Khủng hoảng ngoại giao của Việt Nam với châu Âu lớn hay nhỏ? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Khủng hoảng ngoại giao của Việt Nam với châu Âu lớn hay nhỏ?


Phiên tòa xử mật vụ tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. 4/2018.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Một năm sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, một hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam lần thứ 30 được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị này không thấy đề cập đến những đổ vỡ ngọai giao giữa Việt Nam với Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, rồi có thể là tới đây với nước Pháp nữa, do các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại các quốc gia này được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc.

Nhận định về bài diễn văn dài hơn 6 trang giấy của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngành ngoại giao lần thứ 30, Giáo sư Mạc Văn Trang từ Hà Nội nói với Đài Á châu tự do:

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam xưa nay là thế, mà không phải chỉ Việt Nam mà cộng sản nói chung là thế, họ tuyên truyền một chiều, nói lấy được, nói lấy phải một mình, rồi khoe thành tích, thậm chí những thành tích không xứng đáng cũng khoe. Bao giờ cũng che đậy những khuyết điểm, những cái xấu của mình đi, mà nếu có đưa ra thì cũng là do nguyên nhân khách quan, do kẻ địch xúi giục, do âm mưu thù địch…”

Bài diễn văn ông Tổng Bí thư đặt ra câu hỏi rằng trong quan hệ với các nước lớn, có điểm “nghẽn” nào cần tháo gỡ, hoặc khâu “đột phá” nào cần mở ra, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến sự căng thẳng với các quốc gia châu Âu sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mà nhà báo Lê Trung Khoa, người theo dõi câu chuyện ngay từ đầu, từ Berlin, nước Đức cho là một cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt Nam từ trước đến nay.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là ông Đoàn Xuân Hưng rất bất ngờ, và các cán bộ của họ trong này bắt buộc phải làm theo cái điều đó khi nó xảy ra rồi...

- Nhà báo Lê Trung Khoa
Tuy nhiên Giáo sư Vũ Tường, thuộc Bộ môn chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ lại không lượng định vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở tầm mức lớn như vậy:

“Tôi không nghĩ là một khủng hoảng lớn nhất, nó chỉ là một cuộc khủng hoảng thôi. Chuyện vừa rồi cho thấy họ vẫn quen cách làm cũ như thời chiến tranh lạnh. Do đó họ gặp khủng hoảng. Thiệt hại đối với họ thì tôi nghĩ là họ nghĩ rằng không lớn, so với cái mà họ được.”

Theo ông Vũ Tường, khi nhà nước Việt Nam quyết định bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, họ nghĩ rằng họ có thể cứu chữa được những thiệt hại mà vụ bắt cóc này có thể sẽ gây ra. Ngoài ra ông cũng đồng ý rằng mục tiêu lớn của vụ bắt cóc là chuyện chính trị nội bộ, chuyện chống tham nhũng của đảng cầm quyền, có tầm mức lớn hơn, theo quan điểm của họ, những thiệt hại mà họ có thể gánh chịu.

Một vấn đề khác được đặt ra là liệu Bộ ngoại giao Việt Nam nói chung, và các Đại sứ quán Việt Nam tại châu Âu nói riêng có biết hay không? Có tham gia vào quyết định trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hay không?

Giáo sư Vũ Tường nói tiếp:

“Tôi nghĩ là Bộ Ngoại giao chỉ có trách nhiệm thừa hành thôi. Những quyết định quan trọng là do Bộ chính trị quyết định. Bộ Ngoại giao cũng có tiếng nói vì ông Bộ trưởng là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng chỉ là tiếng nói thôi, mà lại khá yếu. Tôi nghĩ vừa rồi không phải là một quyết định do Bộ Ngoại giao chủ xướng.”

Bộ trưởng Ngoại giao hiện nay của Việt Nam là ông Phạm Bình Minh. Ông Minh bắt đầu đảm nhận chức vụ Bộ trưởng từ năm 2011, nhưng chỉ mới được vào Bộ Chính trị, bộ máy quyền lực lớn nhất nước từ đầu năm 2016, sau Đại hội lần thứ 12 của đảng cầm quyền.

Bị cáo Nguyễn Hải Long, một công dân Việt Nam sống tại Cộng hòa Séc tại phiên tòa. 4/2018. AFP
Trong những lần trao đổi trước đây với RFA, Giáo sư Tường cũng nói rằng các nhân vật phụ trách đối ngoại trong Đảng Cộng sản mới có quyền quyết định về chính sách đối ngoại, hơn là ông Bộ trường Ngoại giao.

Theo ông Đặng Xương Hùng, một cựu nhân viên ngoại giao Việt Nam hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ thì các nhân viên an ninh trong các đại sứ quán Việt Nam nhận nhiệm vụ từ cơ quan an ninh, mà ông đại sứ có khi cũng không biết được hoạt động của họ.

Liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh và trách nhiệm của tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin trong vụ này, nhà báo Lê Trung Khoa nói với chúng tôi:

“Theo nguồn tin mà tôi nhận được thì ngay trong Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, thì ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là ông Đoàn Xuân Hưng rất bất ngờ, và các cán bộ của họ trong này bắt buộc phải làm theo cái điều đó khi nó xảy ra rồi, tức là họ không được báo trước, hoặc là họ bắt buộc phải làm bởi vì họ là nhân viên nhà nước.”

Từ từ thì họ cũng có thể xoa dịu, mua chuộc được bên phía Âu châu bỏ qua cho họ, bằng một thủ đoạn nào đó, thỏa thuận ưu đãi nào đó.

- Giáo sư Vũ Tường
Đã có những cố gắng mà một số nhà quan sát cho rằng phía Việt Nam đã thực hiện trong vòng một năm qua để hàn gắn mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức, cũng như với các quốc gia châu Âu. Đó là VN liên tục thực hiện những chuyến thăm cấp cao tới các nước thành viên của EU để thúc đẩy EU thông qua hiệp định thương mại tự do: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Bỉ, Slovakia, Thụy sĩ vào tháng 9/2017, ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm nước Đức vào tháng 7/2017. Gần đây nhất là vào cuối tháng 3/2018, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Pháp.

Theo thông tin từ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Singapore, vào đầu tháng 9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại sẽ sang thăm ba quốc gia châu Âu, có thể là để xoa dịu sự bực bội của các nước này sau vụ Trịnh Xuân Thanh. Hiện tên của ba quốc gia này chưa được tiết lộ, nhưng ông Hà Hoàng Hợp cho biết là không có nước Đức.

Đánh giá về khả năng Việt Nam có đạt được hiệp định thương mại tự do với châu Âu trong thời gian tới đây hay không, Giáo sư Vũ Tường nhận định:

“Tôi nghĩ là cuối cùng có thể họ cũng đạt được cái đó thôi, vì chuyện này (Trịnh Xuân Thanh) không lớn bằng Hiệp định với Âu châu. Từ từ thì họ cũng có thể xoa dịu, mua chuộc được bên phía Âu châu bỏ qua cho họ, bằng một thủ đoạn nào đó, thỏa thuận ưu đãi nào đó, thậm chí có thể trả tự do sớm cho Trịnh Xuân Thanh rồi cho ông ta đi Đức.”

Một nhượng bộ lớn mà các nhà quan sát cho rằng Việt Nam đã thực hiện đối với nước Đức là cho phép Luật sư Nguyễn Văn Đài, người sáng lập Hội Anh em dân chủ, và người cộng sự là cô Lê Thu Hà được sang tị nạn chính trị tại Đức gần đây, sau một thời gian bị bỏ tù vì cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.


Kính Hòa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad