“Quê quán họ ở Á châu, đúng vậy, nhưng đường về nghìn trùng cách biệt, dấu chân phiêu dạt chưa biết ngày nào trở lại được với bến bờ quê cũ. Đó là một cặp vợ chồng nhà văn. Một cặp vợ chồng nhà văn Việt Nam tha hương, từ bảy mùa tuyết, đã định cư yên ổn ở Vạn Hồ.”*
Hôm qua, khi đọc đến lời tâm sự của Tổng thống Moon Jae-in rằng, cuối đời ông muốn sống ở Hungnam – quê cũ của ba mẹ ông, tôi chợt nhớ đến đoạn văn trên. Hai người Á châu được mô tả ở trên là vợ chồng nhà văn Vũ Khắc Khoan. Còn chuyến bay họ chờ đợi thì các bạn chắc cũng đoán được. Cuối cùng, ông bà đã không thể đợi được chuyến bay đó, Vũ Khắc Khoan mất ở Mỹ năm 1986.
Không cần phải quá tỉnh táo cũng có thể hiểu rằng, ước mơ thống nhất hai miền Triều Tiên bây giờ là hoang đường, nhưng hai quốc gia – một dân tộc cùng chung sống hòa bình – thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên thì có thể.
Người ta sẽ hỏi một cách tuồng như hợp lý là: có thể trông chờ điều tốt đẹp nào từ một kẻ đã giam lỏng cô ruột, sát hại dượng và anh trai, sát hại không thương tiếc bất cứ đồng chí, đồng bào nào lăm le đe dọa hay làm tổn hại đến quyền lực tuyệt đối của mình?
Nhưng người ta có lẽ đã quên rằng: sinh tồn là bản năng lớn nhất của con người và mọi thực thể có ý chí khác, và để sinh tồn thì người ta có thể làm tất cả, cả điều tệ hại nhất lẫn điều cao cả nhất.
Chúng ta hay có thói quen nhìn sự vật ở một trạng thái đứng yên trơ lỳ, mà quên mất rằng Triều Tiên của Kim Il-sung đã khác với Triều Tiên của Kim Jong-un. Việt Nam của thời Hồ Chí Minh – Lê Duẩn đã khác với Việt Nam thời Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Phú Trọng. Cái khác đó có thể không xuất phát từ ý muốn tự thân, mà nhiều khi đến từ bản năng sinh tồn, yêu cầu phải duy trì sự tồn tại làm nên.
Và còn nữa, không có một thực thể nào có thể tách rời hoàn toàn với hoàn cảnh, thế giới mà Triều Tiên và Việt Nam đang hiện diện bây giờ, khác hẳn cái thế giới mà Triều Tiên và Việt Nam đã tồn tại thời những năm 1953 hay 1986.
Lẽ thường, con người là những kẻ ưa dễ dãi và căm ghét sự thay đổi. Để cho quá khứ và những định kiến giam cầm thì luôn an toàn và tiện lợi hơn là phải thay đổi. Thay đổi tư duy, thay đổi con mắt nhìn nhận mọi sự trong một ánh sáng, một diện mạo mới lạ lẫm, thậm chí thù địch với những định kiến, thói quen cũ luôn là điều khó khăn, với bất kỳ ai.
Khi tìm đọc luận án “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội (1987-1997)” ban đầu, tôi muốn tìm các chứng cứ minh họa cho sự thao túng, áp đặt của Đảng với Quốc hội. Nhưng sau khi đọc xong toàn bộ luận án này, tôi lại thấy thực tế hóa ra Đảng ngày càng tách rời, ngày càng trao nhiều thực quyền và để Quốc hội độc lập hơn, ít nhất trong giai đoạn 1987-1997. (Đây là luận án tiến sĩ lịch sử của tác giả Lưu Văn Luân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Các bạn quan tâm có thể tìm đọc trên Thư viện Quốc gia, Tràng Thi.)
Tôi tự hỏi: tại sao vậy? Một kẻ đã nắm quyền lực tuyệt đối trong tay thì có đời nào tự nhiên chịu rời bỏ quyền lực của mình? Câu trả lời cuối cùng là vì sự sinh tồn. Vì sự sinh tồn, Triều Tiên của Kim Jong-un đang phải tự diễn biến, chuyển hóa. Vì sự sinh tồn, Đảng Cộng sản ở Việt Nam cũng đang phải tự diễn biến, chuyển hóa.
Hy vọng vào một sự thống nhất Nam – Bắc Triều Tiên bây giờ là hoang đường, nhưng rõ ràng ta có thể kỳ vọng vào một Bắc Triều Tiên mở cửa, bắt tay với Hàn Quốc “cùng nhau vun đắp hòa bình, thịnh vượng.”
Tất nhiên, điều này có thể không xuất phát từ lòng tốt, hay sự xót thương cho đồng bào của Kim Jong-un và các đồng chí của ông, mà có thể chỉ đơn thuần do yêu cầu sinh tồn của Bắc Triều Tiên và gia tộc họ Kim trong một hoàn cảnh thế giới mới đòi hỏi.
Cũng như vậy, thật hoang đường, nếu hy vọng một ngày nào đó Đảng Cộng sản tự nguyện từ bỏ quyền lực độc đoán của mình ở Việt Nam. Nhưng để đối phó với các khủng hoảng, đối phó với mục tiêu duy trì sự tồn tại của mình trong hoàn cảnh thế giới mới và nhất là thông qua áp lực xã hội không ngừng từ phía những người dân tiến bộ, Đảng sẽ phải tự chuyển hóa, phải tự thay đổi.
Tôi bắt đầu thực sự quan tâm đến cách tiếp cận cởi mở và thực tế – chấp nhận một vài điểm khác biệt nhất thời không quan trọng – để có thể đạt được những mục tiêu lớn và xa hơn khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng, năm 2015.
Thật ảo tưởng và duy ý chí khi ngay lập tức bắt người khác phải chơi theo luật của mình, hành xử theo cách mình cho là đúng – là hợp lý. Tôi cho rằng, chính quyền Obama đã nghĩ vậy khi chọn cách tiếp cận cởi mở và thực tế với Việt Nam, khi họ đã chủ động giơ tay, chủ động đối thoại, chủ động thể hiện sự tôn trọng những khác biệt về thể chế của Việt Nam và Hoa Kỳ, để có thể khởi đầu cho thời kỳ quan hệ mới, để có thể khởi đầu cho một mục tiêu chung khả dĩ sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Mục tiêu chung đó có thể là sự THỊNH VƯỢNG.
Trong lời kết bài phát biểu tại Đà Nẵng ở APEC 2017, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Hãy để chúng ta lựa chọn tương lai của chủ nghĩa ái quốc, sự thịnh vượng và niềm tự hào. Hãy để chúng ta lựa chọn thịnh vượng và tự do thay vì nghèo đói và quy phục. Hãy để chúng ta lựa chọn một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Nhưng không phải đợi đến ông Trump, một tổng thống – thương gia lão luyện nhắc đến “giàu có và thịnh vượng”. Ngay những lời đầu tiên trong bài phát biểu tại Mỹ Đình, năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã nói: “Khi tôi đến đây, tôi nhận thức rõ về những khó khăn trong quá khứ nhưng lại muốn tập trung hoàn toàn vào tương lai, vào sự thịnh vượng, an ninh và phẩm giá con người mà chúng ta cùng nhau vun đắp.”
“Chúng tôi vun trồng hòa bình và thịnh vượng” – đó cũng là chính dòng chữ trên tấm biển đặt cạnh cây thông 65 tuổi ở biên giới Hàn – Triều mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng nhau làm nghi lễ vun đất, tưới nước trước khi bắt đầu buổi đàm phán chiều 27/4/2018.
Có lẽ những nhà đàm phán Hàn – Triều cũng đã có một cái nhìn cởi mở và thực tế khi lựa chọn mục tiêu “hòa bình và thịnh vượng” cho bán đảo Triều Tiên. Rõ ràng, hoàn cảnh thế giới mới không cho phép họ thống nhất theo kiểu nước Đức hay Việt Nam và họ lựa chọn cách khôn ngoan và thực tế hơn, “vun trồng hòa bình và thịnh vượng” cho cả hai quốc gia hai bên vĩ tuyến 38, rồi sau đó, mọi sự cứ để cho dòng chảy tự nhiên và xã hội sắp đặt.
Về dòng chảy tự nhiên – xã hội này, ta lại phải nhắc đến triết gia Đức Jugen Habermas. Theo Habermas một sự thay đổi xã hội đến từ hai động lực: thứ nhất là sự kích thích để biến đổi, các kích thích này là các khủng hoảng, do ngoại cảnh từ môi trường và xã hội, hoặc là thông qua các căng thẳng nội tại trong lòng xã hội; và thứ hai là tiềm năng của người dân trong xã hội để hiểu và thách thức và để đối phó một cách sáng tạo với sự biến đổi. Chuyển từ đói nghèo sang thịnh vượng chẳng phải là một sự biến đổi lớn lao đối với bất cứ xã hội, bất cứ quốc gia nào hay sao?
Rõ ràng, nếu đồng ý với Habermas, thì ta có thể hiểu được ý nghĩa và kỳ vọng bên ngoài mục tiêu thịnh vượng đơn thuần đến từ những cái bắt tay ở Bàn Môn Điếm hôm 27/4/2018 hay ở Nhà Trắng hôm 1/7/2015. Nhìn rộng ra thì thịnh vượng có thể chính là chìa khóa đã được lựa chọn để mở ra một kỷ nguyên mới, ở châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung của những người đang gánh trách nhiệm lèo lái thế giới ngày nay. Chúng ta thật dễ bất đồng khi nói về dân chủ và tự do, nhưng giàu có và thịnh vượng thì có người nào không muốn, có quốc gia nào không muốn, đúng không?
Tuy nhiên, đã nói đến thịnh vượng thì cũng phải nói đến “sự thịnh vượng giả hiệu”. Thịnh vượng mà không đi kèm với sự giàu có lên của đại đa số người dân, thịnh vượng mà đại đa số người dân không được hưởng lợi ích từ nó, không được đối xử công bằng và coi trọng phẩm giá, thì đó chỉ là sự thịnh vượng giả hiệu.
Một hệ thống dung dưỡng những tập đoàn mafia ăn cắp công sản, ăn cướp đất đai, thao túng chính sách, mua chuộc và làm hư hỏng đội ngũ công chức, bóp chết những doanh nghiệp non trẻ làm ăn chân chính, thì cùng lắm chỉ có thể làm giàu lên cho một nhóm nhỏ, làm gia tăng thêm đặc quyền đặc lợi cho một nhóm nhỏ, trong khi đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo, làm xói mòn công lý, hủy hoại phẩm giá con người, hủy hoại mọi giường mối văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội, thì sự thịnh vượng nếu có thể tạo nên từ hệ thống đó cũng chỉ là sự thịnh vượng giả hiệu nhất thời.
Tôi hiểu, sự thịnh vượng đích thực bao giờ cũng phải đi kèm với nhà nước pháp quyền và thị trường tự do. Một cách tự nhiên, hệ thống tạo nên sự thịnh vượng đó sẽ tự thân mang lại sự công bằng, tự do và phẩm giá cho từng người dân và toàn thể nhân dân.
Nguyễn Đắc Kiên
FB Nguyễn Đắc Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét