Chiến dịch đánh quan tham, quan “làm trái” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có vẻ đang ở giai đoạn cao trào, khi các đối tượng bị “tóm” có chức vụ ngày càng to hơn, quy mô hậu quả ngày càng lớn hơn, ở những thành phố lớn – cũng chính là những nơi quan chức có cát cứ “vững mạnh” nhất. Người ta thấy tài sản quốc gia, đất đai rơi vào tay các “đại gia” sao mà dễ dàng quá.
Ở Việt Nam suốt nhiều chục năm qua, nói đến “quan” là người dân hình dung ngay đến tham nhũng, độc ác, sa đoạ, biến chất. Nên những chuyện quan làm trái như ở Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn không phải là điều gì lạ lẫm. Gây bất ngờ, chấn động có chăng là vì vụ việc được phanh phui, đưa lên mặt báo một cách “chính thức”, “danh chính ngôn thuận” đàng hoàng! Mà cũng nhờ “chính thức hoá” như vậy, nên người dân được quyền bàn luận, bày tỏ ý kiến về vụ việc một cách an toàn, mà không lo có thể bị chụp cho những cái mũ như: phản động, nói xấu chế độ, ăn cơm thừa đế quốc Mỹ, … đại loại vậy.
Dù sao, tuy chỉ là công khai và xử lý, chứ không chắc gì sẽ thu về đủ số tiền của bị thất thoát, hay tiền tham nhũng – thì cũng là điều đáng mừng cho đất nước.
Hai vụ việc gây chấn động trên đều liên quan đến chuyện tài sản công lọt vào tay các “đại gia”.
“Đại gia” mà tôi nói ở đây, là những người nhiều, rất nhiều tiền, có quan hệ “mạnh” – chứ không nói là họ thực sự giỏi giang trí truệ, hay đồng tiền đưa họ thành “đại gia” là sạch sẽ. Điều ấy khó kiểm chứng lắm. Tuy nhiên có thể nói một cách khái quát, là các “đại gia” ở Việt Nam hầu hết đều liên quan đến bất động sản, đất đai – vốn là tài sản “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” (quy định trong Luật đất đai), chứ không phải là do họ có nguồn thu từ những sản phẩm, dịch vụ tốt, thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn như Iphone, Microsoff Office, Facebook, … của Mỹ, hay xe hơi Toyota của Nhật, hay điện thoại Samsung của Hàn Quốc chẳng hạn.
Cả hai vụ ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, đều là về đất đai. Đại khái là những khu đất vàng, có gía trị siêu lớn – nếu nhà nước đem bán đấu giá, công khai, thì sẽ mang về cho ngân sách những khoản tiền khổng lồ hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng vì lý do “tế nhị” nào đó, mà những khu đất như vậy lại được giao/bán một cách nhanh chóng bất thường, trong âm thầm lặng lẽ, thủ tục siêu nhanh … vào tay các đại gia. Giá thì thấp hơn giá trị thật hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.
Ví dụ như dưới đây là thông tin về vụ bán đất khu dân cư Phước Kiển cho “đại gia” Quốc Cường Gia Lai, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 18/4/2018.
“Văn phòng Thành ủy TP.HCM vừa có thông báo về sự việc đang được dư luận quan tâm liên quan đến việc Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đã bán khu đất “khủng” tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ bèo so với giá thị trường.
Theo thông báo này, ngày 5-6-2017, Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã được đền bù tại khu dân cư Phước Kiển ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Diện tích đất được bán là hơn 30ha với giá 1,29 triệu đồng/m2.
Văn phòng Thành ủy TP.HCM cho rằng việc ký chuyển nhượng này đã không được báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy theo Quy chế quản lý tài sản của Thành ủy.
Đến ngày 27-12-2017, khi có thông tin về sự việc, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu phải đàm phán lại và báo cáo Thường trực Thành ủy.
Ngày 14-4-2018, Thành ủy TP.HCM họp nghe báo cáo kết quả trên và đến ngày 18-4-2018, Ban thường vụ Thành ủy họp nghe Văn phòng Thành ủy báo cáo việc chuyển nhượng phần đất này.
Qua thảo luận, Ban thường vụ Thành ủy nhận thấy việc ký hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QD9/TU ngày 31-3-2009 của Ban thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố. Ban thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác hủy hợp đồng – không đồng ý việc bán chỉ định”.
Qua ví dụ trên, có thể thấy rất rõ việc quyết định “giao” tài sản công vào tay “đại gia” thường chỉ nằm trong bàn tay “sinh sát” một vài vị lãnh đạo cấp to nhất ở địa phương. Nếu vụ việc không bị phát hiện, đưa lên báo chí thì xem như … chẳng ai biết! Nhưng khi bị phanh phui, thì mới lòi ra rất nhiều những bất thường, trái quy định, hậu quả gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước (suy cho cùng cũng chính là gây thiệt hại cho người dân).
Câu hỏi đặt ra là: nguyên nhân, động cơ nào mà các vị ấy cố tình làm trái như vậy? Để làm sáng tỏ việc này hoàn toàn không dễ, rất khó có bằng chứng. Nên thông thường chỉ có thể quy kết trách nhiệm, truy tố về hành vi “cố ý làm trái”, “thiếu trách nhiệm” thôi. Tức là cũng chỉ mới xử lý phần nổi của tảng băng. Chưa đi đến tận cùng bản chất.
Tuy nhiên, chỉ qua phần nổi đó, ai ai cũng dễ dàng hiểu được, và không thấy ngạc nhiên, khi hầu hết các quan to ở Việt Nam đa phần đều rất giàu. Tài sản rất lớn, con cái gửi đi học nước ngoài … – trong khi về mặt nguyên tắc, họ chỉ hưởng lương công chức. Thì không thể nào có được những tài sản đó, nếu không “làm trái”, không “thiếu trách nhiệm”.
Thế mới thấy tài sản quốc gia vào tay đại gia dễ lắm là vậy. Và tỷ lệ thuận với sự giàu có của quan to.
Nếu cứ đà này, mà không bị ngăn chặn, thì chẳng bao lâu nữa, tài sản quốc gia sẽ cạn kiệt, đất nước sẽ càng rơi vào cảnh khó khăn hơn, không còn nguồn lực để đầu tư, phát triển. Đó là chưa nói đến tình huống nguy hiểm hơn, là đất đai rơi vào tay những kẻ xấu, có liên quan đến nước ngoài. Mà nước ngoài đó lại đang có ý định hăm he thôn tính, xâm lược Việt Nam.
© Trần Hồng Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét