Xử lý vụ Thủ Thiêm: Nguyễn Xuân Phúc ‘đi hàng hai’ hay ‘che chắn? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Xử lý vụ Thủ Thiêm: Nguyễn Xuân Phúc ‘đi hàng hai’ hay ‘che chắn?


Với kết luận về vụ Thủ Thiêm, hẳn là Thủ tướng Phúc đã không ‘hoàn thành nhiệm vụ’ với chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Một lần nữa sau chỉ đạo ‘mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc lẫn phía Nam’, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lại có dấu hiệu ‘đi hàng hai’, nếu không muốn nói là ‘che chắn’, trong chỉ đạo xử lý vụ ‘khủng hoảng Thủ Thiêm’.

Ngày 15/5/2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phúc cùng các phó thủ tướng là Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân TP.HCM bàn về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kết thúc cuộc họp, ông Phúc đã kết luận:

“Dự án này đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt bằng Quyết định 367/TTg năm 1996. Dự án này đã điều chỉnh quy hoạch.

Chính phủ nhất quán với chủ trương đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định, theo đề nghị của TP.HCM là mong muốn xây dựng 1 khu đô thị hiện đại, là một công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của TP.HCM.

Dự án này có diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân. Với nỗ lực của TP.HCM và sự ủng hộ tích cực của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99%”.

Tuy có đề cập đến Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng ông Phúc lại không có bất kỳ khẳng định nào về việc quyết định phê duyệt quy hoạch này là cơ sở pháp lý duy nhất cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Mới đây, báo chí đã phanh phui ra vụ Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã ký một quyết định vào năm 2005 ‘thay thế quyết định của thủ tướng chính phủ’, nghĩa là phủ nhận một phần nội dung của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ‘dọn đường’ cho việc giải tỏa lố đến 160 ha đất ở Thủ Thiêm, đẩy hàng chục ngàn người dân nơi đây vào cảnh màn trời chiếu đất, không kế sinh nhai và dẫn đến nhiều cái chết của người dân do quá phẫn uất vì bị chính quyền cưỡng chế đẩy đuổi và bắt bớ.

Nhưng ông Phúc đã hoàn toàn không nói gì đến quyết định ‘thay thế’ của Nguyễn Văn Đua.

Trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về số phận của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996.

Mới đây, mạng xã hội và báo chí nhà nước đã phanh phui vụ biến mất kỳ lạ của tấm bản đồ trên, vì nó không thể được tìm thấy ở các cơ quan của TP.HCM như Văn phòng ủy ban, Sở Xây Dựng, Sở Tài Nguyên và Môi Trường…, cũng không thể tìm thấy ở các cơ quan trung ương liên quan như Bộ Xây Dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Văn phòng chính phủ…

Và có thể hiểu thế nào về kết luận của ông Phúc “Dự án này có diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân. Với nỗ lực của TP.HCM và sự ủng hộ tích cực của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99%”?

Phải chăng với kết luận trên, ông Phúc đã chấp nhận toàn bộ diện tích mà chính quyền TP.HCM đã giải tỏa cho đến nay là đúng pháp luật? Mà nếu việc giải tỏa là hợp pháp, tại sao lại có chuyện người dân Thủ Thiêm, dư luận xã hội và báo chí tố cáo chính quyền TP.HCM đã giải tỏa lố đến 160 ha như một động tác ‘cố ý làm trái’?

Phải chăng Thủ tướng Phúc cũng đang ‘cố ý làm trái’?

Trong kết luận của thủ tướng Phúc tuy có chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra làm rõ vụ khiếu nại tố cáo của người dân Thủ Thiêm, nhưng nội dung và cách thức chỉ đạo là quá chung chung và không mang tính quy trách nhiệm đối với một cơ quan cụ thể nào, trong khi vụ ‘khủng hoảng Thủ Thiêm’ đã kéo dài suốt hai chục năm trời và trở thành một trong những điểm nóng khiếu tố đông người nghiêm trọng nhất ở Việt Nam.

Với những chỉ đạo trên, ông Phúc đã ‘cố ý làm trái’, hay bản thân ông và cái ghế của ông đang phải chịu áp lực chính trị và áp lực của các phe nhóm lợi ích?

Vào năm 2017, khi nổ ra vụ ‘khủng hoảng sân golf Tân Sơn Nhất’, Thủ tướng Phúc cũng đã ‘đi hàng hai’ khi chỉ đạo ‘mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc lẫn phía Nam’, sau một chỉ đạo ‘chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam’ của chính ông Phúc trước đó.

‘Phía Bắc’ chính là sân golf Tân Sơn Nhất – địa điểm có diện tích đến 157 ha mà nhóm lợi ích quân đội đã chiếm dụng đến hàng chục năm trời và đẩy sân bay Tân Sơn Nhất vào cảnh nạn kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời.

Có dấu hiệu ông Phúc đã chịu tác động không nhỏ của nhóm lợi ích quân đội trong vụ sân golf Tân Sơn Nhất, để đến tận bây giờ vụ khủng hoảng này vẫn còn lâu mới được xem là giải quyết một cách rốt ráo khi cái sân golf vẫn nằm chình ình ở đó, còn sân bay vẫn kẹt cứng vào bất kỳ thời điểm nào.

Còn với kết luận về vụ Thủ Thiêm, hẳn là Thủ tướng Phúc đã không ‘hoàn thành nhiệm vụ’ với chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng.

Về ý đồ, hẳn là ông Trọng đang muốn ‘làm mạnh’ vụ Thủ Thiêm để lấy lòng dân và đồng thời triệt phá một nhóm quyền lực – lợi ích đã thao túng từ quá nhiều năm qua ở đất Sài Gòn. Nếu phía chính phủ của ông Phúc chỉ đạo xử lý vụ này quá sơ sài và có dấu hiệu bao che, chủ trương ‘đốt lò’ vụ Thủ Thiêm của ông Trọng sẽ bị phá sản và ông Tọng sẽ mất uy tín nghiêm trọng.

Trong khi đó, trong dư luận xã hội đang dậy lên những đồn đoán về việc Thaco Trường Hải (chủ sở hữu của công ty Đại Quang Minh) – một doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu Thủ Thiêm và đã được hưởng lợi hơn 100 ha đất vàng bằng hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng cơ sở), nhưng lại xây dựng 4 con đường trong khu Thủ Thiêm với giá trên trời – hơn 1000 tỷ đồng mỗi cây số…, là ‘người thân’ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


Thiền Lâm
Calitoday

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad