Hội nghị trung ương 7 và dấu hỏi Đinh Thế Huynh - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Hội nghị trung ương 7 và dấu hỏi Đinh Thế Huynh


Đinh Thế Huynh và cưu ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, trong cuộc họp báo tại D.C. hồi tháng 10, 2016. [State Department photo/ Public Domain]

Hội nghị trung ương 7 của đảng Cộng sản Việt Nam đã trôi qua êm đềm vào đầu tháng Năm năm 2018 mà không có sự xáo trộn lớn trong ‘tứ trụ’, thậm chí cũng chẳng có thay đổi nào trong Bộ Chính trị như một số dự đoán trước đó của giới quan sát chính trị.

Đinh Thế Huynh vẫn ‘sống sót’

Tâm điểm được chú ý nhất trong Hội nghị trung ương 7 là nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhưng ông Quang vẫn yên vị, bất chấp nhiều đồn đoán về việc viên cựu đại tướng công an này sẽ ‘nghỉ vì lý do sức khỏe’ sau hội nghị này.

Rập khuôn theo hình ảnh thăm viếng nơi này nơi kia trong Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, một ngày trước khi kết thúc kỳ họp Hội nghị trung ương 7, Trần Đại Quang đã có một cuộc “gặp mặt thân mật các nhà khoa học” tại phủ chủ tịch nước.

Tình trạng yên vị, có thể là tạm thời, của Trần Đại Quang đã được chứng minh rõ hơn cả khi vào ngày cuối của Hội nghị trung ương 7, ông Quang đã “thay mặt Bộ Chính Trị điều hành phiên họp” trong khi Tổng bí thư Trọng đọc bài phát biểu kết thúc.

Ấn tượng gần như duy nhất về sự thay đổi trong Bộ Chính trị chỉ là việc khai trừ cựu ủy viên Bộ Chính Trị là ông Đinh La Thăng ra khỏi đảng - điều mà lẽ ra đã phải làm từ tháng Mười Hai năm 2017 khi ông Thăng bị khởi tố và tống giam. Mặc dù đã bị truy tố và phải nhận hai bản án với tổng cộng 31 năm tù giam tại tòa án, ông Đinh La Thăng vẫn còn là ủy viên trung ương cho đến Hội nghị trung ương 7.

Tuy nhiên, câu chuyện khó hiểu nhất lại thuộc về trường hợp Ủy viên bộ chính trị Đinh Thế Huynh.

Sự thể kỳ lạ là Đinh Thế Huynh đã ‘sống sót’ qua cả hai Hội nghị trung ương 6 và Hội nghị trung ương 7, cho dù từ quý một năm 2017 đã rộ lên tin tức về ông Huynh ‘bị bệnh nặng’, thậm chí ‘khó qua khỏi’.

Vào đầu tháng 8-2017 và trước Hội nghị trung ương 6, ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương- đã được Bộ Chính trị phân công tham gia Thường trực Ban bí thư trong thời gian Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh điều trị bệnh. Vào lúc đó, nhiều dư luận đánh giá rằng sự nghiệp chính trị của ông Đinh Thế Huynh đã có thể bị xem là chính thức chấm dứt.

Nổi lên và biến mất

Sau khi đại hội 12 kết thúc vào đầu năm 2016, cựu tổng biên tập báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh đã trở nên nổi bật trên chính trường khi được xem là “người Bắc, có lý luận” và ứng với vị trí kế thừa chức vụ tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng, dù rằng trong thực tế ông Huynh còn không được dư luận đánh giá dù ở mức độ trung bình về thành tích lãnh đạo chính trị, càng không khá trên phương diện điều hành kinh tế - xã hội.

Trên cương vị Thường trực Ban bí thư - vị trí số 5 của đảng, Đinh Thế Huynh hoạt động khá lặng lẽ trong năm 2016. Không có nhiều dấu hiệu chứng tỏ ông Huynh là người có thực quyền hoặc có nhiều ảnh hưởng đối với giới công an và quân đội.

Ấn tượng gần như duy nhất mà ông Huynh gây ra ở các cơ quan đảng chỉ là vẻ ‘kiên định xã hội chủ nghĩa’ và ‘đọc bài’ không biết mệt mỏi về chủ nghĩa kinh viện Mác - Lê cùng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lần xuất hiện có tiếng vang nhất nhưng cũng là lần cuối cùng hiện ra của Đinh Thế Huynh là vào tháng Mười năm 2016, khi ông Huynh đột ngột công du đến Washington đến gặp Bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó là John Kerry. Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến đi này chỉ mang tính thăm dò chủ yếu về Hiệp định TPP và cũng có thể “chúc mừng sớm” tổng thống tương lai của nước Mỹ là bà Hillary Clinton.

Tuy nhiên, có vẻ chuyến đi Mỹ trên của ông Đinh Thế Huynh đã trở nên vô nghĩa khi Trump bất ngờ giành chiến thắng và trở thành tổng thống Mỹ.

Trở về Việt Nam sau đó, ông Huynh… biến mất cho tới nay.

Đến đầu năm 2018, ông Trần Quốc Vượng đã được Bộ Chính trị chỉ định chính thức làm Thường trực Ban bí thư. Với quyết định này, vai trò Thường trực Ban bí thư của ông Đinh Thế Huynh cũng chính thức kết thúc.

Không những thế, ông Đinh Thế Huynh còn không giữ được chức vụ Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương - một vị trí rất được coi trọng bởi Tổng bí thư Trọng. Chức vụ này đã được giao cho Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một gương mặt mới nổi và đang được xem là một ứng cử viên mới cho chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có đại hội này.

Khủng hoảng nhân sự tổng bí thư?

Trước Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, có tin cho biết Đinh Thế Huynh đã phục hồi sức khỏe và mong muốn được tiếp tục công tác. Tuy nhiên nguyện vọng này, nếu có, đã không đạt kỳ vọng. Ông Huynh tiếp tục ‘biến mất’.

Một dấu hỏi lớn đang nổi lên là vì sao trong tình cảnh không còn được đảng ‘tin yêu’ và giao cho bất kỳ chức vụ quan trọng nào, ông Đinh Thế Huynh vẫn còn nằm trong Bộ Chính trị mà lẽ ra đã được thay thế bằng một người khác, nếu không phải tại Hội nghị trung ương 6 thì cũng phải tại Hội nghị trung ương 7?

Với việc vẫn giữ ‘ghế’ cho Đinh Thế Huynh trong Bộ Chính trị, Nguyễn Phú Trọng - người nắm toàn bộ quyền ‘sinh sát’ trong thể chế chính trị độc đảng tại thời điểm này - muốn chơi ‘bài’ gì?

Trước Hội nghị trung ương 7, đã có những dự đoán rằng hội nghị này sẽ bầu bổ sung hai ủy viên bộ chính trị là Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Tuy nhiên, việc cả hai nhân vật Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Trạc chưa được nhận ghế trong Bộ Chính trị đã cho thấy có vẻ ý đồ của ông Trọng là cho hai người này có thêm thời gian để ‘thử thách’, trong lúc vẫn giữ nguyên hai cái ghế trống trong Bộ Chính trị - để lại bởi hai người họ Đinh.

Việc vẫn giữ một cái ghế danh nghĩa cho Đinh Thế Huynh có thể phác ra hàm ý ông Trọng vẫn còn để cho ông Huynh một cơ hội tái tham gia chính trường theo cách mà ông Trọng hay nói ‘mở đường cho người ta tiến’.

Hoặc tựa như trò chơi ‘tắt nhạc giành ghế’.

Vấn đề là Đinh Thế Huynh có được cho ‘khỏi bệnh’ hay không…

Việc vẫn giữ nguyên sĩ số Bộ Chính trị là 18 người (giảm một người sau khi loại Đinh La Thăng) có thể cho thấy ông Trọng không thực sự tin cậy dàn ‘tân binh’, sau trường hợp ‘thái tử đảng’ Đinh Thế Huynh - từng được ông Trọng kỳ vọng -nhưng lại gặp phải một vấn đề lớn nào đó, khiến kế hoạch tìm kiếm ‘lãnh đạo chiến lược’ của ông Trọng có nguy cơ phá sản.

Trong quá khứ không xa, đã từng có một ‘thái tử đảng’ khác được Nguyễn Phú Trọng sủng ái. Đó là Phạm Quang Nghị - Bí thư Hà Nội.

Tuy nhiên ngay sau chuyến công du âm thầm đến Mỹ vào nửa cuối năm 2014, Phạm Quang Nghị trở về Hà Nội mà không còn được dư luận đánh giá là người sẽ kế vị chức vụ tổng bí thư của ông Trọng. Đến đại hội 12, ông Nghị phải chính thức giã từ sân khấu chính trị và trở vể làm thứ dân.

Phải chăng Phạm Quang Nghị, và sau đó là Đinh Thế Huynh, là hai thất vọng sâu sắc của ông Trọng về người kế vị, để sau đó ông Trọng không còn tin tưởng được một nhân tố nào khác?

Và nếu không còn tin được ai thì phía trước ông Trọng là một cơn khủng hoảng nhân sự kế thừa ông ta, cho dù vẫn còn đó những Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Thắng, Ngô Xuân Lịch…


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad