng tạo. Không có gì lạ hầu hết phát minh khoa học, công nghệ trên thế giới là từ những quốc gia dân chủ có nền kinh tế tư nhân là chủ đạo. Những tập đoàn kinh tế khổng lồ làm nên diện mạo vĩ đại một quốc gia là những DNTN: Boeing, Airbus, Samsung, Hyundai…
DNTN không được nhà cầm quyền độc tài ưu ái vì ngoài đóng thuế họ ít bị điều khiển của các nhà lãnh đạo đảng, nhân viên nhà nước. Với DNTN, lãnh đạo các cấp mất quyền bổ nhiệm cán bộ (bán ghế), không dễ dàng bắt họ đóng góp tài chính bằng mọi hình thức cho quan chức, chính quyền, con em, người thân các nhà lãnh đạo; những kẻ có tiền, người có thế lực không được nhận vào DN tư nhân “ngồi mát ăn bát vàng” như DNNN…
Phải chăng, doanh nghiệp cùng với đất đai, khoáng sản, rừng, … là nguồn tài nguyên, của cải, lợi ích cơ bản quốc gia không vua chúa, quan chức nào muốn mất nguồn lợi khổng lồ đó nên họ cũng không muốn hiểu cái quy luật giản đơn trên để trả lời GS-TBT?
Nguyễn Đình Ấm
VNTB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét