Ba Lan bị lừa trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Ba Lan bị lừa trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?


Ông Trịnh Xuân Thanh được dẫn giải tới tòa án ở Hà Nội. Ảnh: internet

Ba Lan, ở khía cạnh nào đó, có dính dáng tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Ngoài nguồn tin cho rằng, một đội ngũ tình báo tinh nhuệ đã có mặt tại Ba Lan vào thời điểm nửa sau của tháng 7/2017 để chuẩn bị sẵn sàng cho phương án B – dẫn giải Trịnh Xuân Thanh qua ngả Ba Lan; thì nhà nước Ba Lan cũng đang xem xét tới một tài liệu khác.

Đó là bộ Ngoại Giao Ba Lan (MSZ) và cơ quan Hàng không Dân Dụng Ba Lan (Urząd Lotnictwa Cywilnego) có làm hết trách nhiệm của mình trong vụ việc này không.

Cho tới nay, cơ quan điều tra Đức nghiêng về giả thiết, Trịnh Xuân Thanh được áp tải về trên chiếc chuyên cơ mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn của bộ trưởng Tô Lâm mượn để bay từ Slovakia qua Nga.

Phương án mượn máy bay của phái đoàn bộ trưởng Tô Lâm được đưa ra một cách bất ngờ khi đoàn công tác này đổi lịch trình làm việc, nó diễn ra vài ngày trước khi vụ áp tải người được giả định diễn ra.

Theo luật hàng không Ba Lan, chuyến bay này phải được phép của Ba Lan khi bay qua lãnh thổ nước này. Và việc xin phép phải trước ít nhất 10 ngày, theo điều 148 luật Hàng Không:

“nie później niż na 10 dni przed planowanym rozpoczęciem lotu”, jak nakazuje art. 148 Prawa Lotniczego.

Đây không phải là chuyến bay hành khách thông thường, có lịch bay cố định mà là chuyến bay đột xuất, chuyến chuyên cơ từ đề nghị thay đổi lịch ‘làm việc’ của phía Việt Nam.

Trang Onet.pl đã chất vấn bộ ngoại giao Ba Lan và các cơ quan hữu trách trong việc, họ có làm đầy đủ các quy định cần thiết theo luật hàng không, với chuyến bay được cho là của chính phủ Slovakia kể trên hay không.

Bộ Ngoại Giao Ba Lan chưa trả lời được câu hỏi này, nhưng đưa ra một chi tiết khác, khá thú vị. Đó là, trong danh sách hành khách của chuyến bay ‘của chính phủ’ Slovakia có phó thủ tướng đương nhiệm, ông Robert Kalinak.

Bộ ngoại giao Ba Lan bị lừa?

Mới đây, trang Aktuality.sk của Slovakia công bố danh sách hành khách trong chuyến bay đặc biệt này. Nó không có tên Trịnh Xuân Thanh. Đại sứ Việt Nam tại Slovakia, ông Dương Trọng Minh cũng chối bỏ điều này, theo đúng quy trình, rằng Thanh ‘chưa bao giờ đặt chân tới lãnh thổ Slovakia’.

Không mấy ai tin vào tuyên bố trên. Bởi, những ai đã sống ở đây đều biết rằng, việc thay tên đổi họ, làm một quyển hộ chiếu khác là không mấy khó khăn, nhất là với một hành khách đặc biệt như Trịnh Xuân Thanh. Anh ta có thể ra khỏi biên giới châu Âu với bất kỳ tên tuổi nào khác.

Vẫn theo tờ báo trên, chuyến bay đã đi qua cửa ngoại giao, ở một khu vực đặc biệt mà việc kiểm tra danh sách bay chỉ mang tính hình thức.

Điều mà báo chí Ba Lan đang yêu cầu làm rõ là, ông Robert Kalinak không hề có mặt trong chuyến bay. Bản thân Kaliniak đã xác nhận sự vắng mặt trên chuyến bay. Báo giới cũng đưa ra các bằng chứng về sự ‘ngoại phạm’ của vị phó thủ tướng qua các hoạt động của ông ‘dưới mặt đất’ vào ngày hôm đó, khi chuyến bay đã cất cánh.

Nhưng, tên tuổi của phó thủ tướng Slovakia lại nằm trong hồ sơ xin bay qua lãnh thổ Ba Lan với tư cách như một trưởng đoàn công tác. Theo danh sách bay mà Aktuality.sk công bố, không có một người bản xứ nào, toàn bộ hành khách là những người Việt Nam.

Chính quyền Ba Lan ngờ rằng, họ đã bị lừa khi thông qua việc cho bay ngang lãnh thổ một đoàn khách không đúng với danh sách bay. Họ cũng ngờ rằng, Solvakia đã ‘đút’ thêm vào đó một ông trưởng đoàn là phó thủ tướng đương nhiệm để lách luật, để Ba Lan dễ dàng bỏ qua tiêu chuẩn ‘đăng ký trước ít nhất 10 ngày‘. Và chính sự lơ là này của Ba Lan đã khiến cho ‘món hàng’ đặc biệt của chính quyền Việt Nam dễ dàng ra khỏi châu Âu.

Như vậy, sau Đức và Slovakia, hiện Ba Lan đang điều tra những dính líu – dù là vô tình – của các cơ quan chức năng nước này khi để cho một chuyến bay không hội đủ các điều kiện đi ngang qua lãnh thổ.

Cũng cần nhắc lại, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy từng qua lại Ba Lan nhiều lần trong khoảng thời gian đầu năm 2017 và Vũ Đình Duy có thẻ 3 năm tại Ba Lan với tư cách là người tham gia vào thị trường lao động của quốc gia này.

Bản thân Duy xác nhận điều này trước tòa án Đức, rằng anh ta sinh sống, qua lại giữa 2 quốc gia Đức và Ba Lan.

Trong một diễn biến liên quan, ở thời điểm xảy ra vụ bắt cóc, chính quyền Slovakia được cố vấn bởi một người gốc Việt. Ông Lê Hồng Quang, một cựu du sinh ở Slovakia (trước gọi là Tiệp Khắc), sau khi tốt nghiệp vào những năm 1980, ông Quang mở một công ty du lịch, rồi trở thành người đứng đầu Phòng Thương mại Slovakia – Việt Nam.

Ông Quang có quốc tịch Slovakia và đã làm việc cho chính phủ Slovakia nhiều năm. Ông là chủ tịch cộng đồng người Việt tại quốc gia 5 triệu dân này, đồng thời từng giữ vai trò cố vấn thương mại cho chính quyền Slovakia lúc bấy giờ.


Đây được coi là người gốc Việt giữ vai trò gần gũi nhất trong một chính phủ nước ngoài, cho tới thời điểm hiện nay. Ông Quang sau đó trở thành đại biện lâm thời của Solvakia tại Hà Nội. Tờ Taz.de của Đức cho rằng, ông dính líu tới chuyện bán visa vào EU với giá 3000 euros.


Mạc Việt Hồng
Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad