Vương Đình Huệ đi Mỹ tiền trạm cho ai? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Vương Đình Huệ đi Mỹ tiền trạm cho ai?


Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ (bìa phải) chứng kiến thỏa thuân Bamboo Airways mua 20 máy may Boeing của Mỹ hôm 25/6/2018 tại Washington. Photo VietnamNews

Tròn một quý sau chuyến công du chẳng ra kết quả gì ở Pháp của Tổng bí thư Trọng, ‘người học trò nghèo hiếu học’ của ông Trọng - Phó Thủ tướng và cũng là nhân vật được bổ sung vào Bộ Chính trị khóa 12 sau khi đã thất bại trong ý đồ trở thành ủy viên bộ chính trị vào năm 2013 - Vương Đình Huệ - đã chợt có một chuyến đi đến Hoa Kỳ từ ngày 25-27/6/2018, nhưng không được thông báo trước trên các phương tiện thông tin đại chúng - một chuyến đi mà nhiều khả năng không chỉ liên quan đến chức trách của ông Huệ mà còn có thể mang nhiều hàm ý và ẩn ý về ‘không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế’, tiền trạm cho một ‘đoàn cấp cao’ và cả… xin viện trợ.

Vương Đình Huệ ‘bao sân’

Tại thủ đô Washington D.C., quan chức Vương Đình Huệ đã lần lượt có các cuộc gặp, làm việc với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan; Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin; Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricardel và Thượng nghị sĩ Mazie Hirono - thành viên cao cấp Tiểu ban Biển, Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Chức trách hiện thời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là phụ trách về kinh tế. Tuy nhiên lịch làm việc trên cho thấy ông Huệ đã ‘bao sân’ cả chức trách của hai người đồng chí của ông trong Bộ Chính trị là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng phụ trách nội chính Trương Hòa Bình.

Có thể cho rằng đây là lần thứ hai kể từ năm 2015, Tổng bí thư Trọng ủy quyền cho một quan chức cao cấp để ‘bao sân’ nhiều lĩnh vực trong một chuyến công du đối ngoại như thế. Quan chức cao cấp trước đây được ông Trọng ủy quyền đi Mỹ là Trần Đại Quang, khi đó chỉ là bộ trưởng bộ công an nhưng đã làm việc không chỉ với các cơ quan CIA, FBI mà cả với các đại diện của Bộ Ngoại giao, Quốc hội Mỹ.

Đã rõ là sau chuyến đi Mỹ của Trưởng ban đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân vào năm 2017, chuyến đi Mỹ tiếp theo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được xác định là ‘tiền trạm cho một đoàn cấp cao’ của giới chóp bu Việt Nam sang Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Cho ai?

Ai trong số ‘tứ trụ triều đình’?

Nếu loại trừ Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là nhân vật mà từ trước tới nay chỉ chủ yếu quan hệ đối ngoại theo ‘kênh gật’, khuôn mặt nào trong số Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao Việt Nam’ sang thăm Hoa Kỳ?

Sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành chóp bu đầu tiên của Việt Nam đặt chân đến Washington vào tháng Năm năm 2017 - một chuyến đi khá vô thưởng vô phạt và chẳng mang lại lợi lộc gì về các bản hiệp định thương mại song phương.

Phúc đã đi Mỹ, đã không thể thuyết phục Trump và từ đó đến nay cũng chẳng thấy hy vọng nào sẽ thuyết phục được Trump gỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các nước ‘gây hại cho Mỹ’ và bị Mỹ áp dụng nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’. Do vậy Phúc sẽ khó đi Mỹ thêm lần nữa.

Còn Trần Đại Quang?

Có một mối duyên định giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng.

Vào tháng Ba năm 2015, khi còn là Bộ trưởng công an, Trần Đại Quang có một chuyến công du khá hoành tráng đến Hoa Kỳ, đặt dấu tiền trạm cho một chuyến công du sau đó và quan trọng hơn hẳn là của Tổng bí thư Trọng đến Washington vào tháng 7/2015, nơi ông Trọng được phía Mỹ đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia.

Hai năm sau đó, Trần Đại Quang đã trở thành chủ tịch nước và đã có một vị thế chính trị khác hẳn, dù cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn hẳn.

Sau một lần ‘biến mất’ cả tháng trời từ cuối tháng Bảy đến cuối tháng Tám năm 2017, trùng với vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ nổ ra ở Đức và ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’ của Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang đã ‘tái xuất’, để đến tháng Mười Một năm 2017, Quang đã lần đầu tiên được giới quan sát chính trị xem là nhân vật đóng vai trò, ít ra trên danh nghĩa, là chủ tịch nước trong một sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam: Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái bình Dương (APEC) được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Khi đó, chính là Trần Đại Quang, chứ không phải là Nguyễn Phú Trọng, đã có cơ hội được đón tiếp và trao đổi với hàng loạt thủ lĩnh quốc tế như Donald Trump, Tập Cận Bình, Putin…

Nhưng chỉ vài ngày sau khi APEC kết thúc tại Đà Nẵng mà được hệ thống báo đảng tự ca ngợi hết lời, Nhân Dân - “cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam” - đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm”.

Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia “quyền lực” rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của “tứ trụ” trong việc tiếp “Trăm” (phiên sang tiếng Anh là Trump).

Kể từ lúc đó, báo đảng nói riêng và báo chí nhà nước Việt Nam nói chung khá hiếm hoi đăng hình ảnh của Trần Đại Quang, hoàn toàn tương phản với hình ảnh tràn ngập ‘Người đốt lò vĩ đại’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘Minh quân’ của Nguyễn Phú Trọng.

Vào tháng Tư năm 2018 và ngay trước khi Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền diễn ra, Trần Đại Quang lại một lần nữa ‘biến mất’.

Còn sau Hội nghị trung ương 7, người ta chợt chứng kiến một phát ngôn ‘cần luật Biểu tình’ của Trần Đại Quang bị báo chí thẳng tay bóc gỡ. Lần đầu tiên từ khi trở thành chủ tịch nước, Trần Đại Quang bị đảng ‘khóa miệng’. Sự kiện chẳng biết mô tả ra sao ấy càng làm dĩ vãng ‘Trần Đại Quang tiền trạm cho Nguyễn Phú Trọng’ chỉ còn là thời phô diễn mặn nồng xa xưa, trong lúc có quá nhiều nghi ngờ về chuyện ‘cơm không lành canh không ngọt’ giữa hai nhân vật này.

Trần Đại Quang, cũng bởi thế, khó có thể công du Mỹ trong thời gian tới.

Chỉ còn lại Nguyễn Phú Trọng.

Tham vọng gặp Trump

Vào năm 2015, dù chỉ là ‘đảng trưởng’ nhưng Nguyễn Phú Trọng đã được tổng thống Mỹ khi đó là Barak Obama đặc cách tiếp tại Phòng Bầu Dục và tiếp như một nguyên thủ quốc gia. Sự hiện diện lần đầu tiên ở Washington lần đó của Nguyễn Phú Trọng đã chỉ phải đánh đổi bằng việc chính thể độc đảng và chưa bao giờ yêu mến dân chủ ở Việt Nam chấp nhận định chế công đoàn độc lập mà người Mỹ đòi hỏi - như một điều kiện quan trọng trong Hiệp định TPP và một khi Việt Nam muốn tham gia vào hiệp định này.

Chỉ là sau đó, TPP đã gần như tan vỡ và do vậy những cam kết của chính thể Việt Nam về công đoàn độc lập cũng chẳng còn thấy tăm hơi đâu.

Nhưng giờ đây, sự thể còn dễ dàng hơn cho Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông ta, khi Donald Trump đã có khá đủ thời gian để trở thành một vị tổng thống chẳng mấy quan tâm đến quá nhiều vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và sự cấp thiết phải cải thiện tình trạng này.

Nhưng nỗi khó chịu cũng không vì thế mà giảm đi. Dù bàng quan với nhân quyền, Trump lại là một trong những chính khách thực dụng nhất trong các triều đại tổng thống Hoa Kỳ. Bài toán thương mại song phương ‘công bằng và đối ứng’ mà Trump đang đặt ra đối với Việt Nam xem ra còn khó nhằn hơn nhiều so với những yêu cầu về cả thiện nhân quyền trước đây.

Nhiều khả năng, và trên thực tế tương quan quyền lực nội bộ đảng hiện nay thì cũng chẳng còn khả năng nào khác, chính Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao’ để công du Mỹ, trên cơ sở chuyến đi tiền trạm của Vương Đình Huệ.

Nguyễn Phú Trọng có vẻ đang muốn tái hiện ‘ kỳ tích’ của ông ta ở Mỹ cách đây ba năm, đồng thời ‘phát huy thắng lợi’ từ chuyến công du Pháp của ông ta vào tháng Ba năm 2018.

Nhưng khác hẳn với bối cảnh của chuyến công du Hoa Kỳ năm 2015, vào lần này ông Trọng phải mang trên mình trách nhiệm vô cùng lớn lao: kiếm tiền nuôi đảng.

Sự thật đắng ngắt là trong vài ba năm qua, người Mỹ đã cắt kênh viện trợ ODA và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Khác hẳn thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng với tiền vay quốc tế nhiều như nước và đổ vào túi quan tham cũng chẳng kém gì, thời của cặp đôi Trọng - Phúc đã sinh ra nỗi bĩ cực khi muốn vay cũng chẳng được.

Nhiều khả năng sẽ diễn ra cuộc gặp Trump - Trọng tại Washington mà đã không xảy ra tại Hội nghị APEC Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017. Dự trù cho cái tương lai cận cảnh và khá phiêu lưu ấy, dường như Nguyễn Phú Trọng còn chuẩn bị lá bài ‘không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế’: tiến trình bình thường hóa có tốc độ tên lửa giữa Kim Jong Un - người đồng chí Bắc Triều Tiên của Việt Nam - với Hàn Quốc và với Mỹ có thể đã khiến ông Trọng không muốn đứng ngoài cuộc. Phải có một hành động gì đó, dù chỉ thuần túy ‘làm màu’, để cho thấy ‘Minh quân’ Nguyễn Phú Trọng và chính thể cộng sản của ông vẫn tạo ra được một ảnh hưởng nào đấy - như một cầu nối nhanh chóng hơn cho công cuộc hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và sán lạn trong mắt người Mỹ.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad