Theo báo cáo vừa kể thì Bộ Kế hoạch – Đầu tư tiếp tục mắc hàng loạt sai phạm: Giao vốn cho các dự án đầu tư phát triển sai cả về thời điểm, lẫn cách thức đã được qui định tại Luật Đầu tư công (cấp vốn vượt mức đã được duyệt, cấp vốn sai đối tượng, cấp vốn khi dự án chưa được phê duyệt,…).
Kiểm toán Nhà nước chỉ mới ngó đến 283 báo cáo của 229 nơi đã phát giác, khoảng 40 dự án dở dang, cần hoàn tất sớm nhưng không được cấp vốn và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã dùng nguồn vốn đó để hỗ trợ cho những dự án chưa cần thiết tiến hành khởi công. Có những dự án lẽ ra phải thực hiện theo hình thức vay ngân sách nhưng cuối cùng được Bộ Kế hoạch – Đầu tư tự tiện chuyển thành “đầu tư trực tiếp” nên phía nhận vốn có quyền không hoàn tiền lại. Khoản tiền lẽ ra phải vay ngân sách được Bộ Kế hoạch – Đầu tư chuyển thành “đầu tư trực tiếp” không đáng kể. Chỉ chừng… 3.000 tỉ đồng.
Những sai phạm của Bộ Kế hoạch – Đầu tư dẫn tới hệ quả là ngân sách trong tài khóa 2016 đã được rút ra chi dùng sai nguyên tắc hàng chục ngàn tỉ đồng.
Năm ngoái, công chúng từng sững sờ khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm tra việc duyệt chi công quỹ năm 2015. Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tự ý lấy 1.900 tỉ từ công khố cấp cho hàng loạt dự án vốn chưa đủ cơ sở pháp lý để có thể nhận tiền từ công khố và cấp công quỹ vượt mức qui định cho nhiều dự án khác. Vào thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm của tất cả những cá nhân có liên quan song chẳng có ai hề hấn gì.
Năm nay, Bộ Kế hoạch – Đầu tư lôi “bổn cũ” ra soạn lại và chẳng còn ai dám tin sẽ có kẻ bị “chặt đầu, lột da” vì phung phá!
***
Công quỹ bao gồm tiền thu được từ các loại thuế, phí, tiền vay ngoại quốc, tiền bán trái phiếu trong nước cho các tổ chức tài chính, tín dụng.
Giống như những lần trước, trong báo cáo kiểm tra việc sử dụng công quỹ năm 2016 mà Kiểm toán Nhà nước mới gửi Quốc hội Việt Nam, cơ quan này tiếp tục liệt kê hàng loạt dự án do các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước đầu tư bằng nguồn tiền lấy từ công khố, liên tục được dúi thêm những khoản từ gấp đôi đến gấp… 36 lần mức dự kiến lúc soạn dự án (Dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình). Số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đề nghị trao thêm dao động từ vài ba ngàn tỉ đồng đến hàng chục ngàn tỉ đồng (Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, tăng 10.320 tỉ đồng, Dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, tăng 9.194 tỉ đồng,…).
Tiếp tục ngốn hết ngàn tỉ đồng này đến chục ngàn tỉ đồng khác nhưng các dự án “đầu tư phát triển” tiếp tục lỗ nặng từ vài chục tỉ đồng, vài trăm tỉ đồng đến vài ngàn tỉ đồng (Tính đến giữa 2017, Dự án Nhà máy DAP 2 có lỗ lũy kế là 1.447 tỉ đồng, Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc có lỗ lũy kế là 2.035 tỉ đồng,…). Ngoài lỗ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn… gian lận doanh thu, chi phí, nợ cả thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) lẫn nhiều khoản mà trên nguyên tắc phải nộp lại cho công quỹ. Tính ra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước toan giựt của dân chúng 19.000 tỉ đồng!
***
Vay ngoại quốc càng ngày càng khó, vay dân chúng trong nước thông qua các loại trái phiếu cũng vậy, rồi những nguồn thu từ khai thác tài nguyên, khoáng sản, thuế nhập cảng tiếp tục giảm vừa nhanh, vừa nhiều, trong khi nợ phải trả cũng như chi phí nuôi hệ thống công quyền mỗi ngày một lớn… trong bối cảnh bi đát như thế, Kiểm toán Nhà nước loan báo, năm 2016, hệ thống công quyền tiếp tục chi tiêu sai nguyên tắc tới 18.400 tỉ đồng!
Thay vì yêu cầu chính phủ tống cổ 57.000 cán bộ, công chức đã được xác định là nhận lương mà chẳng làm gì, thay vì đòi Thủ tướng và nội các phải xác định rạch ròi về mặt trách nhiệm, đệ trình giải pháp ngăn chặn ngay lập tức tình trạng phung phá, nhiều đại biểu của “nhân dân” tại Quốc hội lại bước lên một bước, đứng chung hàng với chính phủ!
“Chỉ trích” mà ông Nguyễn Mạnh Tiến, Đại biểu của tỉnh Tây Ninh tại Quốc hội Việt Nam, dành cho chính phủ Việt Nam vì… thu thuế đã chưa hết, lại còn chưa kỹ, để sót những người bán trà đá, loại hình kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận từ 5.000% đến 7.000% - cao nhất trên thế giới, không thuộc loại chỉ để bình phẩm rồi cười.
Khó mà đòi hỏi ông Tiến nghĩ và hành xử khác hơn những người đồng Đảng. Thế nhưng nếu Quốc hội vẫn chỉ gồm toàn những người như ông Tiến thì cơ quan nào thực sự là đại diện cho toàn dân để “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước”?
Khi một Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam muốn chắt cả trà đá để có tiền tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thì an ninh tài chính, an ninh kinh tế quốc gia đã đáng để bận tâm chưa? Tương lai của mỗi cá nhân, sự an ổn của từng gia đình sẽ ra sao?
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét