Từ giữa tháng 7 đến nay, ông Nhạ tiếp tục là một trong vài nhân vật “nổi” nhất trên mạng xã hội Việt ngữ. Tiếc rằng đó không phải là “nổi bật”, nhiều người dựa vào thực tế lưun ý, yếu tố “nổi” liên quan tới ông Nhạ là “nổi… lều bều”!
***
Theo báo giới Việt Nam, tại cuộc họp diễn ra hôm 30 tháng 7, giữa ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Việt Nam với các chuyên gia, viên chức ngành giáo dục về những vấn nạn liên quan tới cách thức tổ chức các Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia, làm sao ngăn chặn gian lận thi cử,… ông Nhạ đã chính thức thừa nhận: Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 có nhiều thiếu sót, đề thi chưa phù hợp, phần mềm chấm thi trắc nghiệm bộc lộ nhiều điểm yếu, tuy có giám sát song quy trình chấm thi chưa ổn… và xin nhận trách nhiệm.
Giống như nhiều facebooker khác, sự kiện ông Nhạ “xin nhận trách nhiệm” không làm facebooker điều hành trang facebook Hà Tĩnh 24h vui mà chỉ khiến facebooker này thở dài thêm một lần nữa: Cuối cùng người đứng đầu ngành Giáo dục cũng đã lên tiếng! Nguyệt Liễu Trần Hoàng xem chuyện ông Nhạ “xin nhận trách nhiệm” giống như một lời xin lỗi và vì vậy, giống như nhiều facebooker khác, Nguyệt Liễu Trần Hoàng thắc mắc: Xin lỗi nhưng sẽ sửa thế nào. Xin lỗi mà không sửa cũng như không!..
Liệu những người Việt sử dụng mạng xã hội có khe khắt quá không? Dường như là không!
Hồi hạ tuần tháng 6, chẳng riêng học sinh, phụ huynh mà nhiều người, thuộc nhiều giới đã chỉ trích đề thi nhiều môn trong Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 phản sư phạm, phi giáo dục vừa vì quá khó, vừa vì đầy thiếu sót không thể chấp nhận được. Thay vì xem xét những ý kiến này một cách cẩn thận và trả lời thật khách quan, thỏa đáng thì thượng tuần tháng 7, ông Nhạ đưa ra những tuyên bố giống như tát vào mặt mọi người, rằng năm nay, đề thi đã… “khắc phục được những hạn chế của đề thi năm ngoái, đặc biệt là tăng tính phân hóa (giữa các loại học sinh: giỏi, khá, trung bình, yếu)”. Còn kỳ thi thì… “đạt được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng”. Chỉ đến khi công chúng phát giác có dấu hiệu gian lận thi cử ở Hà Giang, Bộ Giáo dục – Đào tạo phải tổ chức thanh tra, sửa – nâng điểm thi cho hàng trăm thí sinh dự Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia 2018 bùng lên thành scandal, chỉ đạo: Không để việc lợi dụng sai phạm gây tâm lý hoang mang trong học sinh, giáo viên và phụ huynh” vẫn chẳng thể đậy điệm đủ loại bê bối càng lúc càng có vẻ rộng hơn, tính chất – mức độ càng ngày càng có vẻ nghiêm trọng hơn, ông Nhạ mới thẽ thọt phủ nhận… chính mình (đề thi chưa phù hợp, từ giám sát đến chấm đều không ổn).
Sự bất nhất của ông Nhạ là lý do facebooker Phuc Dinh Kim nhận định nửa đùa, nửa thật: Làm Bộ trưởng Giáo dục phải biết nói ngược, nói xuôi, miễn sao bảo toàn được ghế. Với mạch nghĩ tương tự, Tiến Nguyễn Vũ than: Ngày xưa, đánh - chiếm trụ sở của Quân lực Việt Nam Công hòa, tôi rất ấn tượng với khẩu hiệu: Tổ Quốc – Danh dự - Trách nhiệm… Phải chi trên bàn làm việc của ông Phùng Xuân Nhạ có một trong ba khái niệm đó! Tuy nhiên theo Giai Trinh: Chẳng ai làm Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo được đâu. Bộ trưởng nào cũng phải dùng nghị quyết của đảng “gối đầu” nên luôn ráng giữ thân, giữ cho toàn vẹn chữ “nguyên” để khi về hưu còn được ít “cơm thừa, canh cặn” chứ!
Phân tích sâu hơn, facebooker Nguyễn Tiến Tường cho rằng, trước khi ông Nhạ trở thành Bộ trưởng, ngành giáo dục Việt Nam vốn đã có rất nhiều sai sót. Sở dĩ ngành này có thêm nhiều sai sót dưới thời ông Nhạ vì ông “thiếu cả năng lực, tâm lực lẫn uy lực”. Cho đến giờ, ông Nhạ chỉ nỗ lực bảo vệ chính mình, cố xua trách nhiệm ra xa mình. Đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhạ đang là tấm gương ích kỷ, tư lợi, thủ đoạn. Bởi cố mang một cái áo quá rộng nên ông liên tục vấp ngã, ngành giáo dục vấp ngã, sẽ có những thế hệ mục ruỗng, tổn thương cả xã hội. Nguyễn Tiến Tường khuyên ông Nhạ nên dừng lại vì mình và mọi người. Đó là tâm thế của người làm giáo dục, người có nhân cách. Tường nhấn mạnh, không hề ác cảm với ông Nhạ nhưng thật sự lo lắng cho những đứa trẻ phải trải qua môi trường giáo dục dưới tay ông Nhạ, trong đó có con của Tường. Bởi càng ráng trì níu, tương lai càng hỗn loạn, tăm tối nên tốt nhất theo Tường: Ông Nhạ nên từ chức. Đó là yêu nước!
Lê Thiếu Nhơn cũng tin rằng ông Nhạ nên từ chức. Blogger này lưu ý: Người làm giáo dục cần có phẩm chất đặc biệt vì họ gánh vác sứ mệnh đặc biệt. Thành quả giáo dục không phải tính bằng điểm số hiện tại mà gửi gắm kỳ vọng cho tương lai. Bài giảng hôm nay có thể không còn phù hợp ở ngày mai nhưng cốt cách người làm giáo dục vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Bằng cấp bây giờ có thể ngày mai không đắc dụng nữa nhưng hình ảnh người làm giáo dục vẫn vững bền, tỏa sáng. Danh vọng và quyền lợi của người làm giáo dục không quan trọng bằng phẩm chất của người làm giáo dục: Biết xấu hổ và biết tự trọng! Vào lúc này, tại Việt Nam, ngành giáo dục không còn là ốc đảo bình yên của cộng đồng vì chính những người làm giáo dục tạo ra sóng gió thành tích ảo bằng các thủ đoạn phản giáo dục. Qui chế thi cử và kỹ thuật chấm bài có thể mô phỏng các quốc gia khác nhưng con người giáo dục phải dựa vào chính nội lực hun đúc của mỗi xứ sở. Né tránh sự thật, vuốt ve thị phi, không phải cách kiến thiết một nền giáo dục tiến bộ và văn minh! Cho nên theo Nhơn, với ông Nhạ, chỉ có một cách giữ gìn liêm sỉ là… từ chức!
Giữ gìn liêm sỉ bằng cách từ chức có thể là chuyện rất bình thường ở nhiều xứ nhưng tại Việt Nam thì không dễ. Hien Ha Ngoc – một thân hữu của Nguyễn Tiến Tường – cho rằng khả năng ông Nhạ sẽ từ chức như mong muốn của Tường và nhiều người Việt khác sẽ không thể xảy ra bởi, chức là thứ mua bằng tiền. Phải cố dùng chức để thu hồi vốn, chẳng lẽ chết đói vì quốc gia, dân tộc(?). Đó cũng là lý do cấp trên luôn luôn thông cảm, nhẹ tay với cấp dưới.
Cho dù có rất nhiều người bày tỏ suy nghĩ như Hien Ha Ngoc nhưng chưa rõ cách giải thích ấy chính xác tới đâu. Chỉ có một điểm rất rõ là tường thuật về cuộc tọa đàm hồi đầu tuần này giữa ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng với các chuyên gia, viên chức ngành giáo dục về những vấn nạn nghiêm trọng tiếp tục bôi bẩn bộ mặt vốn đã nhem nhuốc của ngành giáo dục – cho thấy có nhiều điểm đúng là… hết sức kỳ cục. Chẳng hạn một ông Tiến sĩ tên là Lê Thống Nhất ca ngợi ông Đạm “không ngồi ở vị trí… long trọng như các phiên họp thường kỳ” mà ngồi chung với mọi người quanh bàn tròn. Sau khi ca ngợi ông Đam, ông Nhất chuyển sang ca ngợi ông Nhạ “cầu thị”, người đứng đầu ngành giáo dục “không chỉ trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức mà trong thời gian nghỉ trưa cũng tranh thủ trao đổi với một số nhóm và cá nhân”. Cuộc họp vì những vấn nạn liên quan tới Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Quốc gia đã không xác định được bất kỳ giải pháp đáng tin cậy nào. Phó Thử tướng, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, các chuyên gia, viên chức ngành giáo dục chỉ đề ra những cách thức mà ai cũng ngơ ngác, ngậm ngùi như: Thí sinh phải dùng bút mực tô lại những câu mình chọn để chống tẩy xóa. Tăng thêm thời gian dành cho việc quét (scan) bài. Phải rọc phách. Phải tổ chức chấm tập trung theo cụm, không để các tỉnh tự làm và quan trọng nhất vẫn là… con người!
Không dằn được lòng, facebooker Chanh Tam bỡn cợt: Quá nhiều phát hiện vĩ đại. Phát hiện Phó Thủ tướng ngồi ở bàn tròn có tính thách thức với các giáo khoa kinh điển về hình học. Những phương thức chống gian lận thi cử như dùng bút mực, thi trắc nghiệm có phách, chính yếu vẫn là con người… là những phát hiện cỡ “tiến sĩ ní nuận, ní nẽ rất niền nạc”.
Trân Văn
Thiên Hạ Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét