Cả trăm đại biểu Quốc Hội CSVN thường trốn họp và ‘ngủ gật’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Cả trăm đại biểu Quốc Hội CSVN thường trốn họp và ‘ngủ gật’


Báo Lao Đông ngày 24 Tháng Ba, 2016, cóp lại hình ảnh trên đài truyền hình nhà nước VTV3 khi ba ông “đại biêu nhân dân” ngủ say sưa trong phiên họp Quốc Hội. (Hình: Lao Động)

“Một bộ phận không nhỏ” các ông bà gọi là “đại biểu Quốc Hội” có thể cả trăm người, thường không có mặt trong các phiên họp của Quốc Hội dù đã được “đôn đốc.”

Tờ Thanh Niên hôm Thứ Ba, 5 Tháng Sáu, 2018, cho hay: “Kỳ họp này, Tổng Thư Ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc lại phải ra công văn gửi đến các trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội các địa phương để đôn đốc các thành viên trong đoàn của mình ‘tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc Hội’ vì có những đoàn vắng hơn nửa số đại biểu.”

Báo vừa kể nói: “Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, qua theo dõi thực tế và báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc Hội tại kỳ họp này, một số phiên họp tại hội trường có số đại biểu vắng mặt nhiều hơn 20% tổng số đại biểu Quốc Hội, trong đó có đoàn vắng trên 50% số đại biểu.”

Quốc Hội CSVN gồm hầu hết là những ông bà đảng viên cao cấp ở trung ương và các địa phương, được đảng CSVN “cơ cấu” làm “đại biểu Quốc Hội” qua trò “đảng cử, dân bầu” trong khi vẫn nắm giữ các chức vụ quan trọng cả trong đảng và chính quyền.

Theo tờ Thanh Niên, đây không phải lần đầu có chuyện phải nhắc nhở các ông bà “đại biểu nhân dân” đừng trốn họp, nhưng là “việc mà tổng thư ký Quốc Hội thường phải làm trong các kỳ họp.”

Hồi “Tháng Chín, 2017, khi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 4, tổng thư ký Quốc Hội cũng đã phải ‘đề nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chỉ đạo các vị trưởng đoàn quán triệt đến đại biểu Quốc Hội nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để tham dự đầy đủ các phiên họp của Quốc Hội,’ vì tại một số phiên họp, số đại biểu vắng quá nhiều,” tờ Thanh Niên viết.

Tờ Thanh Niên viết thêm rằng, “Năm 2016, cử tri cả nước đã xôn xao về việc đại biểu Quốc Hội ngủ gật. Thậm chí, khi đi tiếp xúc cử tri, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn được cử tri đề nghị nhắc các đại biểu đừng ngủ gật.”

Trước nữa, “vào kỳ họp thứ 10 của Quốc Hội khóa 13, nguyên Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã phải lưu ý các đại biểu cần dành thời gian tối đa cho kỳ họp, không được vắng họp vì những lý do không chính đáng.”

Vắng mặt thường xuyên phải kể đến những ông “đại biểu nhân dân” cộm cán nhất như tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng. Không mấy khi người ta thấy những ông này có mặt nhưng không biết các ông có nhận được văn thư “đôn đốc” đi họp hay không.

Quốc Hội CSVN bầu bán 5 năm một lần sau mỗi kỳ đại hội đảng sắp xếp lại. Trên danh nghĩa, Quốc Hội có 500 “đại biểu” nhưng năm nay một số rơi rụng vì bị cáo buộc nhiều thứ tội, từ “cố ý làm trái…” đến tham nhũng, ăn hối lộ.

Nổi bật nhất trong số “đại biểu” bị cưa ghế là Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn bị kết án 31 năm tù qua hai vụ xử vì những tội khi còn nắm Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam. Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước đó là chủ tịch Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí PVC (công ty con của Petro Vietnam) bị kết án tù chung thân.

Quốc Hội CSVN bị truyền thông quốc tế gọi là “con dấu cao su (rubber stamp)” được nặn ra chỉ để thông qua những đạo luật do đảng soạn sẵn. Những buổi “chất vấn” hoặc thảo luận các dự luật chỉ mang tính hình thức “màu mè dân chủ.”

Bởi vậy, ngày 1 Tháng Sáu, 2018, trong phiên thảo luận về “chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018,” đại biểu Lê Thanh Vân của tỉnh Cà Mau đã một lần nói thẳng: “Việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta còn rất xa,” vì “luật Quốc Hội xây dựng vẫn còn là luật khung, luật ống; còn quản lý nhà nước chủ yếu bằng thông tư,” báo Thanh Niên tường thuật.

Quốc Hội CSVN cũng chỉ là một cái “hòm thư” nhận các đơn thư khiếu nại tố cáo của dân rồi chuyển đi đến các cơ quan cầm quyền các địa phương, còn không có thẩm quyền mở cuộc điều tra, giám sát. Thực tế này từng được đề cập nhiều lần.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad