HRW: 'Việt Nam không có phiên toà thực sự' - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

HRW: 'Việt Nam không có phiên toà thực sự'


Sáu nhà hoạt động dân chủ, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Đài, sẽ được đưa ra xét xử trong phiên tòa ngày 5/4 sau thời gian dài bị cầm tù                 

Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói 'Việt Nam không có phiên toà thực sự'.

Ông cũng khuyên giới bất đồng chính kiến đoàn kết và tìm sự hỗ trợ trong và ngoài nước trước phiên tòa xử luật sư Nguyễn Văn Đài ngày 5/4.

Hôm 4/4 tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế phổ biến thông cáo báo chí yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các nhà vận động nhân quyền Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức.

Cả sáu nhà hoạt động đã tham gia nhiều công việc liên quan tới nhân quyền, giảng bài về tiêu chuẩn nhân quyền, vận động cho tự do tôn giáo, và hỗ trợ các tù nhân chính trị và gia đình họ. Một số trong họ còn tham gia các nhóm xã hội dân sự khác để đấu tranh chống Formosa, công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.

BBC phỏng vấn ông Phil Robertson về phiên tòa sắp diễn ra và tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Phil Robertson                 
Ông Robertson: Đây là phiên tòa xét xử các nhà hoạt động dân chủ, những người đã bày tỏ quan điểm và đưa ra các tuyên bố quan trọng mà chính phủ không thích. Phiên tòa này cho thấy rõ ràng chính phủ Việt Nam đã hình sự hóa các hoạt động đấu tranh ôn hòa vì nhân quyền.

Các nhà hoạt động này đang sử dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp một cách ôn hòa để nói về các vấn đề như Formosa, nhân quyền, hay dân chủ ở Việt Nam. Và các quan điểm này khác biệt với quan điểm của chính phủ.

Chính phủ Việt Nam sử dụng lý do 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân' để buộc tội, truy tố họ. Điều này, thẳng thắn mà nói cho thấy chính phủ Việt Nam hung hãn thế nào và Việt Nam xếp hạng rất thấp trong hệ thống các chính phủ thật sự có dân chủ và tôn trọng quyền con người.

BBC: Các luật sư gặp khó khăn khi tiếp cận với thân chủ của họ, trong khi người nhà luật sư Đài và các tù nhân lương tâm khác cho hay họ không được tham dự phiên tòa. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong một phiên xét xử 

Ông Robertson: Thành thật mà nói, đối với hệ thống tư pháp của Việt Nam thì không có 'phiên tòa thực sự'. Các quyết định thật ra đã được đưa ra từ trước, về việc họ sẽ bị tù bao lâu đến các biện pháp ngăn chặn sau khi họ ra tù sẽ được thực hiện như thế nào. Các phiên tòa chỉ là vở diễn.

Cái chúng ta thấy là Việt Nam tiếp tục thất bại trong việc có những phiên tòa công khai, nơi quyền con người được tôn trọng. Việc tiếp cận với luật sư, gia đình có quyền dự phiên tòa…, là những quyền hết sức cơ bản trong bất cứ hệ thống pháp luật của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng VIệt Nam thì phủ nhận.

Cái chúng ta thường thấy là các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến bị giam cầm trong sự căng thẳng, đôi khi còn bị đánh đập, tra tấn. Chúng ta cũng thường thấy những người nhận tội trong phiên tòa có vẻ bị tù ngắn hơn những người dám đứng lên, bảo vệ quyền của họ và nói 'Những điều tôi làm không có gì sai trái' - họ thường bị phạt tù dài hơn.

BBC: Ông dự đoán thế nào về kết quả của phiên tòa ngày mai, dựa trên các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến trước đây của chính phủ Việt Nam?

Chính phủ Việt Nam liên tiếp có các vụ bắt giữ và cầm tù người bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây                 

Ông Robertson: Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể sẽ nhận bản án rất nặng, với thời gian tù rất dài. Và sau khi được thả ra, có lẽ sau 6, 10 năm, hay lâu hơn nữa, họ sẽ phải đối mặt với những biện pháp ngăn chặn của chính phủ. Họ sẽ bị hạn chế trong một số lĩnh vực cụ thể. Những gì chúng ta thấy là xu hướng án ngày càng nặng, thời gian tù ngày càng dài cho những người đấu tranh vì nhân quyền.

Chính quyền của ông Trump không quan tâm tới vấn đề nhân quyền. Một số nước châu Âu quan tâm nhưng họ lại có vẻ quá bận rộn để giải quyết những vấn đề khác như nhập cư hay Brexit.

Thế là Việt Nam tận dụng cơ hội. Họ nghĩ rằng đây là thời điểm, khi mà sự phản kháng và chỉ trích của quốc tế đối với vấn đề nhân quyền có vẻ như bớt đi so với cách đây vài năm, hoặc so với thời Obama làm Tổng thống Mỹ.

Đặc biệt là vào thời điểm này, chính quyền Việt Nam cố gắng đưa càng nhiều người bất đồng chính kiến vào tù càng tốt vì họ nhận thấy đây là thời điểm để làm điều đó.

BBC: Các tổ quốc tế như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sẽ có những hành động gì để bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến như luật sư Đài, những người đã, đang và sắp bị tù đày?

Nhiều nhà đấu tranh dân chủ đã xác định có thể một ngày sẽ bị tù đày, theo ông Phil Robertson                 
Ông Robertson: Chúng tôi có nhiệm vụ truyền tải các thông điệp ra thế giới về những gì đang diễn ra đối với các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là cất lên tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề này để thu hút sự chú ý của cộng đồng. Chúng tôi cố gắng đưa ra vấn đề đàn áp nhân quyền của Việt Nam. Kết quả là đã có một số nước như Pháp, Úc, Đức và Mỹ nhanh chóng chỉ trích Việt Nam về vấn đề này. Chúng tôi là tổ chức giám sát, theo dõi nhân quyền, và một phần việc của chúng tôi là nói ra sự thật, tìm kiếm và kiểm chứng thông tin, sau đó lan tỏa thông tin đó ra toàn thế giới.

Do đó, chính phủ Việt Nam không thể nói với Liên Hiệp Quốc là họ tôn trọng nhân quyền. Vì chúng tôi có bằng chứng họ đàn áp nhân quyền.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế, làm việc với Liên Hiệp Quốc, cũng như với các công ty như Formosa ở Đài Loan. Chúng tôi vận động, đưa ra ánh sáng các vụ đàn áp nhân quyền tại Việt Nam và chỉ ra ai đứng sau các việc này. Đồng thời cố gắng để đảm bảo rằng các việc bắt bớ, xét xử các nhà bất đồng chính kiến như vậy, như phiên tòa ngày mai, sẽ không còn xảy ra trong tương lai.

Chúng tôi cũng hi vọng có thể khiến chính phủ Việt Nam nhận ra rằng nhà bất đồng chính kiến thực ra là những người yêu nước, họ chỉ ra các vấn đề và đưa các giải pháp. Và chính phủ Việt Nam không nên tù đày những người đưa tin bất đồng.

BBC: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, những nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến tại Việt Nam nên làm gì để bảo vệ mình và tiếp tục con đường của họ?

Ông Robertson: Tôi cho rằng các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nên cùng nhau xây dựng mạng lưới, sự hợp tác, và tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Cái chúng ta từng thấy là những nhà hoạt động càng nổi tiếng thì chính phủ Việt Nam có vẻ càng e ngại trong việc bắt bớ họ. Nhưng những điều này nay đã thay đổi. Mới đây, ca sỹ Mai Khôi bị tạm giữ ở sân bay. Mặc dù cô được thả sau đó mà không bị buộc tội nhưng đây mới là lần đầu cô bị bắt giữ.

Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn, họ theo dõi những người tự do biểu đạt ý kiến và chia sẻ ý ‎tưởng mà chính phủ không thích. Tôi cho rằng điều rất quan trọng là những người bất đồng chính kiến cần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, tìm kiếm sự hỗ trợ cả trong và ngoài nước.

Rất nhiều người trong số họ biết rằng họ có thể bị tù đày vào một ngày nào đó. Nhưng đó là điều mà họ đã lường trước khi quyết trở thành một nhà hoạt động. Sự dũng cảm của họ có thể khiến các tổ chức nhân quyền như chúng tôi muốn nỗ lực hơn nữa để giúp đỡ họ.

Về mặt cơ bản, rất khó khăn để có bất kỳ thay đổi nào từ chính quyền Việt Nam. Nhưng những nước cộng sản như Việt Nam cần hiểu rằng họ không thể đứng một mình mà chỉ có thể thành công nếu mời công dân cùng tham gia trong các quyết định của chính phủ, và rằng quyền biểu đạt, quyền tự do dân chủ của con người không thể bị ngăn cản.


BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad