Giải quyết ‘biệt thự, biệt phủ’ trăm tỷ ra sao? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Giải quyết ‘biệt thự, biệt phủ’ trăm tỷ ra sao?


Hình ảnh "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái.

Vấn đề các biệt thự, biệt phủ của một số quan chức có giá trị rất cao, mà người chủ không chứng minh được nguồn thu nhập lương thiện, đang đặt ra cho toàn xã hội góp ý giải quyết.

Hiện con số các biệt thự, biệt phủ loại khủng này đã được phát hiện lên đến 40, 50 ngôi nhà cầu kỳ hoành tráng, như những lâu đài cổ ở giữa vùng nông thôn và núi rừng nghèo khổ, làm nổi bật cảnh phân chia giai cấp, giàu nghèo, bất công trong xã hội.

Đây là một hiện tượng bất thường, rất bất thường trong một xã hội mang danh xã hội chủ nghĩa, đang chống tham nhũng quyết liệt, triệt để trừng trị từ « ruồi muỗi đến hổ báo, hươu nai tham lam vô độ », xà xẻo của chung, ăn cắp của những người dân lương thiện.

Đã có những người lên tiếng đòi giải quyết vấn đề nóng hổi này, một hình ảnh chướng mắt nói lên cảnh bất công xã hội.

Và đã có những lời phân trần, cố thanh minh rằng đó là kết quả lao động cần cù khó nhọc của cả gia đình, từ trồng trọt, chăn nuôi, làm chổi đót, chạy xe ôm, tắc-xi, tích lũy dần mà làm nên cơ nghiệp.

Nhưng phần lớn chỉ là thanh minh cuội. Vì không ít là bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy, chủ tịch UBND huyện, cầm đầu cơ quan thuế, hải quan, cầm đầu ngành lâm nghiệp, cầm đầu cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan tổ chức lo việc kiểm soát, đề bạt cán bộ… tức là những chức vụ lượm hái ra tiền bạc vô kể, ra đất đai, ra gỗ quý hiếm, nắm và lợi dụng quyền lực để cho cấp dưới chạy chức, chạy quyền, chạy tội, vơ vét tài sản cho riêng mình.

Riêng trong Công an và Quân đội, gần 1 ngàn tướng lĩnh và hơn 2 ngàn thượng tá, đại tá cũng có 1 số biến chất, tham ô, cá nhân hưởng thụ, quay lưng lại với nhân dân, không ít xây nhà cửa quá mức, ăn chơi sa đọa, Quân ủy TƯ và đảng ủy Công an, cơ quan kiểm tra CA và QĐ cũng như các Tòa án quân sự còn quá lỏng lẻo yếu ớt, không mảy may xứng tầm trong duy trì kỷ luật nghiêm minh. Biệt phủ hơn 10 tỷ của thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa là một minh chứng.

Luật phòng chống tham nhũng chỉ ra rằng kẻ tham nhũng lên đến một tỷ đồng là ngang bằng thu nhập của một lao động phổ thông trong suốt một trăm năm, một số tiền quá lớn, có thể bị xử án tử hình. Huống gì có những biệt phủ được đánh giá trên một trăm tỷ thì không thể do lao động cần cù lương thiện mà đạt được.

Tôi khẩn thiết yêu cầu cuộc họp quốc hội sắp đến, rất nên bàn kỹ đến vấn đề nhức nhối nổi cộm này, cử ra một số chuyên viên, luật sư nghiên cứu những phương án có tính chất luật để giải quyết không thể vì nó phức tạp, đụng chạm mà buông trôi.

Nếu mở cuộc điều tra toàn quốc thì số biệt thự khủng như trên có thể lên đến vài trăm, hàng ngàn, không phải chỉ 50, không cho lọt lưới. Phải ngăn chặn đề phòng kẻ bị đánh động, tẩu tán đất đai nhà cửa, cây cối, vật dụng để thoát thân.

Cần có Tòa án để xem xét, xét xử từng trường hợp, đánh giá lại tài sản cụ thể, có thể kiến nghị tịch thu toàn bộ hay bộ phận, tổ chức bán đấu giá cho vào công quỹ, hoặc chuyển thành tài sản Nhà nước để dùng cho Thư Viện, Bảo tàng, nhà Văn hóa, Trường học, nhà trẻ mẫu giáo, Trạm xá y tế, nhà dưỡng lão, công sở… hay thành nhà ở tập thể cho cán bộ địa phương.

Thế mới là cách làm đột phá theo luật pháp và trên tinh thần XHCN, vì xã hội.

Rất mong ông tổng bí thư đưa vấn đề quan trọng này ra thảo luận kỹ trong Bộ Chính trị, trong Ủy ban phòng chống tham nhũng TƯ do ông chủ trì, đưa ra quốc hội sắp họp thảo luận đến nơi đến chốn.

Chắc chắn một việc làm như thế sẽ được hoan nghênh rộng rãi, được nhân dân tán thưởng, và thu về cho công quỹ một tài sản khá lớn, giải quyết triệt để một bất công, ung nhọt xã hội hiển nhiên rất khó coi.


Bùi Tín
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad