NT Philippines: Chiến tranh sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh vượt lằn ranh đỏ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

NT Philippines: Chiến tranh sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh vượt lằn ranh đỏ


Ngoại trưởng Philippine Alan Peter Cayetano (trái) tiến tới bắt tay Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn trước một buổi họp ở Bắc Kinh, TQ, ngày 23/3/2018. Parker Song/Pool via REUTERS - 

Philippines cảnh cáo Trung Quốc rằng Manila sẽ chiến đấu nếu Bắc Kinh vượt qua lằn ranh đỏ khi đơn phương khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển mà Philippines cho là thuộc chủ quyền của mình trong ‘Biển Tây Philippines’ -người Việt gọi là Biển Đông.

Ngoại Trưởng Philippines Peter Cayetano tuyên bố như vậy trong một bài diễn văn hôm thứ Hai 28/5 khi ông lên tiếng bảo vệ chính phủ Philippines chống lại những tố cáo cho rằng Manila đã quá mềm mỏng trước những hành động của Trung Quốc, quân sự hóa Biển Đông.

Ngoại Trưởng Cayetano: “Tổng thống Duterte đã tuyên bố là chiến tranh sẽ xảy ra nếu có bất cứ ai chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của nước ông trong Biển Tây Philippines.”

Những sự căng thẳng trong khu vực đã tăng giữa lúc có tin Trung Quốc lần đầu tiên điều máy bay ném bom tới các đảo nhân tạo mà nước này đã xây trong Biển Đông.

Các quan hệ Trung Quốc-Philippines đã nở rộ từ khi ông Duterte lên nhậm chức hồi năm 2016. Dưới quyền ông, Manila đã dịu giọng khi nói tới Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp. Tháng Tư năm nay, ông Duterte còn tuyên bố ông “yêu mến” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hiện không rõ liệu tuyên bố mới nhất có phải là dấu hiệu báo trước một hướng tiếp cận cứng rắn hơn của Tổng thống Duterte hay không. Ông vẫn bị tố cáo là quá nhân nhượng với Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp biển đảo. Ngoại Trưởng Peter Cayetano xác nhận Philippines đã cảnh báo Trung Quốc về “những lằn ranh đỏ” mà Manila đã vạch ra.

Đài CNN dẫn lời Ngoại Trưởng Cayetano nói: “Chúng tôi đang có những hành động ngoại giao vào thời điểm thích hợp. Trung Quốc đã được thông báo về những lằn ranh đỏ”.

Nhưng Ngoại Trưởng Philippines lại nói thêm rằng nếu chỉ nhắm vào Trung Quốc không mà thôi về những hành động quân sự hóa trong Biển Đông thì thật là “không công bằng”.

Ông nói: “Nếu hơn một nước có những hành động quân sự hóa, không chỉ trên các đảo, nếu các lực lượng hải quân hùng hậu điều tàu đi ngang khắp khu vực, đó có phải là quân sự hóa hay không? Thế cho nên chúng ta ngay cả không có một định nghĩa rõ rệt về thế nào là quân sự hóa.”

Chiến hạm trang bị tên lửa USS Antietam đi tuần tiễu trong vùng biển thuộc phạm vi trách nhiệm của Hạm đội 7 của Mỹ để duy trì ổn định và an ninh tại khu vực Á châu-TBD (Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ -Bradley J. Gee/Released)
Ông Cayetano phát biểu giữa lúc hải quân Hoa Kỳ đang điều hai tàu chiến tiến vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý cách các hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây ở quần đảo Hoàng Sa, trong khuôn khổ các hoạt động mà người Mỹ cho là “thường lệ” để khẳng định quyền tự do hàng hải trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp.

Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa nhiều hơn một tàu hải quân tham gia hoạt động này. Một số chuyên gia nhận định rằng đây là một bước leo thang trong lập trường của Mỹ chống đối các hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong khi đó, Manila đang theo đuổi một thỏa thuận với Bắc Kinh để cùng khai thác các kho dầu hỏa và khí đốt trong các vùng biển Manila tuyên bố thuộc lãnh hải của mình.

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên một vùng lãnh hải rộng lớn trên Biển Đông, trong phạm vi của cái gọi là “đường 9 đoạn đứt khúc” do chính họ vạch ra, bao trùm một khu vực rộng lớn trải dài từ tỉnh Hải Nam ở miền Nam Trung Quốc cho mãi tới các vùng biển nằm về phương Bắc của Malaysia.

Để khẳng định chủ quyền của mình, Trung Quốc đã xây một loạt đảo nhân tạo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đầy đủ với các dàn radar và các phi đạo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần khẳng định vùng lãnh hải trong Biển Đông nằm trong phạm vi tài phán của Bắc Kinh, và chính quyền Trung Quốc có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn trong khu vực.

Thế nhưng nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền tại đây, trong các nước này có Việt Nam, Philippines và Đài Loan cùng một số nước khác.

Philippines dưới quyền vị Tổng thống tiền nhiệm, ông Aquino, đã đệ hồ sơ lên tòa án trọng tài ở La Hayes để yêu cầu tòa này phân xử vụ tranh giành chủ quyền với Trung Quốc. Tòa án quốc tế La Haye đã ra phán quyết hồi năm 2016, nói rằng dựa trên luật hàng hải quốc tế, phần lớn những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp đều bất hợp pháp.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad