Việt Nam có còn tiềm lực để đánh thức không? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Việt Nam có còn tiềm lực để đánh thức không?


Các em học sinh trung học tham dự lễ khai giảng năm học mới tại Hà Nội vào ngày 5 tháng 9 năm 2016.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Bài ‘Đánh Thức Tiềm Lực’ của nhà thơ Nguyễn Duy được trích đưa vào đề thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia môn Văn năm nay. Một số ý kiến cho rằng sứ mệnh ‘đánh thức tiềm lực’ và ‘tiềm lực còn ngủ yên’ như trong đề bài đưa ra dành cho học sinh đã không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay. RFA có bài tìm hiểu về chủ đề này với chính tác giả bài thơ cùng một số người khác.

Tiềm lực nào ngủ yên?

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội hầu như đều cho rằng đề thi năm nay hay, có nhiều điểm để mổ sẻ và tràn đầy tính thời sự. Nghệ sĩ Huyền Đan bày tỏ chính kiến của mình khi được hỏi về tiềm lực nào còn ngủ yên.

Tiềm lực ngủ yên ở đây em phân tích hai khía cạnh. Một là tiềm lực nghĩa đen là thiên nhiên thì đối với em đã tan nát rồi. Bây giờ là đến thời kỳ con người phải phụng sự thiên nhiên thì đối với em tiềm lực đó không còn nữa. Còn tiềm lực về nghĩa bóng, về con người, về xã hội thì đối với mình vẫn còn niềm tin chứ. Mình vẫn mong là xã hội sẽ tốt hơn, đẹp hơn, và cơ bản là vấn đề nhìn nhận về quyền con người phải được trỗi dậy.

Tài nguyên thiên nhiên thì bị cạn kiệt, hao mòn nhiều lắm rồi. Nhưng còn tiềm lực trong con người thì trong giờ phút này vẫn còn ngủ yên.

-Nhà thơ Nguyễn Duy
Tuy vậy, Huyền Đan nhận xét tư duy ‘đánh thức tiềm lực’ trong trích đoạn mà đề bài đưa ra là một tư duy cũ.

Đó là tư duy của cách đây hai ba chục năm trước. Thời Tố Hữu ngợi ca Việt Bắc, rừng vàng biển bạc, thời Việt Nam mình còn trù phú. Cái tư duy của trích đoạn bài thơ là muốn con người đánh lực tiềm lực để sở hữu thiên nhiên, còn những vấn đề xã hội sâu xa hơn thì có thể không đúng tầm của những em nhỏ học phổ thông dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Đồng quan điểm trên với Huyền Đan, tác giả Nguyễn Duy cho biết rằng tiềm lực trong con người ở phần cuối của bài thơ, phần không được trích dẫn trong đề thi, mới là điều ông trăn trở hiện nay. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng nhận xét tiềm lực thiên nhiên đã có rất nhiều thay đổi so với thời điểm ông sáng tác bài thơ hơn 30 năm về trước.

Nhà thơ Nguyễn Duy. Photo: RFA
Tài nguyên thiên nhiên thì bị cạn kiệt, hao mòn nhiều lắm rồi. Nhưng còn tiềm lực trong con người thì trong giờ phút này vẫn còn ngủ yên. Nhưng điều quan trọng của bài thơ là ở phần cuối cơ chứ không phải ở phần đầu này. Phần đầu chỉ là mào đầu thôi mà phần cuối mới nói lên tiềm lực của con người.

Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Duy nhận định với đường lối giáo dục hiện hành, nhà trường Việt Nam vẫn chưa thể đưa đoạn cuối trong bài Đánh Thức Tiềm Lực của ông vào. Ông cung cấp cho Đài Á Châu Tự Do một số câu thơ, trích đoạn như sau.

Cần lưu ý/ lời nói thật thà có thể bị xử tội/ lời ninh hót dối lừa có thể được tuyên dương/ đạo đức giả có thể thành dịch tả/ lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường.

Nền giáo dục một chiều và sự im lặng ‘đớn hèn’

Từ xưa đến nay, vấn đề giáo dục luôn được giới lãnh đạo và trí thức đưa ra bàn luận nhằm xây dựng một hệ thống dạy học trang bị kỹ năng và nâng cao kiến thức cho học sinh, sinh viên, những người chủ tương lai của đất nước. Tuy vậy, chương trình giáo dục xã hội chủ nghĩa lâu nay có thể giúp ‘đánh thức tiềm lực’ của lớp trẻ?

Huyền Đan nhận xét về nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Đối với em đó là một nền giáo dục một chiều, bảo thủ và ấu trĩ. Cho nên thật ra mình cần một nền giáo dục khai phóng hơn. Nếu những người làm giáo dục mà đánh thức tiềm lực đúng thì phải cải tổ một nền giáo dục đa chiều thôi. Nền giáo dục một chiều nó còn liên quan đến một vấn đề là: đề thi ra như vậy nhưng ba rem chấm điểm lại khác à. Hễ nói khác ba rem thì không có điểm. Mà không có điểm thì không vô được đại học vậy thôi.

Nhà thơ Nguyễn Duy thì thẳng thắn nhận xét rằng nền giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay không chỉ bị chính trị hóa một chiều mà còn méo mó và sai lạc.

Một nền giáo dục hụt hẫng, méo mó và có thể nói là sai lạc về đường đối giáo dục. Theo chuẩn mực của giáo dục nhân loại thế giới thì ta vẫn bưng bít, áp đặt nhiều thứ lắm chứ không khai thác được cái tự chủ, sáng tạo của học sinh. Chương trình xã hội như Văn, Sử thì bị chính trị hóa quá mạnh, chính trị một chiều.


Nếu những người làm giáo dục mà đánh thức tiềm lực đúng thì phải cải tổ một nền giáo dục đa chiều thôi.

-Huyền Đan
Bên cạnh nền giáo dục cần nhiều cải tổ, thái độ sống của những người xung quanh cũng góp phần xây dựng phẩm cách cho các em học sinh. Quan sát các buổi thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, một giảng viên Đại học tại Sài Gòn trăn trở lên trang mạng cá nhân.

Thấy mấy đứa nhỏ thi cử tội quá, tương lai mù mịt với ba mớ kiến thức "cơ bản", không được trang bị bất kỳ hành trang nào để bước vào đời ngoài áp lực, căng thẳng và nỗi sợ hãi. Những ông cha bà mẹ thì cứ một kiểu không quan tâm đến sự đời, ra sao thì ra, làm sao mà thay đổi được..., chỉ cần hết lòng thương con… bỏ mặc một cái kết không có hậu cho cuộc sống tương lai của những đứa nhỏ.

Trước thái độ thờ ơ tình hình chính trị xã hội của nhiều người, nghệ sĩ Huyền Đan cho rằng các em học sinh hiện nay sẽ khó có được kiến thức và sự dũng cảm để bày tỏ chính kiến khi chính các thế hệ đi trước là những kẻ ‘đớn hèn.’

Vấn đề đặt ra là những em nhỏ ở lứa tuổi đó, đề bài đặt ra vấn đề nghị luận xã hội hay ho như vậy nhưng lại đâu đủ kiến thức để phản biện nghị luận xã hội. Rõ ràng là nhiều thế hệ khác cũng đâu nói, thầy cô cũng không nói, thầy cô cũng đớn hèn, nền giáo dục đớn hèn, cha mẹ chú dì cũng đớn hèn thì làm sao đủ kiến thức phản biện xã hội.

Huyền Đan cho biết thêm vấn đề phản biện nghị luận xã hội đòi hỏi một người phải trưởng thành trong nền tảng gọi là ‘quyền cơ bản của con người’ và đối với anh, muốn thay đổi thế hệ thế hệ trẻ thì đòi hỏi nhiều thế hệ khác cùng phải hành động, không thể im lặng một cách ‘đớn hèn.’


Trân Văn
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad