Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Theo đánh giá được đưa ra tại hội thảo thì các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động như Ủy Ban Quan Hệ Lao Động, Hội Đồng Trọng Tài, Hòa Giải Viên Lao Động được đưa ra nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.
Một công nhân ở Sài Gòn nói với RFA:
Công ty mình cũng có công đoàn nhưng chỉ những chuyện lớn lắm thì công đoàn mới hỗ trợ, còn những chuyện lặt vặt phải tự xử lý. Thí dụ bị bệnh phải tự uống thuốc thôi chứ không cho giấy tờ gì.
Công ty có phòng y tế, nhưng kiểu như để cho có vậy thôi. Ít khi được xuống đó lắm, trừ khi chóng mặt nhức đầu dữ lắm mới được xuống, nằm nghỉ một lát rồi lên. Chứ thuốc hình như lúc nào cũng hết.
Sếp với tổ trưởng cũng làm công ăn lương như mình nên chỉ làm hết giờ tròn nhiệm vụ của họ thôi. Chứ khó khăn của mình tự giải quyết hết, ít tai giúp đỡ ai lắm. Đôi khi công nhân kẹt tiền khó mà mượn được, kể cả vài trăm ngàn.
Mấy người chủ đầu tư hình như họ hơi tiết kiệm với công nhân. Những bữa cơm trưa hỗ trợ cho công nhân thì đồ ăn hạn hẹp lắm.
Một phần ăn chắc chỉ đáng giá 7 ngàn đồng. Ăn để lấy sức làm thôi chứ chắc chắn không có ngon.
Thống kê cho thấy từ khi Bộ Luật Lao Động năm 1995 của Việt Nam thừa nhận khái niệm về quan hệ lao động cho đến năm 2017, trên khắp VN xảy ra chừng 8 ngàn cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công.
Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm tại Việt Nam diễn ra chừng 600 cuộc đình công của người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp.
Một phần ăn chắc chỉ đáng giá 7 ngàn đồng. Ăn để lấy sức làm thôi chứ chắc chắn không có ngon.
- Công nhân
Chúng tôi trao đổi vấn đề quan hệ lao động giữa công nhân và doanh nghiệp với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng phòng Quan hệ Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động VN. Ông Quảng nhận định:
Vừa rồi pháp luật đã quy định rất nhiều, thậm chí trong Bộ Luật Lao động có cả chương về đối thoại tại nơi làm việc. Cũng như 60 quy định, nghị định về hình thức đối thoại.
Tuy nhiên trong thực tế, việc đối thoại vẫn chưa thực chất, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Chúng tôi nghĩ rằng, một mặt do người sử dụng lao động chưa coi trọng đối thoại, đặc biệt ở những nơi những bức xúc, khó khăn của người lao động không được người sử dụng lao động gần gũi lắng nghe. Kể cả những bức xúc của người lao động đã được tổ chức công đoàn kiến nghị nhưng không giải quyết kịp thời thì thường tích tụ. Nhất là những quyền, điều kiện làm việc không được cải thiện.
Thông thường công nhân đình công để đòi hỏi quyền lợi vì các chính sách lương thưởng, tăng ca bị cho là bất hợp lý.
Tuy nhiên theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tất cả các cuộc đình công đều xảy ra không theo quy định của pháp luật, gây hậu quả lớn đến người sử dụng lao động, người lao động và cả an ninh trật tự xã hội. Ông Huân cũng cho rằng Hàng trăm vụ đình công mỗi năm cũng cho thấy một sự thật là quan hệ lao động ở Việt Nam chưa thật sự hài hòa, ổn định nên tranh chấp lao động vẫn xảy ra.
Anh Đoàn Huy Chương, thành viên sáng lập Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập bảo vệ quyền lợi của công nhân, lại cho rằng gần như không có sự đối thoại giữa công nhân và doanh nghiệp ở VN:
Ở VN các doanh nghiệp họ chỉ ra các chỉ thị, chấp nhận hay không thôi chứ không bao giờ có đối thoại. Khi công nhân lên tiếng rồi thì mới có chuyện công đoàn vào cuộc. Công đoàn của Nhà nước thực chất là một cánh tay nối dài của Đảng, họ không bảo vệ được người lao động. Những điều họ nói nào là đối thoại, hay lo lắng cho người lao động chỉ là nói dóc thôi, có thật đâu.
Ở VN khi công nhân có yêu cầu gì sẽ nói với công đoàn và công đoàn sẽ là cầu nối trực tiếp kiến nghị lên phía doanh nghiệp.
Hiện ở VN chưa cho phép các công đoàn độc lập, mà phải nằm dưới sự quản lý của Nhà nước. Trong khi nhiều người nói rằng công đoàn Nhà nước hoạt động không hiệu quả, không giúp gì được cho công nhân. Một số tổ chức nghiệp đoàn độc lập ở VN thành lập nhưng đều bị đàn áp, và những người đứng đầu thường bị cầm tù. Anh Đoàn Huy Chương cũng từng bị bỏ tù, và hiện phải trốn tránh sự bắt bớ của công an VN.
Đình công để bảo vệ quyền lợi cho mình. Chứ nhờ đến công đoàn Nhà nước thì chẳng bao giờ được hết.
- anh Đoàn Huy Chương
Lấy ví dụ một cuộc đình công gần đây, anh Chương lên án:
Cuộc đình công ở Pouchen ngày 23 và 24 tháng 3 vừa qua, người công nhân đã ý kiến rất nhiều lần và kể cả những bữa ăn công nhân cũng ý kiến lên công đoàn rất nhiều lần nhưng không có một người nào xuống giải quyết mà họ cứ chây ì, để người quản đốc công ty mặc sức làm gì thì làm.
Hàng ngàn công nhân công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Pouchen Vina ở Hoá An, Tp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vào hạ tuần tháng 3 đã tràn xuống quốc lộ 1K để phản đối mức thang lương mới của công ty.
Anh Đoàn Huy Chương cho rằng hiện nay chỉ còn một cách duy nhất để công nhân đòi lại quyền lợi của mình khi doanh nghiệp không chịu đối thoại, đó là đình công:
Luật pháp VN cho phép đình công. Người lao động được quyền đối thoại với doanh nghiệp, thực chất là tranh chấp lao động, có thể đình công để bảo vệ quyền lợi cho mình. Chứ nhờ đến công đoàn Nhà nước thì chẳng bao giờ được hết.
Về phía quản lý Nhà nước, ông Lê Đình Quảng đưa ra một số giải pháp để phát triển quan hệ giữa lao động và người sử dụng lao động:
Về mặt pháp luật cũng phải quy định lại, làm sao cho quy định về đối thoại, chia sẻ thông tin ở doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn, sát với điều kiện quan hệ lao động của VN. Hiện nay còn nhiều quy định mang tính hình thức.
Về mặt chủ thể của quan hệ, đối thoại, thương lượng, chia sẻ thông tin giữa người sử dụng lao động và lao động phải có sự tăng cường hơn nữa. Quan hệ giữa hai bên phải được xác lập một cách bình đẳng.
Các cơ quan Nhà nước phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đối thoại lao động.
Ngoài ra ông Quảng cũng cho rằng cần thiết phải nâng cao nhận thức cho cả hai bên công nhân và doanh nghiệp để họ biết cách phát triển mối quan hệ lao động tốt đẹp.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét