Mẹ Trần Thị Lam là người luôn đồng hành trong quá trình học tập và cũng khơi nguồn đam mê đọc sách cho Minh Phương. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. |
Chuyện các bài báo vừa mới đẻ đã bị đột tử, chưa kịp làm khai sinh, biến mất sau khi xuất hiện trong một thời gian ngắn cấp kỳ, từ vài chục phút đến 2-3 tiếng, không phải là chuyện lạ dưới chế độ CSVN – chế độ luôn tự hào là dân chủ gấp triệu lần nền dân chủ các nước tư bản, tự do khác trên thế giới – nơi báo chí, truyền thông không bao giờ bị kiểm duyệt.
Tuy nhiên lần này, sự biến mất của bài báo nói trên có điểm lạ lùng. Thông thường, chỉ những bài báo có tính nhạy cảm, có yếu tố xỏ xiên bôi nhọ, cạnh khóe lãnh đạo, nói “xấu chế” độ hay “vô tình” tiết lộ bí mật quốc gia, phương hại đến an ninh quốc phòng hoặc ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt – Trung… mới nhanh chóng bị bóp mũi cho chết ngạt, nhưng bài báo đăng trên VietNamNet chỉ loan tin sự thành công của một học sinh lớp 12, chuyên sâu về tiếng Anh giành được học bổng toàn phần 4 năm của trường đại học dành riêng cho nữ sinh viên, Smith College ở Northhampton, tiểu bang Massachusette, Mỹ.
Bài báo đáng lẽ, theo cách nói của “Chủ tịch hội nhà văn… nô” Hữu Thỉnh, phải được “nhân rộng” trên bình diện quốc gia – chứ không phải chỉ quanh quẩn trên bàn nhậu với một vài chai bia, hai ba món nhắm – để nói lên tính ưu việt của chế độ ta, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của ông Tổng Trọng, đặc biệt là của “ngài” Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ.
Nữ sinh Phan Thị Minh Phương, đúng ra như thông lệ trước đây, phải được ồn ào ca tụng, phải đi gặp gỡ các lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo như Phùng Xuân Nhạ hoặc cao hơn Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng… để báo cáo, cám ơn, chụp hình, nhận bằng khen các cái…Báo chí phải xúm xít vào bơm cạch cạch, khen tặng hệ thống giáo dục tiên tiến của chế độ ta. Nếu…
Nếu… Phương là con của một đảng viên, cán bộ trung kiên nào đó của chế độ, không cần là lãnh đạo trung ương, chỉ cần cấp phường, xã hay quận, huyện thôi, chắc chắn báo chí sẽ hồ hởi, hân hoan, hí hửng đưa tin với những lời có cánh đại loại như: “Ngoài những tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể…em đã cố gắng thức khuya, dậy sớm, tự tìm tòi, học hỏi thêm Anh văn với những người bạn, người thầy, cô…để đạt được kết quả sáng chói, vinh dự to lớn ngày hôm nay. Thành quả của em là do sự cố gắng không ngừng nghỉ, vượt qua những trở ngại, khó khăn theo đúng lời bác Hồ đã dạy”.
Bên cạnh đó, có thể có thêm những hình ảnh được dàn dựng như Phương đang tham gia công tác dạy kèm trẻ em, trồng cây nhớ ơn Bác, dọn dẹp vệ sinh đường phố…
Tiếc thay! Phan Thị Minh Phương đã không có được sự “hãnh diện, vinh quang” sáng chói nói trên vì Phương “chẳng may” là con gái của Trần Thị Lam, cô giáo người Hà Tĩnh nổi tiếng với bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, bài thơ khiến cô Trần Thị Lam suýt bị “mất dạy, vào tù” vì tội dám cà khịa với chế độ, trình bày thực trạng dân trí của dân tộc, cũng như sự tha hóa, suy đồi, lạc hậu của xã hội Việt Nam dưới sự cai trị của chế độ CS hơn 72 năm với những lời thơ đơn giản, ngắn gọn.
Ca tụng thành quả của Phan Thị Minh Phương có khác nào ca tụng con cái bọn phản động, bọn dân chủ thường xuyên “chỉ trích, nói xấu” đất nước, chê bai, giễu cợt lãnh đạo…, điều mà đảng, chế độ, chính quyền ta vốn rất ư nhạy cảm, dị ứng? Đó là chưa kể những người chưa biết đến bài thơ nói trên của cô giáo Lam, đọc bài báo đó, người đọc có thể tò mò đi tìm đọc, xem bài thơ nói gì thì… Ô hô! Ai tai!
Vậy cũng tốt thôi. Minh Phương đỡ phải tốn thời gian cùng bố mẹ mầy mò ra Hà Nội “báo công” học hành với bác Hồ đang nằm nghỉ trong quan tài lộng kiếng, đồng thời bác cũng được thanh thản, yên bình, quanh quẩn trong 4 bức tường lạnh lẽo, cô đơn, không bị quấy rầy lai rai bởi lũ con cháu nhiều chuyện.
© Thạch Đạt Lang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét