Luật đặc khu chia rẽ quan hệ Việt-Trung? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Luật đặc khu chia rẽ quan hệ Việt-Trung?


Một học sinh cầm lá cờ Việt Nam và Trung Quốc tại Phủ Thủ tướng ở Hà Nội hôm 12/11/2017. Công luận Việt Nam đang lo ngại về sự ảnh hưởng của Trung Quốc tới an ninh và chủ quyền của Việt Nam nếu dự luật Đặc khu Kinh tế được thông qua.

Chính phủ xoa dịu quan ngại của người dân về chủ quyền lãnh thổ từ đặc khu kinh tế

Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ người dân về dự luật Đặc khu Kinh tế, một bộ trưởng nói dự luật này không nói đến Trung Quốc và cáo buộc một số người tìm cách “chia rẽ” quan hệ Việt-Trung.

“Trong dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc hết,” Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nói với các phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 6/6.

Họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc.

Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư
Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế Đặc khu đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang được quốc hội thảo luận từ hôm 23/5 và kể từ đó hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội đã phản ứng dữ dội với những dòng trạng thái phản đối dự luật này. Rất nhiều người đã lo sợ rằng điều này sẽ giúp Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Họ đăng những hình ảnh của bản thân cầm các tấm biển với dòng chữ: “Tôi phản đối cho Trung Quốc thuê đất ở Đặc khu Kinh tế Việt Nam.”

Trả lời phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội về “việc dư luận phản ứng với việc thành lập đặc khu, trong đó có yếu tố ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đặc khu Vân Đồn” Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng “họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên” nhằm “chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc,” theo truyền thông trong nước.


Mặc dù theo lời ông Dũng, dự luật này không nói đến Trung Quốc nhưng một cựu Đại biểu Quốc hội và một blogger đã chỉ ra ‘yếu tố’ Trung Quốc trong đó.

Đó chính là mục 4 của điều 54 thuộc dự luật đặc khu trong đó viết: “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định.”

“Về mặt địa lý, tỉnh Quảng Ninh nằm ở biên giới phía Đông Bắc của Việt Nam và chỉ có duy nhất tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và phía Đông giáp với một tỉnh Bắc bộ," theo blogger Nguyễn Chí Tuyến. "Một vị trí địa lý rõ ràng rành mạch như thế mà người ta lại dùng câu chữ - tôi gọi là xảo thuật ngôn từ. Không thấy có chữ Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu ngoài nước Trung Quốc ra thì còn nước nào nữa tiếp giáp với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh."


Đặc khu Kinh tế (ĐKKT) Vân Đồn nằm ở tỉnh Quảng Ninh, phía bắc của Việt Nam.

Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra ‘xảo thuật ngôn từ’ này và cho rằng ông Dũng – “một chính khách ở tầm bộ trưởng thì không nên giải thích kiểu ‘bịt mắt trẻ con’ như thế.”

“Ông Nguyễn Chí Dũng, ở cương vị của ông – nhất là người soạn luật – thì ông thừa hiểu câu chuyện sẽ dẫn đến đâu và đặc biệt trong luật nói đến nước láng giềng (tiếp giáp) ở Quảng Ninh, thì đó là ai, không lẽ nước láng giềng ở đây là Mỹ,” theo ông Thuyết.

“Không chỉ là thuê đất”

Với mục đích làm xoa dịu những lo ngại của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 7/6 tuyên bố chính phủ sẽ điều chỉnh khung thời gian cho thuê đất 99 năm trong các đặc khu kinh tế và một ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói với Dân Trí rằng họ “thống nhất xóa bỏ quy định cho thuê đất tại đặc khu với thời hạn cao nhất tới 99 năm, chỉ duy trì mức 70 năm như Luật Đất đai hiện hành.”

Prime Minister Phuc received a huge number of comments regarding a bill on special economic zones

Tuy nhiên, những gì người dân lo lắng không chỉ là thời hạn thuê đất mà là những ưu đãi trong luật cho các nhà đầu tư ở ĐKKT và họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.

Ông Thuyết, người từng có thời gian làm việc trong Quốc hội Việt Nam, cho rằng: “Ở đây không chỉ là chuyện chiếm hữu đất đai mà còn là chuyện liên quan đến an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.”

Ở đây không chỉ là chuyện chiếm hữu đất đai mà còn là chuyện liên quan đến an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Nguyễn Minh Thuyết, cựu Đại biểu Quốc hội
Cựu ĐBQH này lo lắng về dự luật khi “tiềm ẩn” những quy định như “cho kinh doanh, sản xuất quân trang quân dụng vũ khí” và “những tiền chất nổ ở các đặc khu như thế.

Blogger Nguyễn Chí Tuyến, một người đấu tranh dân chủ ở Hà Nội, cũng cho biết trong dự luật có những ưu đãi về mặt an ninh quốc phòng mà mọi người cần ‘lưu tâm.’

“Họ nói là được kinh doanh và sản xuất ra các loại vũ khí và liên quan đến các mặt hàng quốc phòng," theo anh Tuyến. "Thì người ta có thể sẵn sàng tập kết rất nhiều những loại vũ khí vào bất kỳ 3 địa điểm ở vị trí đắc địa như thế thì người ta có thể khống chế hoàn toàn cả đất nước trong vòng nháy mắt.”

Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử, đặc biệt kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979 và gần đây là những hoạt động lấn chiếm biển Đông cũng như gây sức ép đối với chính phủ Hà Nội phải ngừng các hoạt động khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã khiến người dân lo ngại nếu như Trung Quốc có thể thuê đất và đầu tư trong các đặc khu kinh tế thì hậu quả sẽ "khôn lường."

Người Việt Nam biểu tình yêu cầu Trung Quốc rời dàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực biển Đông trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 đã làm dấy lên những cuộc biểu tình trong nước và từ đó chính phủ Hà Nội đã nhiều lần đàn áp và ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân.

Cuối tháng trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc và cho rằng đó là “sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.”

“Chúng ta ở gần Trung Quốc thì chúng ta cũng biết rồi. Họ đã từng làm những gì, họ đang làm gì và có thể nói hiện nay họ đang chiếm các đảo của Việt Nam, đang đe dọa đến an ninh hàng hải cũng như đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam,” theo ông Thuyết. “Không thể nào mà tạo một điều kiện cho họ xây dựng một đội quân ngầm ngay trên đất nước mình được.”

Quốc hội Việt Nam sẽ biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 15/6.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad