Ban Tuyên giáo Trung ương biết không? Chắc chắn biết. Bộ Thông tin và truyền thông biết không? Chắc chắn biết. Bộ Chính trị biết không? Chắc chắn nhiều người biết. Biết, nhưng không “dẹp” và không thể “dẹp” được, vì những tổ chức này lách luật. Đừng nói lách luật là bất hợp pháp. Lách luật là làm không trái luật, làm không trái luật là hợp pháp. Cũng không nên sửa luật để “dẹp” những tổ chức báo chí tư nhân này, vì họ đang giữ thị phần áp đảo trên thị trường báo chí điện tử. Làm như vậy sẽ gây khủng hoảng trầm trọng về truyền thông quốc gia mà hậu quả sẽ rất khó lường. Cần biết, nhà nước chỉ mới đình bản 3 tháng Tuổi Trẻ online, lập tức đã “phong thánh” cho báo Tuổi Trẻ, đương nhiên “phong thánh” cho Tuổi Trẻ cũng không sao, vì Tuổi Trẻ là một trong các cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh Niên cộng sản, sự kiện này chỉ tước một phần uy tín của cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước mang sang bổ sung cho cơ quan báo chí của Đoàn.
Vấn đề là, Đảng và Nhà nước đang thừa nhận trong thực tế sự tồn tại của báo chí tư nhân, có nghĩa là thực tế đó xuất phát từ nhu cầu thiết thân của cuộc sống, sao lại không hợp pháp hóa nó? Cần nhớ rằng ngay từ thời cơ chế tập trung quan liêu bao cấp “toàn tòng” sau năm 1975, Đảng và Nhà nước vẫn cho phép báo chí tư nhân hoạt động, điển hình là tờ Tin Sáng và tờ Đứng Dậy ở TP. HCM. Điều này chứng minh rằng sự tồn tại của báo chí tư nhân hoàn toàn không đi ngược lại định hướng xã hội chủ nghĩa, ngay cả đối với chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa. Những tờ báo này tự tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ”, thực chất là bị “dẹp”, không phải do trái với định hướng mà do một vài vị lãnh đạo cấp cao của đất nước lúc ấy lo ngại không quản lý được. Và tôi biết, ông Võ Văn Kiệt lúc đó đã không tán thành chủ trương “dẹp” những tờ báo này.
Việc thực hiện quy hoạch báo chí tới đây có vẻ đang nhắm vào các tổ chức báo chí của các hội, hiệp hội, là những nơi “đứng tên” cho nhiều tổ chức báo chí tư nhân. Nhưng tôi tin rằng không thể nào “dẹp” được các báo điện tử tư nhân có tiềm lực tài chính lớn và có đông bạn đọc. Họ có đủ thực lực để “chạy” từ cơ quan chủ quản này đến cơ quan chủ quản khác. Vì vậy, việc quy hoạch chẳng qua là chỉ bỏ bớt những cơ quan báo chí tư nhân nhỏ không đủ tiềm lực tài chính, trong đó có không ít các nhà báo chính trực có nghề và các nhà đầu tư tâm huyết. Loại họ ra khỏi cuộc chơi, cũng có nghĩa là sẽ tạo thế độc quyền cho các tổ chức báo chí tư nhân lớn gia tăng thị phần. Những tổ chức báo chí tư nhân này lại do các “đại gia” chi phối, do đó cũng tạo thêm cơ hội cho các “đại gia” thao túng truyền thông. Không có cạnh tranh, báo chí tư nhân rất dễ biến thành công cụ của các nhóm lợi ích. Đó là chưa nói đến những vấn đề rủi ro về nguồn gốc công nghệ từ nước ngoài đang chi phối phần lớn hệ thống báo chí điện tử tư nhân, nhưng không nằm trong phạm vi đề cập của bài này.
Vì những lý do nói trên, việc hợp pháp hóa báo chí tư nhân hoàn toàn không có gì là trái với quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là nước ta đang chuyển sang cơ chế thị trường, hợp pháp hóa nó chẳng qua chỉ là sự công nhận bằng luật pháp một sự thật đang tồn tại mà thôi. Chủ trương không cho ra báo tư nhân là một chủ trương không thực chất. Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập đã tuyên bố tuyên truyền cho sự thật, bởi vậy mà một trong những tờ báo đầu tiên của Đảng là tờ “Sự thật”, nhà xuất bản của Đảng cũng là nhà xuất bản “Sự thật”. Không có lý gì mà Đảng vẫn cứ duy trì một chủ trương không thực chất đối với báo chí tư nhân!
Hoàng Hải Vân
FB Hoàng Hải Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét