Nói cách khác, sau khi thảo luận sôi nổi – tuyên truyền rộng rãi suốt ba năm, đến nay, dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành vẫn bảo đảm – duy trì sự an toàn cho những viên chức giàu có tới mức “nứt khố, đổ vách” và ai cũng biết là tại sao, từ đâu.
***
Cho dù Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về tham nhũng, bất kể tham nhũng đã được xác định là “quốc nạn” nhưng công cuộc phòng – chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ mới đạt được những thành tựu trên… môi, miệng các viên chức lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Kết quả các cuộc khảo sát thường niên về quan điểm và trải nghiệm của dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) thực hiện tại Việt Nam từ đầu thập niên 2010 đến nay, luôn luôn cho thấy, đa số dân chúng tin rằng, tham nhũng tại Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm.
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua “Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đã đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội “làm giàu bất chính” để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường: Nếu phát giác viên chức nào đó có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và viên chức ấy không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản thì nên xem viên chức ấy phạm tội “làm giàu bất chính” để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên đề nghị vừa kể chỉ dẫn tới những tranh cãi mà báo chí Việt Nam lúc đó tường thuật là “nảy lửa”.
Dẫu phía đề nghị đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam viện dẫn cả Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (Điều 20 - Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính), lẫn cách thức xử lý hành vi “làm giàu bất chính” của một số quốc gia, đệ đạt chọn một trong ba cách nhằm gia tăng tính hiệu của công cuộc phòng chống tham nhũng (Một: Đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam theo đó, “Bất kỳ người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, nếu có tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ, của vợ/chồng hoặc con chưa thành niên của họ thì có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó. Nếu họ không thể giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm thì một phần hoặc toàn bộ tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là tài sản bất chính và bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần. Ngoài ra, họ còn bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ”. Hình phạt có thể tăng nặng theo giá trị tài sản tăng thêm, hoặc phát giác được nguồn gốc phần tài sản tăng thêm có liên quan đến hành vi phạm tội khác. Hai: Đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam và xác định tội “làm giàu bất chính” qua việc vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình. Việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Ba: Nếu không đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam mà chỉ xử lý tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu chọn cách này thì khi sửa Luật Phòng - Chống tham nhũng phải đưa thêm vào luật này một số quy định. Chẳng hạn, nếu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang Viện Kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của tòa án…) (2), còn phía phản đối chỉ bác bỏ với những luận cứ hết sức chung chung (Việt Nam chưa hội đủ những tiền đề cần thiết để ứng dụng kinh nghiệm xử lý hành vi “làm giàu bất chính”. Hiến pháp qui định phải tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội” nên không thể tùy tiện áp dụng “suy đoán có tội”…) nhưng cuối cùng, phía phản đối vẫn thắng thế.
Năm 2015, khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa hai năm trước đó, Quốc hội Việt Nam vẫn không… ưng xem hành vi “làm giàu bất chính” là tội phạm.
***
Khi hành vi “làm giàu bất chính” không chen được vào Luật Hình sự Việt Nam thì “xử lý tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc” có nguy cơ rớt khỏi Dự luật Phòng – Chống tham nhũng chẳng có gì là lạ.
Giống như phía phản đối “hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính”, mới đây, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam cũng viện dẫn Hiến pháp (quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân), đặc điểm – điều kiện xã hội cho nên “không thể mặc nhiên coi tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu theo hướng suy đoán có tội” và “cũng không thể tiến hành xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vì không phù hợp với quy định của Luật Dân sự”.
Nếu dân chúng Việt Nam đã ngán, không còn có thể bật cười khi nghe các “công bộc” của mình giải trình, khối tài sản khổng lồ mà họ đang thủ đắc là nhờ “thừa kế”, “làm vườn đến thối móng tay”, “chạy xe ôm”, “bện chổi đót”,… thì cứ thoải mái nhún vai, lắc đầu, thậm chí có thể chửi vung thiên địa rồi… thôi vì giống như trước nay, hệ thống công quyền sẽ không thể giải quyết hiện tượng viên chức giàu có bất thường do… còn thiếu các qui định phù hợp.
***
Giới lãnh đạo hệ thống công quyền tại Việt Nam đang cố gắng chứng minh quyết tâm phòng – chống tham nhũng thông qua việc áp dụng hàng loạt biện pháp hành chính (khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ những chức vụ đã từng mang, cách chức), kể cả xử lý bằng biện pháp hình sự một số viên chức cao cấp thuộc đủ mọi ngành.
“Lò” đã nhóm, rõ ràng cả củi nhỏ lẫn củi to đang cháy rừng rực, vậy thì tại sao xử lý “làm giàu bất chính”, xử lý tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc lại nan giải đến như vậy?
Nếu “làm giàu bất chính” được xác định là tội phạm thì chỉ cần nhìn vào tư gia của các “đồng chí” Phan Văn Vĩnh – Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, “đồng chí” Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao, hẳn những người vận hành “lò” đã có thể xác định các “đồng chí” này là “bị can” từ lâu chứ không cần phải đợi đến khi Công an tỉnh Phú Thọ phát giác vụ án “chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền”
Thế nhưng phải nhớ, nếu “làm giàu bất chính” được xác định là tội phạm thì “lò” nào đốt cho xuể củi to, củi nhỏ vương vãi khắp nơi trên toàn quốc?
Biện giải thế nào khi “đồng chí” Đinh La Thăng đã thành tro nhưng “đồng chí” Phạm Sỹ Quý – chủ khối tài sản khổng lồ làm “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” sửng sốt thì chỉ thôi làm Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái, chuyển công tác sang Hội đồng nhân dân của tỉnh này? Vấn đề dường như nằm ở chỗ nhóm vận hành “lò” quyết định chọn “đồng chí” nào làm củi. Thế thôi!
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét