Chưa hết, hôm nay (17/6/2018) lại thấy báo Dân Trí đưa tin, rằng “Chính phủ hoàn toàn đồng ý giao hoàn toàn hơn 2.000 hécta đất” khu vực trục Nhật Tân – Nội Bài cho chủ một công ty bất động sản, nhưng “chỉ nhận làm một phần thôi” để xây “thành phố thông minh” 4 tỷ USD, “phấn đấu đẹp hơn Singapore”. Đến đây thì không chỉ choáng váng, mà tự hiểu mình đích thực đang bị ngộ độc.
ĐỪNG VẼ RA NHIỀU TỶ
Chẳng ai lạ gì về kế sách vẽ ra dự án ở Việt Nam. Có thể nêu tóm tắt mấy điểm chính sau đây.
1. Điều đầu tiên là vẽ ra nguồn đầu tư tài chính nhiều trăm triệu, thậm chí cả nhiều tỷ đô la cho dự án.
2. Theo sau là bản đồ quy hoạch tổng thể đẹp hơn mơ.
3. Tiếp đến là tấm bùa hộ mệnh “Liên doanh nước ngoài”.
4. Với đích ngắm là hàng chục, hàng trăm và cả hàng ngàn hecta đất, cùng tầm nhìn giữ đất 20, 30 năm.
5. Bốn mục nêu trên sẽ trở nên vô nghĩa, nếu không thực thi tốt mục thứ 5 – điều quan trọng – trước cả đầu tiên, sau cả cuối cùng: Đó là hoạt động hậu trường ở tất cả các điểm chìa khoá, trong đó chìa khoá ở thượng tầng là quyết định.
ĐỪNG ẢO TƯỞNG ĐẸP HƠN SINGAPORE
Xây đựng một thành phố không chỉ là bản vẽ. Mà phụ thuộc vào ai là chủ đầu tư, ai thi công và ai quản lý. Ở cả ba khâu vừa nêu, “thành phố thông minh” còn lâu mới theo kịp Singapore.
Để khỏi phản biện “bằng Singapore” hãy lấy nhà ga quốc tế Nội Bài vừa xây xong làm thí dụ. Thua cả nhà ga T2 của Singapore xây dựng năm 1990, đừng nói đến T3 năm 2008 và T4 năm 2017.
Đó là chưa nói đến, một thành phố chỉ phồn hoa bằng nhà cửa mà không sở hữu công nghệ, không có sức sản xuất, thì phồn hoa đó cũng chỉ là giả tạo. “Thành phố thông minh” cũng là vay mượn mà thôi. Một thành phố mà lấy bất động sản làm tiêu chí đua tranh quốc tế thì đó là con đường xuống vực.
Lại nghe nói “thành phố thông minh” sẽ có một Hồ Gươm không tháp rùa, thì đo ngay được tầm suy nghĩ và mục đích của chủ đầu tư. Chủ ý phía sau, muốn mượn hình bóng Hồ Gươm để nói rằng “thành phố thông minh là thủ đô mới” vì cũng có Hồ Gươm.
Nhưng sao chép Hồ Gươm về vật lý, không có tháp rùa, không cầu thê húc và không toàn bộ cảnh quan xung quanh Hồ Gươm, thì đó chỉ là một cái ao lớn.
Chưa nói đến, không ai nhân bản vật lý tháp Eiffel thứ hai tại Paris. Không ai xây điện Kremlin thứ hai ở Matxcova. Càng không ai đào Ngũ Hồ thứ hai ở Bắc Mỹ. Kiến trúc tiệt đường sáng tạo rồi hay sao mà phải nhân bản?
Một Hồ Gươm giả ở tả ngạn sông Hồng, một Hồ gươm thật ở hữu ngạn sông Hồng có làm cho Hà Nội loạn Hồ Gươm và làm giảm ý nghĩa của Hồ Gươm?
Và liệu Thần Linh của Hồ Gươm có nổi dận khị bị làm nhái?
QUY HOẠCH HÀ NỘI ĐANG NẰM TRONG TAY AI?
Hà nội không có quy hoạch. Quy hoạch Hà Nội không cần học. Cứ xẻo Hà Nội ra thành nhiều mảng giao cho các nhà đầu tư bất động sản để đấu thầu quy hoạch. Họ không cần học về quy hoạch thành phối. Họ có tiền và thuê thiết kế. Họ duyệt thiết kế. Các nhà thiết kế phải cắt xén theo ý của chủ đầu tư. Kết quả, Hà Nội là bức tranh tổng hợp bao gồm các tư tưởng thiết kế của các trùm bất động sản. Những người có tiền đứng trên mọi kiến trúc, cao hơn mọi kiến thức.
Hãy nhìn các tiểu khu đô thị, các ngôi nhà nhiều tầng của các ông trùm bất động sản ở Hà Nội trong toàn cảnh thành phố nhìn từ trên cao, chúng ta sẽ nhận thấy một sự hổ lốn bao trùm. Quy hoạch thành phố không đơn giản là một ngôi nhà đẹp, một tiểu khu đẹp, mà phải hài hoà trong tổng thể kiến trúc toàn cảnh. Một ngôi nhà đẹp riêng rẽ có thể không phù hợp trong một tổ hợp kiến trúc. Hơn thế nữa, nếu đặt vào có thể phá hỏng kiến trúc tổng thể. Kiến trúc Hà Nội là những mảnh vá, hàng vạn mảnh vá.
Buồn thay, hổ thẹn thay bao kẻ học hành, giữ quyền cao chức trọng, ăn bổng lộc của dân, khoác trên mình bao học hàm học vị, dự hết hội thảo khoa học này đến hội thảo khoa học khác, đến phần việc chủ quyền và trách nhiệm của mình, lại không đủ bản lĩnh trí tuệ để thực hành, mà phải a dua đồng thuận, nhường những ông trùm bất động sản không có kiến thức chuyên ngành mà chốc lát trở thành những tổng công trình sư kiến trúc.
Với đà này, mỗi trùm bất động sản thiết kế một Hồ Gươm thì Hà Nội sẽ có cả chục Hồ Gươm!
HÀ NỘI ĐANG BỊ XÉ NÁT
Thủ đô Hà Nội đang bị xé nát trong tay các nhà đầu tư bất động sản.
Hãy nhìn đến các khu đô thị đã xây dựng, như Trung Yên, Linh Đàm, hay bất cứ khu đô thị mới nào, đều vô cùng nhức mắt. Đã thế, những khoảng đất mới trong nội đô, vừa được giải phóng, chẳng hạn như khu triển lãm Giảng Võ, thì đều bị các nhà đầu tư bất động sản thâu tóm ngay. Thậm chí cả nhà ga Hàng Cỏ cùng khu vực bao quanh cũng bị đề xuất phá bỏ để các trùm bất động sản xây nhà 70 tầng kiếm lời. Kiến trúc Pháp đang bị đập phá dần, nhường chỗ cho kiến trúc chắp vá của các chúa đất.
Hà Nội đang hối hả giao đất. Toàn bộ phía Bắc sông Hồng đang được giao cho các trùm bất động sản. Họ quyết định giao 2000 hécta đất (20 km2) cho một người, đơn giản là trao tờ giấy đầu tư, không mảy may dày vò trăn trở. Và rồi hàng ngàn hécta đất khác sẽ tiếp tục được giao chỉ bằng những chữ ký trên những tờ giấy mong manh, mà sau đó là hàng chục vạn số phận nhân quần chân lấm tay bùn không nơi cày cấy.
Các nhà đầu tư bất động sản đang vội vã. Chưa bao giờ họ có cơ hội trở thành đại chúa đất như bây giờ. Những người có quyền đang triển khai chính sách đổi đất lấy hạ tầng một cách gấp rút, bởi phần nóng lòng muốn phát triển đột phá thì ít, mà sốt ruột do hạn chế nhiệm kỳ thì nhiều. Giá đất qua tay nhà đầu tư bất động sản tăng từ 20 đến cả trăm lần, là động cơ không khoan nhượng quyết vượt qua mọi trở lực để sở hữu đất. Cả hai phía, kẻ giao đất và kẻ nhận đất, đều đang rất vội vã trên đường đua.
NẾU TIỀN NHÂN SỐNG LẠI
Những bậc lão thành tham gia cách mạng 1945 vì mục đích người cày có ruộng sẽ nghĩ gì trước đại cuồng phòng thâu tóm đất đai hiện nay?
Sau họ là thế hệ đã xông pha ở Điện Biên, sau nữa là thế hệ ở Khe Sanh Quảng Trị, tất cả họ đã hiến dâng trọn tuổi trẻ và cả máu xương cho mục đích công bằng, cuối cùng họ vỡ lẽ ngỡ ngàng bởi mục tiêu cao đẹp ban đầu mà họ hiến dâng đang đổ vỡ. Trước đây họ lấy ruộng của địa chủ để chia cho người cày thì bây giờ ngược lại, người ta lấy đất của người cày để đưa cho các đại chúa đất. Thay vì công bằng là sự ngự trị của bất công.
Giai cấp chúa đất mới hình thành nhờ chế độ sở hữu toàn dân. Nếu tiền nhân sống lại thì họ sẽ nghĩ gì về sở hữu toàn dân? Sở hữu toàn dân đang biến đất đai của người dân thành những chiếc lá đa để chuyển qua tay những kẻ buôn đất, giúp họ trở thành những nhà tư bản cộng sản kếch sù sau một thương vụ cầm trong tay những tấm vàng lá.
Nguy hại hơn, sở hữu toàn dân đang tạo ra cơ hội để ngoại bang có thể sở hữu đất đai Việt Nam trong một “tiểu quốc gia” qua nhiều thế hệ. Sống chỉ một đời mà dám cả gan cho thuê đất của không chỉ đời con, đời cháu mà đến đời chắt chút chít chịt. Chừng nào còn sở hữu toàn dân về đất đai, thì chừng đó người ta còn xem đất đai như sở hữu riêng để ban phát phung phí, chừng đó càng sinh sôi giai cấp chúa đất mới trên một phông nền bất công, không sòng phẳng.
Chỉ lớn lên bằng lúa gạo, mới thấm thía nỗi đau của người nông dân không có đất.
Chỉ lớn lên bằng mắm ruốc, mới xót xa khốn cảnh của ngư dân không nơi quăng lưới.
Chỉ lớn lên bên sương khói Hồ Gươm, mới buốt xé những nhát cắt nát tan một kinh thành ngàn năm văn hiến.
Nguyễn Ngọc Chu
FB Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét