Bát nháo thị trường bồi dưỡng cấp chứng chỉ xếp hạng giáo viên - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Bát nháo thị trường bồi dưỡng cấp chứng chỉ xếp hạng giáo viên


Bát nháo thị trường bồi dưỡng cấp chứng chỉ xếp hạng giáo viên. Ảnh Internet

Nhân sự của ngành giáo dục là vấn đề hệ trọng ảnh hưởng nhiều mặt đến quốc gia đại sự. Nhưng hiện nay nó đang bị thả nổi trong một thị trường bát nháo, rất nguy hiểm mà có thể Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không biết hoặc biết mà làm ngơ.

Tôi đang viết một bài dài với các nội dung sau:

1) Từ chủ trương và xây dựng chương trình. Chủ trương có thể đúng trong việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên phục vụ cho nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện. Nhưng sự thực, chương trình thì áp từ trên xuống rất lệch chuẩn, không vì chuyên môn nghiệp vụ gì mà vì lợi ích nhóm quản lý nhà nước và quản lý giáo dục đang thống trị trên các cục, vụ.

2) Đến việc triển khai bát nháo, trường nào và giảng viên nào cũng có thể tham gia đào tạo, bồi dưỡng được. Ban đầu Bộ giao cho 14 trường có chuẩn đào tạo sư phạm. Nay đã có trên 20 trường đua nhau chạy giấy phép và mở lớp, bất luận là trường đó chưa từng đào tạo giáo viên bao giờ.

Nguy hiểm hơn là đối tác làm công tác chiêu sinh không cần phải là cơ quan giáo dục, các cá nhân hay một công ty tư nhân nào đó đều có quyền chiêu sinh. Tỉ lệ ăn chia mặc cả từ 45/55 đến 50/50, ngoài tiền chi tuyển sinh, bên đối tác còn vòi vĩnh tiền “tiêu cực phí”. Thậm chí có cá nhân chi tiền công tác phí cho giảng viên bằng hình thức trao tay không cần chứng từ quyết toán. Có nghĩa là những công ty tư nhân hoặc cá nhân này không cần thủ tục tài chính hoặc thuế, mặc dù lượng tiền họ hưởng bạc tỉ. Rõ ràng đó là cách làm ăn phạm pháp!

Vì chương trình không gắn với chuyên môn nên ai cũng tham gia dạy được.
Mỗi hạng ngạch 10 chuyên đề, tổng quy định 240 tiết. Nhiều trường rút ngắn hết cỡ, đến mức có trường chỉ lên lớp 3, 4 ngày là xong và cấp chứng chỉ.

3) Cạnh tranh như một cái chợ xổm. Lẽ ra đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng quyết định chất lượng nhân sự của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đứng ra phân bổ khu vực, quy định sàn giá theo Luật giá, thì Bộ lại thả nổi cho sự cạnh tranh rất tùy tiện. Mạnh trường nào trường nấy chạy đua tìm đối tác, tìm người học, đến tận làng xã để chiêu sinh với giá mặc cả từ gần 5 triệu rơi xuống 3 triệu rồi 2 triệu và có thể sẽ còn thấp hơn nữa. Tưởng cạnh tranh như vậy là có lợi cho người học nhưng nó tùy tiện đến mức người học không cần biết trường nào đào tạo chất lượng ra sao, chỉ cần giá rẻ, dễ dãi và nhanh lấy chứng chỉ. Vì thế, trường nào tổ chức đào tạo nghiêm túc, chất lượng sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

4) Trừ một số Trường và Sở giáo dục có thanh tra, kiểm tra giờ giấc, còn lại chủ yếu thả nổi về mặt quản lý. Cả bên đào tạo lẫn bên đối tác chiêu sinh đều không có chế tài quản lý nội dung dạy học, mức độ chuyên cần của người học. Bên đối tác chỉ cần thuê địa điểm rồi tất cả bán cái cho người dạy và người học, dạy như thế nào và người học có cần chuyên cần hay không không cần biết. Người học có thể không cần đến lớp mà vẫn có thể được thi và cấp chứng chỉ.

5) Cách tổ chức đào tạo và bồi dưỡng như vậy đã báo hiệu cho một cái chợ xổm tiếp theo ra đời: chạy xếp hạng. Khó có thể tin rằng, giáo viên khi có đủ các loại chứng chỉ là được xếp hạng. Mà có đủ chứng chỉ rất đơn giản, chỉ cần nộp tiền là có. Nhưng giáo viên chớ vội mừng, vì thủ tục xét để xếp hạng, nâng hạng cho giáo viên khó tin có thể trong sạch, lành mạnh khi nó đã bát nháo ngay từ khâu bồi dưỡng.

Giáo viên nghèo, mót tiền họ nhiều lần như thế có nên chăng? Tôi đi dạy một số nơi và nhận ra giáo viên nhìn giảng viên bằng con mắt oán hờn hơn là thiện cảm, vì họ cảm thấy giảng viên là người đi móc túi!

Năm vấn đề trên tôi đã phát biểu thẳng thắn trong các cuộc họp và lãnh đạo nhà trường đồng tình. Tôi sẽ viết thành bài với các thông tin cụ thể gửi cho báo chính thống. Ở đây chỉ tạm nói ngắn gọn như vậy! Báo nào đặt hàng trước thì tôi gửi cho bài đầy đủ.

______

Thông tin này chia sẻ đến ông Đỗ Ngọc Thống, ông Nguyễn Minh Thuyết biết để mà liệu cho cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà các ông đang chủ trì.


© Chu Mộng Long
FB Chu Mộng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad