Đã quá muộn!
Nếu vào mùa Đông năm ngoái hoặc chậm lắm là mùa Hè năm nay, những kẻ bắt cóc chịu “trả lại nguyên hiện trường” theo yêu cầu của nhà đương cục Đức, tức giao lại một Trịnh Xuân Thanh mà được một bản thông báo như thể từ trong bóng tối của Bộ Công An CSVN cho rằng đã tự nguyện về nước đầu thú (để sau đó phải lãnh đến hai án tù chung thân), thì có lẽ cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt đã tạm lắng và còn tưới thêm nước mát vào những tia lửa sắp bùng cháy của khủng hoảng Slovakia-Việt.
Nhưng giờ đây khi mùa Hè năm 2018 vẫn chưa trôi qua và gần hết Châu Âu đang oằn mình trong một đợt nóng kinh hoàng, chẳng có gì được xem là kết thúc khủng hoảng hay triển vọng ngoại giao-kinh tế của chính thể độc đảng ở Việt Nam với người Đức. Ngược lại, núi lửa khủng hoảng đang nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Đã quá muộn để trả lại Trịnh Xuân Thanh!
Lời thú tội của Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức – tại Tòa Thượng Thẩm Berlin vào ngày 17 Tháng Bảy, 2018, rốt cuộc lần đầu tiên mang tính chứng cứ không thể bác bỏ về không chỉ vai trò của những con tốt Nguyễn Hải Long, Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một quan chức thừa hành bậc trung là Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh (Bộ Công An) Đường Minh Hưng, mà còn là cơ sở quá rõ để lần đầu tiên tòa án Đức tự tin công bố tên họ những “tác giả” có chức vụ cao hơn thế nhiều nằm trong Bộ Chính Trị đảng CSVN móc xích với phi vụ bắt cóc hệt như phim gián điệp thời Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ XX.
Và dĩ nhiên, chứng cứ trên càng thúc đẩy mau hơn và mạnh hơn những quyết định tiếp tới của ngành tư pháp Đức để chế tài Việt Nam, kể cả việc phát thêm lệnh truy nã quốc tế đối với một số gương mặt quan chức cao cấp nào đó thuộc công an Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội trong hơn một năm qua vẫn chưa có bất kỳ một động tác xin lỗi và “cam kết không tái phạm” nào trước người Đức.
Sau Tháng Bảy, 2017, khủng hoảng Đức-Việt đã bùng phát và kéo theo quá nhiều hậu quả. Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào Tháng Mười, 2017, và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Cho dù Nguyễn Hải Long đã bất ngờ kháng án vào cuối Tháng Bảy, 2018, một động tác bị nghi ngờ là đã có những tác động đe dọa theo kiểu biệt kích từ nhà cầm quyền Việt Nam đối với gia đình của Long ở Việt Nam và khiến phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long có thể sẽ phải dài ra đến cuối năm 2018. Nhưng với toàn bộ lời thú tội bổ túc rất chi tiết của Nguyễn Hải Long trước Viện Công Tố, tòa án và luật sư, xem ra xác suất phản cung thành công của Long là quá thấp. Thậm chí mức án 3 năm 10 tháng tù giam mang tính khoan hồng mà Nguyễn Hải Long đã được tòa án Đức tuyên sơ thẩm, thay vì đến bảy năm rưỡi nếu “ngoan cố,” sẽ không còn giữ được trong phiên tòa phúc thẩm.
Cứ “trả lại” Trịnh Xuân Thanh là xong?
Vào Tháng Sáu, 2018, khi Nguyễn Hải Long còn chưa chịu nhận tội, phía Việt Nam có vẻ tưởng chừng Tòa Thượng Thẩm Berlin sẽ bị bế tắc trong vụ xử Long và sẽ không thể có kết quả đáng kể nào để tác động vào khối hành pháp Đức nhằm chế tài thêm đối với Việt Nam.
Cũng vào Tháng Sáu đó, giới chóp bu Việt Nam bất ngờ trục xuất luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài sang Đức như một chiến thuật “đổi nhân quyền lấy thương mại” – một cử chỉ lấy lòng, bởi vì Đức đang đóng vai trò quyết định trong việc tác động đến nghị viện Châu Âu xem xét có ký kết và sau đó thông qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) hay không. Đồng thời, phía Việt Nam phát tín hiệu “sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức”…
Quan chức Việt Nam luôn nổi tiếng là những “chuyên gia đi đêm,” đặc biệt là những phi vụ làm ăn kinh tế và trả treo “đổi nhân quyền lấy thương mại.” Sau Tháng Bảy, 2017, chiến dịch “đi đêm” – như một phương thức đàm phán ngầm về vụ Trịnh Xuân Thanh, bao gồm cả thỏa thuận không công khai cho báo chí và dư luận biết về những nội dung đã thỏa thuận, đã được giới chóp bu Việt Nam chỉ đạo cho Bộ Ngoại Giao của chính thể quá thiếu tính chính danh này tiến hành với người Đức, mà sau đó vài nội dung trong đó đã được báo chí Đức tiết lộ.
Nhưng cứ lén lút trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức thì mọi thứ sẽ trở về như cũ?
Thật quá khó để hình dung theo cách trên.
Bởi lúc này đây đang khác hẳn với thời điểm cuối năm 2017. Sau khi Nguyễn Hải Long đã “khai sạch” và chắc chắn đã làm sáng tỏ nhiều hành vi của một số quan chức công an cao cấp của Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hy vọng “kết thúc khủng hoảng Việt-Đức” trong năm 2018 và ký kết EVFTA vào cuối năm 2018 lại một lần nữa mờ mịt.
Về thực chất, “thắng lợi vĩ đại” nhất từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự “kiến tạo” một bước ngoặt lớn trong trang sử quan hệ ngoại giao Đức-Việt và EU-Việt, làm thay đổi hẳn nhận thức của giới quan chức Đức và Liên Minh Châu Âu đối với phương châm “Việt Nam luôn làm bạn với tất cả các nước.”
Khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và ít ngày sau đó, có lẽ Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao CSVN đã tính toán không ít kế hoạch để đối phó với Đức và với dư luận. Nhưng dù mắt trước mắt sau đến thế nào, họ vẫn quên hoặc không thể nhận thức được – như một trí não bình thường – về một nhân tố căn cơ và mang tính quyết định: Đức là một nhà nước pháp quyền, lấy pháp quyền làm giá trị hàng đầu để điều hành xã hội và đối ngoại.
Tam quyền phân lập là một trong những giá trị pháp quyền ấy. Với tư cách là một thành phần độc lập trong thể chế chính trị tam quyền phân lập, tòa án Đức tách rời một cách tương đối với những quyết định của chính phủ và Bộ Ngoại Giao Đức.
Giờ đây, giới chóp bu Việt Nam chỉ quen tuyên rao “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đang phải đối mặt với Tòa Thượng Thẩm Berlin chứ không chỉ còn là Bộ Ngoại Giao Đức.
Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam trả lại cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn.
Khủng hoảng cấp nhà nước Slovakia-Việt và lan ra toàn EU
Trong ít ra vài ba tháng nữa, tương lai “phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt” vẫn còn khá ảo ảnh – tỷ lệ thuận với thói “mặt dày” không còn giới hạn nào của Hà Nội. Trong khi đó, dường như phía Đức vẫn lưu giữ kịch bản “cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam” trong tình huống vụ Trịnh Xuân Thanh không thể cứu vãn được.
Trong thực tế và chắc chắn nằm ngoài sức tưởng tượng của những chóp bu “giàu trí tưởng bở” nhất của Việt Nam, ý đồ “chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” của “đảng và nhà nước ta” đã và đang phải trả giá quá đắt và chưa biết chừng nào mới trả giá xong.
Không có quan hệ đối tác chiến lược với Đức, hoặc mối quan hệ này bị tạm treo vô thời hạn, Việt Nam sẽ khó có hy vọng để tham gia EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) vào năm 2018 hay trước năm 2020 mà do đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này thêm vài phần trăm. Hiện thời, Đức đang được xem có vai trò quyết định đối với việc Nghị Viện Châu Âu có thông qua EVFTA với Việt Nam hay không.
Hậu quả từ cơn khủng hoảng Đức-Việt chưa thể kết thúc lại có thể là tiền đề mà có thể dẫn đến những bất ngờ khác và khó tưởng tượng trong tương lai, không chỉ là tương lai quan hệ giữa Đức và Việt Nam mà còn là quan hệ Việt Nam-Châu Âu.
Hậu quả xảy ra với Việt Nam sẽ từ từ, dai dẳng và không kém phần đau đớn. Nhiều người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô hình trung trở thành nạn nhân của hệ lụy trừng phạt từ phương Tây, nhưng lại chẳng dám thốt ra tên của thủ phạm đã gây ra những hậu quả ghê gớm này.
Không chỉ Đức, từ Tháng Bảy đến nay, mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa các quốc gia như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Thụy Điển, kể cả một số nước khác ở Châu Âu với Việt Nam đã lạnh lẽo hẳn đi.
Một khả năng có thể xảy đến là trong thời gian tới, những quốc gia như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Anh sẽ có một số biểu cảm và hành động gần tương tự phản ứng của người Đức đối với Việt Nam qua vụ Trịnh Xuân Thanh.
Những biểu cảm và hành động này sẽ liên đới mật thiết với viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, cũng khiến đầu tư nước ngoài của Châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập cảng hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch Châu Âu – khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về “nhà nước bắt cóc” – sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập.
Nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu sẽ có thể đặt Việt Nam vào một tầm ngắm mới và khởi tạo một hàng rào kiên cố nhằm ngăn chặn mật vụ Việt Nam hành xử theo “luật rừng” ở Lục Địa Già.
Tháng Bảy, chỉ ba ngày sau vụ Nguyễn Hải Long nhận tội, chính phủ Cộng Hòa Czech đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin visa dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam. Trước đó một tháng, cựu Ngoại Trưởng Czech Lubomir Zaoralek đã cáo buộc “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu” của nước ông.
Điều trớ trêu là Czech lại là quốc gia được chính thể Cộng Sản ở Việt Nam xem là “nền kinh tế thân thiện nhất.”
Trong khi cơn địa chấn khủng hoảng Đức-Việt còn lâu mới chấm dứt, chính thể Việt Nam lại phải đối mặt với một trận động đất với cường độ còn mạnh hơn thế nhiều.
Nếu loại bài điều tra của báo chí Đức (tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung) và báo Dennik N của Slovakia ngày 3 Tháng Tám về “Robert Kaliňák đã giúp Bộ Trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia” là có cơ sở mà cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kaliňák không thể phản bác được, khủng hoảng Slovakia-Việt đang chính thức bắt đầu và còn vượt trên khủng hoảng Đức-Việt một bậc.
Trong khủng hoảng Đức-Việt, các cơ quan tư pháp Đức chỉ làm rõ chứng cứ vụ bắt cóc đến Nguyễn Hải Long và một quan chức công an bậc trung là Đường Minh Hưng trong bối cảnh chuyến đi Đức của Tướng Hưng là lén lút chứ không công khai và càng không chính thức, thì chuyến đi của Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đến Slovakia ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, cùng cuộc gặp chính thức của Tô Lâm với bộ trưởng nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák đã xác nhận rằng Tô Lâm là một đại diện chính thức của chính phủ Việt Nam, là tiền đề kéo theo mức độ xung đột ngoại giao giữa Slovakia và Việt Nam là xung đột cấp nhà nước.
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét