Vào nhà giam, tướng Vĩnh có nhìn lại vụ án “bầu Kiên”? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Vào nhà giam, tướng Vĩnh có nhìn lại vụ án “bầu Kiên”?


“Bầu Kiên” cười trước tòa. Ảnh: internet

Thời gian xử vụ án Bầu Kiên, tôi chưa dùng facebook, báo chí nơi tôi làm lại không được nói ngược, nên tôi không có chỗ để nói sự vi phạm nguyên tắc của công lý trong vụ án được coi là “đại án” này. Tôi chỉ có thể nói với bạn bè, rằng vụ Bầu Kiên trước sau gì cũng phải “lật lại”, nhưng thời gian qua đi, tôi bắt đầu thấy tôi quá ảo tưởng về công lý trên đất nước này.

Nhân việc tướng Phan Văn Vĩnh bị bắt, tự nhiên nhớ lại. Ông Vĩnh là người chỉ huy điều tra vụ Bầu Kiên, được báo chí ghi nhận là người có “công lớn” phá án. Tôi nghĩ ông Vĩnh là người biết rõ hơn ai hết việc buộc tội Bầu Kiên không dựa trên nền tảng pháp quyền và công lý. Không biết tới đây, trong quá trình điều tra và xét xử, ông Vĩnh có bị kết tội như cách mà ông từng kết tội Bầu Kiên hay không. Chuyện chưa xảy ra tôi không dám đoán, tôi chỉ mơ hồ cảm thấy rằng, trong khi tìm cách tự bào chữa cho mình, ông không thể không nghĩ đến vụ án Bầu Kiên.

Vụ Bầu Kiên diễn ra đã mấy năm rồi, nhưng không cần phải đọc lại hồ sơ vụ án cũng có thể thấy bản án dành cho ông ấy là không công bằng. Bầu Kiên là doanh nhân ngoài quốc doanh, đương nhiên là ông không thể tham nhũng. Khi theo dõi vụ án, tôi quan tâm nhất là ông có đưa hối lộ hay không, cũng không thấy. Tòa phạt ông 30 năm tù cho 4 tội : Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái. Cả 4 tội đều không có chứng cứ thực tế căn cứ vào sự minh bạch của pháp luật.

Chẳng hạn, quy kết ông tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị chiếm đoạt được cho là Công ty Hòa Phát, nhưng Công ty này nói rõ là họ không tố cáo ông lừa đảo và tài sản của họ không bị chiếm đoạt. Kết cho ông tội kinh doanh trái phép, nhưng hỏi các cơ quan có liên quan rằng việc doanh nghiệp ông mua cổ phiếu của doanh nghiệp khác có “trái phép” hay không thì không cơ quan nào trả lời được, đơn giản là việc này không nằm trong ngành nghề phải đăng ký kinh doanh. Điều đáng buồn là ý chí kết tội của các cơ quan bảo vệ pháp luật mạnh đến mức, không có cơ quan nào dám trả lời rằng “người dân có thể làm những gì mà pháp luật không cấm”. Và nói rằng ông trốn thuế, nhưng cơ quan thuế lại không biết là ông có trốn thuế hay không mà phải đợi tòa quyết, v.v… Tóm lại, là nguyên tắc suy luận vô tội hoàn toàn bị loại bỏ trong quá trình điều tra và xét xử. Có thể xử vụ án này nhằm vào mục đích “tốt” nào đó, nhưng mục đích “tốt” mà không dựa vào pháp quyền thì không còn là “tốt” nữa.

Giờ tướng Vĩnh đã bị khởi tố, đương nhiên là không liên quan gì đến vụ án Bầu Kiên, tôi hiểu nó nằm trong chiến dịch làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng ngay cả tướng Vĩnh cũng như các ông tướng đã bị bắt hay sẽ bị bắt, họ cũng phải được điều tra xét xử theo các nguyên tắc của công lý. Cả đối với vụ án Vũ nhôm và những kẻ bảo kê cho Vũ nhôm cũng vậy. Công lý không ngự trị, luật pháp không được thượng tôn, thì không một ai có thể sống an toàn trên đất nước này cả.


Hoàng Hải Vân
FB Hoàng Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad