Khi trộm cắp cũng bận tâm về chủ quyền thì đừng đùa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Khi trộm cắp cũng bận tâm về chủ quyền thì đừng đùa


Diên Hy Công Lược trên iQiyi. (Screenshot of iQiyi.com)

Tin rất ngắn mà James Pearson viết cho Reuters và được hãng này chọn đăng hôm 24 tháng 8 hẳn đã làm hàng triệu người bật cười.

Theo đó, Bom Tấn (website chuyên giới thiệu phim mới để thỏa mãn nhu cầu của giới ghiền phim người Việt) đã buộc những người muốn xem “Diên Hy Công Lược” (bộ phim truyền hình 70 tập kể về hành trình Ngụy Anh Lạc – một tỳ nữ của Phú Sát Hoàng Hậu - vươn lên nắm lấy quyền bính trong Cấm Cung thời Càn Long) phải trả lời ba câu hỏi gọi là “xác minh quốc gia” (Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước nào? Thủ đô Việt Nam là..? Quốc ca Việt Nam là..?).

Chuyện sẽ chẳng thành tin nếu như Bom Tấn không giới thiệu trước iQiyi (hệ thống trực tuyến độc quyền khai thác “Diên Hy Công Lược” tại Trung Quốc) hàng chục tập của bộ phim truyền hình này. Bởi sốt ruột muốn xem “Diên Hy Công Lược” trước khi các tập tuần tự được phát chính thức trên iQiyi, giới ghiền phim Trung Quốc tìm – vào - thậm chí chỉ nhau vào Bom Tấn và để có thể thỏa mãn nhu cầu của mình, tất cả cùng phải thừa nhận “Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Số công dân Trng Quốc tham gia công nhận “Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” hẳn là đông nên Bom Tấn trở thành nguồn gốc khiến Weibo – mạng xã hội của Trung Quốc – nổi sóng (1)...

Xét về bản chất, hành vi “sưu tầm và giới thiệu” bộ phim truyền hình “Diên Hy Công Lược” của Bom Tấn là một kiểu chôm chỉa, vi phạm các qui định nghiêm ngặt về tác quyền của quốc gia và quốc tế. Còn nếu xét về khía cạnh chính trị, hiệu quả từ việc Bom Tấn buộc khán giả phải trả lời ba câu hỏi “xác minh quốc gia” dường như vượt xa, hơn hẳn các tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhận thức – yêu cầu mà Bom Tấn đặt định để được… xem trộm “Diên Hy Công Lược” không chỉ khuấy động dư luận Trung Quốc mà còn gây ấn tượng rất mạnh đối với báo giới quốc tế và thiên hạ - ắt là người ta không chỉ cười mà còn nhớ lâu về chuyện Hoàng Sa, Trường Sa chẳng phải của Trung Quốc như Trung Quốc vẫn tuyên bố!

***

Tuần vừa qua, ngoài Bom Tấn với ba câu hỏi “xác minh quốc gia”, còn một sự kiện khác cũng liên quan tới chủ quyền lãnh thổ: Mạng xã hội sôi sùng sục khi có người phát giác, trên những trái cầu có bản đồ thế giới đang được bày bán tại Ukraina, lãnh thổ Việt Nam mất hẳn khu vực Đông Bắc (2). Tuy không làm ra nhưng vì kinh doanh sản phẩm này nên Globus Plus – doanh nghiệp chuyên kinh doanh học cụ ở Ukraina đã xin lỗi người Việt và ngưng bán chúng (3). Khoan bàn đến những nghi ngại về dã tâm của Trung Quốc cũng như những liên tưởng về hậu quả của nỗ lực thành lập ba đặc khu và dự tính luật hóa nỗ lực này,… câu chuyện lãnh thổ Việt Nam vốn hình chữ S, bị họa thành chữ J – cho thấy, lãnh thổ - lãnh hải - chủ quyền quốc gia đã trở thành yếu tố hết sức nhạy cảm đối với mọi người Việt, bất kể họ ở đâu, thuộc giới nào, già hay trẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên chủ quyền quốc gia khiến người Việt “bừng bừng phẫn nộ”. Năm 2010, sự phẫn nộ ấy của hàng triệu người Việt, bất kể quốc tịch, nơi cư trú, từng khiến Google phải điều chỉnh lại biên giới Việt – Trung cho đúng thực tế (trước đó, biên giới Việt – Trung trên bản đồ thế giới do Google thực hiện khiến lãnh thổ Việt Nam mất hàng ngàn cây số vuông) (4). Rồi tháng 7 năm nay, cũng sự phẫn nộ ấy buộc Facebook phải đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc (5). Sự phẫn nộ ấy còn là nguồn gốc các đợt biểu tình - bạo động hồi tháng 5 năm 2014 (thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò, khai thác dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa), tháng 6 năm 2018 (thời điểm Quốc hội Việt Nam toan thông qua Dự Luật về các Đặc khu bởi đó là “chủ trương lớn” của Bộ Chính trị Đảng CSVN).

Lúc nào, theo sau các phản ứng, đôi lúc là cuồng nộ của người Việt về những tác động có thể gây nguy hại cho chủ quyền quốc gia cũng là những chỉ trích hoặc chính thức trên hệ thống truyền thông quốc gia, hoặc phi chính thức trên mạng xã hội, rằng các phản ứng ấy bắt nguồn từ “nhẹ dạ, cả tin”, bị “các thế lực thù địch, phản động kích động, giựt dây”. Thế nhưng dẫu muốn hay không, hệ thống công quyền Việt Nam cũng buộc phải hành động như đã từng phản đối Google, Facebook, tạm ngưng biểu quyết Dự Luật về Đặc khu…

Có một điểm đáng ngạc nhiên là thay vì minh bạch hóa những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia để hóa giải sự nghi ngại càng lúc càng tăng, kể cả trong đồng chí, đồng đội đối với các thỏa thuận mà mình từng ký kết với Trung Quốc (6), hệ thống công quyền Việt Nam chỉ trấn an suông, kèm cáo buộc đối tượng phản kháng chỉ toàn là con nghiện và những kẻ hám tiền. Đã có rất nhiều ví dụ cho thấy, dù cam chịu tới mức khó hiểu nhưng với đa số người Việt, kể cả những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời”, chủ quyền quốc gia không phải chuyện đùa. Lập lờ, lẽo lự không phải là cách có thể giữ được sự “ổn định chính trị”.


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad