Sáng hôm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải trên đường đến cơ quan nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin này. Thủ tướng rất không hài lòng, không phải ông không hài lòng vì bản kiến nghị, mà vì bản kiến nghị gửi đến ông nhưng ông chưa đọc mà báo chí đã đưa tin. Lập tức, Văn phòng Chính phủ tiến hành điều tra ai đã cung cấp văn bản này cho báo chí.
Một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đến tòa soạn báo Thanh Niên ở Hà Nội gặp anh Quốc Phong và tôi. Do anh Hùng đã báo trước có chuyện rắc rối, nên anh Phong và tôi thống nhất bảo vệ anh Hùng đến cùng, dù chết cũng không khai. Ông Phó Chủ nhiệm từ tốn nói, Báo Thanh Niên không có sai gì khi đăng bản tin này, rằng các đồng chí chỉ nói cho biết ai đã cung cấp văn bản để Văn phòng Chính phủ rút kinh nghiệm thôi. Ông còn nói thêm, nếu các đồng chí không nói thì mỗi ngày tôi sẽ đến đây hai lần, cho đến khi các đồng chí nói mới thôi.
Ngày đầu tôi trả lời ông Phó Chủ nhiệm, rằng tôi nghe Đài phát rồi ghi lại đăng lên báo. Ông cho đến điều tra tại Đài Tiếng nói VN thì họ đưa ra bản tin họ đọc là lấy từ báo Thanh Niên. Hôm sau, tôi “thành thật” nói rằng có ai đó mang văn bản này đến gửi cho tôi nhưng vì lúc đó tôi không có ở tòa soạn nên không thể biết người gửi, còn giải thích thêm với ông rằng lẽ ra hôm sau tôi biết người gửi nhưng vì có chuyện rắc rối nên người gửi đã không lộ diện, do đó tôi không thể biết người gửi là ai.
Trong thời gian này, anh Quốc Phong vẫn bí mật gặp anh Hùng, động viên anh ấy yên tâm, tuyệt đối không khai nhận, vì khai nhận nhất định sẽ bị kỷ luật. Mấy hôm sau, một lãnh đạo cấp Vụ đến nhà tôi vào buổi tối, ông ấy nói chuyện này vô cùng căng thẳng, nhất định phải điều tra cho ra và đề nghị tôi hợp tác, nếu tôi không hợp tác thì an ninh sẽ vào cuộc, khi ấy tôi sẽ gặp rắc rối. Đến lúc này thì tôi phải nói thẳng : “Anh đã xem thường tôi rồi, dù đi ở tù thì tôi cũng không nói ra người cung cấp”.
Tôi nghĩ tôi không nói thì anh Hùng sẽ thoát nạn, còn công an làm gì tôi thì mặc kệ đi. Nhưng anh Hùng vẫn không thoát nạn. Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu từng cán bộ, nhân viên có liên quan tường trình, không để lọt một ai. Do văn bản gửi Thủ tướng đồng thời có lưu tại nhiều Vụ, người ta đã dùng nghiệp vụ để soi nơi nào đã photocopy văn bản đó, cuối cùng phát hiện nó đã được photocopy tại đâu và khoanh đối tượng lại chỉ còn 6 người có thể làm được chuyện này, trong đó có anh Hùng. Lúc ấy anh Hùng đã tự nhận mà không nói cho chúng tôi biết trước. Anh bảo rằng nếu không nhận thì sẽ gây rắc rối phiền hà nghi kỵ cho các đồng nghiệp của anh. Anh đã bị kỷ luật, chuyển xuống làm nhân viên lễ tân của nhà khách. Cũng do Thủ tướng Phan Văn Khải đã tán thành bản kiến nghị đó, kết quả là Chính phủ đã giảm thuế nông nghiệp, cuối cùng thì miễn hẳn cho nông dân, nên anh Hùng cũng “nhẹ tội”, nhưng phải đến mấy năm sau mới được khôi phục lại vị trí công tác.
Việc lưu trữ tài liệu ở Văn phòng Chính phủ là chặt chẽ như thế đó, một văn bản có photocopy lại hay không người ta vẫn có thể kiểm soát được, huống hồ là mang bản gốc ra ngoài.
Như tôi đã nói ở các stt trước, tấm bản đồ quy hoạch 1/5000 kèm theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng nhất định phải được lưu trữ tại Văn phòng Chính phủ. Chắc chắn phải có người lấy nó đi, đồng thời với việc lấy khỏi tất cả những địa chỉ lưu giữ nó (vì nếu còn ở một nơi nào đó thì việc lấy đi sẽ vô nghĩa). Việc mất một cách đồng bộ này không thể không được tổ chức. Có lẽ do Thủ tướng không biết nên không ai điều tra. Và thời gian qua đi, người mới kế thừa công việc của người cũ, nên việc điều tra sẽ vô cùng phức tạp. Nó đã được lấy đi từ khi nào cũng chưa thể xác định, chỉ biết rằng ít nhất từ năm 2012 đến nay nó không còn nữa.
Hoàng Hải Vân
FB Hoàng Hải Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét