I/- NHẤT NGUYÊN CỘNG SẢN VÀ NHẤT NGUYÊN CHỐNG CỘNG LÀ GÌ?
1.- Nhất nguyên cộng sản: là con đường những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản, tập hợp dưới bảng hiệu đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Việt Cộng), đã và đang theo đuổi để thiết lập chế độ độc tài tòan trị duới sự thống trị độc tôn và độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện chủ nghĩa nhất nguyên cộng sản tại Việt Nam. Những người theo chủ nghĩa nhất nguyên này coi con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa (giai đoạn đầu) tiến đến xã hội cộng sản chủ nghĩa(cùng đích) là duy nhất đúng. Từ đó, họ không chấp nhận bất cứ cái nguyên nào khác; và vì vậy họ đã bằng mọi cách tiêu diệt bất cứ ai chủ trương và có hành động thực hiện chủ nghĩa dân chủ đa nguyên đa đảng tại Việt Nam.
2.- Nhất nguyên chống cộng sản: là con đường những người Việt theo ý thức hệ quốc gia (gọi tắt là Việt Quốc) đã và đang theo đuổi để chống lại con đường nhất nguyên cộng sản chủ nghĩa, nhằm lật đổ chế độ độc tài toàn trị, để thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam (cùng đích). Nhưng để đạt được cùng đích này,một số người Việt quốc lại coi chủ trương, đường lối chống cộng của mình là duy nhất đúng, không chấp nhận chống cộng đa nguyên, nên bằng mọi cách loại trừ bất cứ chủ trương đường lối chống cộng nào khác mình.
Cả hai con đường nhất nguyên cộng sản và nhất nguyên chống cộng sản, tuy mục tiêu khác nhau, đối kháng nhau, nhưng đều có chung một đặc tính chủ quan, cực đoan, coi con đường, phương thức thực hiện để đi đến mục tiêu tối hậu của mình là duy nhất đúng, không chấp nhận và quyết liệt loại trừ bất cứ cái nguyên nào khác cái nguyên của mình. Cả hai cái nhất nguyên đối kháng này đều dẫn đến hệ quả làm chậm tiến trình dân chủ hóaViệt Nam. Vì sao?
II/- VÌ SAO CẢ HAI NHẤT NGUYÊN “ĐỐI KHÁNG” NÀY LẠI LÀM CHẬM TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM?
Vì cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng kéo dài quá lâu chưa phân thắng bại do các mục tiêu tối hậu của Việt cộng (xây dựng chủ nghĩa xã hội) cũng như Việt quốc (dân chủ hóa đất nước) chưa bên nào thành đạt.Trong khi tình hình thế giới chuyển biến rất nhanh đã ảnh hưởng đến tình hình quốc nội Việt Nam, tạo chuyển biến nội bộ cả hai phe Quốc-Cộng. Hệ quả là, nội bộ Việt Cộng đã phân hóa thành hai con đường nhất nguyên cộng sản và đa nguyên dân chủ xã hội. Trong khi từ nội bộ Việt Quốc thì cũng phân hóa thành hai con đường nhất nguyên chống cộng và đa nguyên chống cộng.
1.- Vì sao nhất nguyên cộng sản làm chậm tiến tình dân chủ hóa Việt Nam?
Vì chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam là Việt Nam phải có tự do dân chủ; chế độ độc tài toàn trị độc đảng nhất nguyên cộng sản sớm muộn phải bị tiêu vong để hình thành chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng tại Viêt Nam. Chiều hướng phát triển này không thể đảo ngược, vì phù hợp với xu thế thời đại toàn cầu hóa về kinh tế (thị trường tự do hóa) và chính trị (dân chủ hóa chế độ độc tài các kiểu)trên phạm vi toàn cầu. Vì thế những người cộng sản Việt Nam nào còn theo đuổi con đường nhất nguyên cộng sản chủ nghĩa là đi ngược với chiều hướng phát triển và xu thế này, tạo sức cản làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Thật vậy, sau khi Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tiêu vong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nội bộ đảng CSVN đã chuyển biến theo chiều hướng số lượng đảng viên cộng sản mất đức tin vào chủ nghĩa cộng sản ngày một gia tăng, cho đến bây giờ thì hầu như đã mất đức tin toàn đảng. Trên thực tế chỉ còn một thiểu số đảng viên CS nắm quyền, bề ngoài vẫn phải tiếp tục tuyên xưng “đức tin cộng sản” (như một tôn giáo vô thần) làm vỏ bọc cho tham vọng nắm quyền thống trị độc tôn, độc tài kéo dài thêm thời gian, dù thâm tâm họ đều biết sự tiêu vong đã là một tất yếu.
Thế nhưng, dù mất đức tin toàn đảng, biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã ở “Giờ thứ 25”, không thể và vĩnh viễn không bao giờ có thể thực hiện được tại Việt Nam, cũng như trên tòan thế giới; song để duy trì và bảo vệ ưu quyền đặc lợi của một tập đoàn thống trị độc quyền, nên bề ngoài một bộ phận thiểu số trong Cộng đảng Việt Nam đang nắm quyền vẫn cố giữ cái vỏ “Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” như một chiêu bài lừa mị; vẫn bảo nhau bày tỏ quyết tâm “xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam” bằng con đường “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” (lừa bịp), dù thâm tâm đều biết là thực tế “kinh tế thị trường (tất yếu phải) định hướng tư bản chủ nghĩa” (là thực).
Mặc dầu một bộ phận Cộng đảng Việt Nam vẫn cố giữ cái vỏ nhất nguyên “Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” chỉ là thiều số, nhưng nhờ ưu thế nắm quyền, lại được chống lưng của Cộng đảng Trung quốc, nên đã và đang tiếp tục thẳng tay trấn áp nhân dân và thanh trừng những đảng viên cộng sản nào “phản tỉnh”, hay “mất đức tin cộng sản” dù chiếm đa số. Những đảng viên cộng sản này dù tại chức hay đã về hưu, ai mà dám công khai bày tỏ quan điểm hay có hành động tham gia cùng quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại con đường nhất nguyên độc tài cộng sản, lập tức bị trấn áp bằng khai trừ, tước đoạt mọi ưu quyền đặc lợi của một đảng viên. Thực trạng này dẫn đến xung đột nội bộ đảng cộng sản Việt Nam giữa hai khuynh hướng bảo thủ “nhất nguyên cộng sản” và cấp tiến “ đa nguyên dân chủ xã hội”. Hệ quả là đã phá nát sự đòan kết, sức mạnh cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành nội bộ đảng, bộ máy nhà nước và đẩy chế độ độc tài toàn trị CS hiện nay theo chiều hướng tiêu vong từng bước tiến đến tiêu vong hoàn toàn về mặt bản thể đã là một tất yếu khách quan. Đây là một sự chuyển thể tịnh tiến mà Cộng đảng ngoài miệng thường hô hoán là âm mưu “Diễn biến hòa bình của các thế lực thù nghịch”, nhưng thực tế đã và đang phải uốn mình theo diễn biến hòa bình, sẵn sàng đóng vai trò công cụ chiến lược quốc tế mới trong vùng, vì quyền lợi của một tập đòan thống trị độc quyền trong hiện tại, để được tồn tại trong chiều hướng mới ở tương lai. Vì thế đã có hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đã và đang diễn ra một cách gia tốc trong nội bộ đảng CSVN, khiến các lãnh đạo chóp bu của “Đảng Ta” chỉ còn biết cảnh giác các đảng viên như một nguy cơ có thể làm “Mất đảng”. Đây là nỗ lực ngăn cản làm chậm lại diễn tiến này, tức là làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày trong bài viết trước đây để cho thấy những căn cứ trả lời cho câu hỏi “Vì sao cộng sản Việt Nam suy mà chưa sụp”. Một trong những căn cứ ấy là sự ngoan cố của thiểu số tập đoàn cộng sản cầm quyền hiện nay, dù biết rằng “con đường nhất nguyên xã hội chủ nghĩa” đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn trên toàn thế giới và tại Việt Nam là không bao giờ đi đến “xã hội chủ nghĩa không tưởng”. Chính người đứng đầu tập đoàn công sản nắm quyền hiên nay là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng thú nhận “cho đến cuối thiên niên kỷ 21 này không biết Việt Nam đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa”. Thế những tập đoàn thiểu số nắm quyền này vẫn lừa bịp trắng trợn nhân dân bằng sự kiên định tiếp tục thực hiện mục tiêu xậy dựng “Xã hội Chủ nghĩa” bằng “con đường kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính hành động ngoan cố của tập đoàn “nhất nguyên cộng sản này” đã làm tiến trình dân chủ hoá Việt Nam bị chậm lại, dù nó không thay đổi được chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam, rằng chế độ độc tài cộng sản tại Việt Nam tất yếu phải tiêu vong để hình thành chế độ tự do dân chủ pháp trị đích thực theo đúng ý nguyện của toàn dân.
2.- Vì sao nhất nguyên chống cộng sản cũng làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam?
Vì trong nhiều thập niên qua,người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản chống chế độ nhất nguyên cộng sản độc tài, độc đảng là để thành đạt mục tiêu tối hậu là thiết lập chế độ dân chủ, đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Muốn thành đạt mục tiêu tối hậu này, điều tiên quyết là Việt quốc phải đoàn kết thống nhất được mọi khuynh hướng và lực lượng chống cộng để kết hợp được sức mạnh tổng hợp, toàn diện đối nội cũng như đối ngoại của các lực đẩy, lực xoay cùng chiều về phía dân chủ. Nhất nguyên chống cộng đã làm phân hóa lực lượng chống cộng là giúp nhất nguyên cộng sản tồn tại thêm thời gian, cũng là làm cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam chậm lại.Bởi vì khuynh hướng này đã quyết liệt chông lại khuynh hướng chống cộng đa nguyên trên thực địa cũng như trên lãnh vực truyền thông đại chúng.
Thật vậy, sau khi chiến tranh Quốc - Cộng (1954-1975) kết thúc vào ngày 30-4-1975, cuộc nội chiến ý thức hệ quốc-cộng tại Việt Nam bước vào giai đoạn cuối cùng để khẳng định chân lý thuộc về ai, chung cuộc Việt quốc và Việt cộng ai thắng ai. Do tương quan lực lượng không cân sức giữa Việt quốc và Việt cộng, nên hơn 40 năm đã qua, kết quả chung cuộc vẫn chưa có được, dù đã đẩy được chế độ độc tài nhất nguyên cộng sản lùi dần về phía dân chủ đa nguyên. Trước những biến chuyển ngày một gia tốc của tình hình quốc tế và quốc nội nội, ngày càng có đông người Việt quốc gia chống cộng muốn đi theo con đường đa nguyên chống cộng để phù hợp với chiến luợc toàn cầu mới sau Chiến tranh Lạnh (Cold War) của các cường quốc cực, để có hiệu quả hơn, để mau chóng thành đạt mục tiêu tối hậu của sự nghiệp chống cộng là dân chủ hóa cho Đất nước.
Thế nhưng, mặc dầu khuynh hướng đa nguyên chống cộng dường như khá đông nhưng vẫn giấu mặt, chỉ có rất ít cá nhân hay chính đảng quốc gia dám bày tỏ công khai một cách dè dặt, có tính thăm, chấp nhận bị đánh phá, bôi bẩn, xuyên tạc, chụp mũ “tay sai cộng sản nằm vùng”, “hòa giải hòa hợp với Việt cộng” do phản ứng của những kẻ cực đoan trong khuynh hướng nhất nguyên chống cộng biểu hiện công khai còn mạnh mẽ. Vì thực tế tại hải ngọai, mặc dầu khuynh hướng nhất nguyên chống cộng không hẳn còn là đa số; vì theo quy luật thời gian sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh Quốc-Cộng, số người theo khuynh hướng này đã mai một dần.Thế nhưng khuynh hướng này vẫn ở thế mạnh vì vẫn nắm “Chính nghĩa chống cộng truyền thống từ thời Việt Nam Cộng Hòa”; nay tiếp tục thực hiện phương thức và kinh nghiệm chống cộng trong thời chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975). Họ vẫn tin rằng con đường chống cộng này đã có hiệu quả và là con đường duy nhất đúng dẫn đến thắng lợi sau cùng.Do đó đã có phản ứng quyết liệt để chống lại, loại trừ từ trong trứng nước những khuynh hướng đa nguyên chống cộng nào mà khuynh hướng “Nhất nguyên chống cộng” cho là đã đi ngược lại chủ trương “Bất hợp tác, không đối thoại, không hoà giải hòa hợp với Việt cộng, đối kháng đến cùng để tiêu diệt chế độ độc tài toàn trị nhất nguyên cộng sản(nhưng chưa đưa ra được phương cách tiêu diệt VC nào có tính thuyết phục),để thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên tại Việt Nam(cũng chưa đưa ra được mô hình chế độ dân chủ nào có tính khả thi, phù hợp thực trạng Việt Nam hậu CS) ”. Điển hình không cần viết ra thì người ta cũng có thể tìm thấy khá nhiều trong sinh hoạt đấu tranh chống cộng ở hải ngoại, với các trường hợp xung đột quyết liệt, giữa cá nhân với cá nhân hay với các tổ chức, đảng phái chống cộng. Những xung đột có thễ diễn ra trên sinh hoạt chống cộng thực địa hay trên lãnh vực truyền thông trên mạng, có khi “cạn tàu ráo máng” giữa hai khuynh hướng “nhất nguyên chống cộng” và “đa nguyên chống cộng ”
Hệ quả của sự xung đột dẫn đến phân hóa trong nội bộ Việt quốc, lại được đối phương Việt cộng khai triệt để qua “Đặc tình thực địa” và “Đặc tình truyền thông” để khoét sâu mâu thuẫn nội bộ hay tạo ra mâu thuẫn để phá nát sự đòan kết, sức mạnh cơ cấu tổ chức chống cộng vốn đã lỏng lẻo, làm băng hoại niềm tin quần chúng chống cộng vào vai trò lãnh đạo chống cộng của các cá nhân hay các chính đảng Quốc gia và niềm tin tất thắng của chính nghĩa đấu tranh chống cộng vì tự do dân chủ cho Quê Mẹ Việt Nam. Hệ quả thực tế là ngày càng có nhiều người không tham gia các hoạt động chống cộng và công ích trong các tổ chức cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Nhưng, trong mọi trường hợp, dù chán nản, vẫn kiên định ý chí chống cộng đến cùng, không bỏ cuộc và khi cần vẫn có hành động tham gia hay yểm trợ công cuộc chống cộng theo khả năng. Nghĩa là phần đông người Việt hải ngọai, vẫn tin tưởng cuối cùng “chính nghĩa Quốc gia dân tộc dân chủ” tất thắng “ngụy nghĩa cộng sản, phi dân tộc, độc tài, phản dân chủ”.
Tất nhiên, mọi hệ quả này, nếu bất lợi cho nội bộ Việt quốc, thì lại có lợi cho đối phương Việt cộng, giúp đối phương kéo dài thời gian thống trị độc tài, độc tôn và độc quyền. Và như thế, sự thành đạt mục tiêu tối hậu của chống cộng là “dân chủ hóa đất nước” sẽ chậm lại, sẽ mất thêm thời gian. Mặc dù đó đã là một tất thắng của chân lý, là chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sự Việt Nam, rằng: Chính nghĩa quốc gia dân tộc dân chủ tất thắng ngụy nghĩa cộng sản độc tài, độc tôn, phản dân chủ; và dân chủ đa nguyên tất thắng độc tài toàn trị nhất nguyên cộng sản và các kiểu độc tài toàn trị khác. Vì chiều hướng này phù hợp với xu thế không thể đảo ngược của thời đại: Dân chủ hóa các chế độ độc tài và thị trường tự do hóa các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
III/- KẾT LUẬN
Phải thấy rằng có sự khác biệt giữa sự phân hóa đưa đến xung đột nội bộ nhất nguyên cộng sản và sự phân hóa nội bộ nhất nguyên chống cộng sản: Việt cộng thì phân hóa cả mục tiêu tối hậu lẫn con đường đi đến mục tiêu tối hậu. Việt Quốc thì vẫn thống nhất trong mục tiêu tối hậu, chỉ phân hóa con đường đi đến mục tiêu tối hậu mà thôi. Và vì vậy hệ quả của sự phân hóa dẫn đến xung đột nội bộ hai nhất nguyên này rất khác nhau, trái chiều nhau.
Nhận định khách quan: Sự phân hóa nội bộ nhất nguyên cộng sản hiện nay là có lợi cho mục tiêu chống cộng của Việt quốc là dân chủ hóa cho quê Mẹ Việt Nam. Vì đa số “phản tỉnh” trong nội bộ cộng đảng Việt Nam đã đi theo con đường “đa nguyên Dân chủ xã hội” mặc nhiên trở thành đồng minh của Việt quốc thì tại sao không thể kết hợp để gia tốc cho tiến trình dân chủ hóa đất nước?. Đồng thời nhất nguyên chống cộng và đa nguyên chống cộng đều có chung cùng đích “dân chủ hóa đất nước”, thay vì chống phá lẫn nhau, làm phân hóa nội bộ, mất niềm tin trong hàng ngũ chống cộng,làm giảm sức mạnh chiến đấu và làm chậm tiến trình dân chủ hóa Việt Nam; thì tại sao hai khuynh hướng chống cộng không ngồi lại với nhau, kết hợp với “đa nguyên dân chủ xã hội” của những người cộng sản phản tỉnh, để cùng hoạch định và tiến hành một sách lược chống cộng chung, khả thi, có hiệu quả để sớm đưa tiến trình dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam đến kết thúc nhanh chóng hơn ?
* Góp ý về bài viết này của Gs. Tạ Văn Tài: Tiến sĩ chính trị học, nguyên giáo sư Học Viện Quốc gia Hành chánh, Đại học Luật khoa Saigon và các Trường Luật Việt Nam, hiện là giảng sư và phụ khảo nghiên cứu Harvard Law School.
“Cám ơn Thiện Ý về bài này, và xin góp ý: Tạ Văn Tài
Với cách trình bày rõ ràng các nhận định và lập luận, đặc biệt với chữ màu đỏ khi nói về phe cộng sản và chữ màu xanh khi nói về phe chống cộng, anh Thiện Ý đã tỏ ra là một lý thuyết gia về các vấn đề chiến lược lớn. Anh đã tả rõ thực tế chia rẽ nội bộ trong 2 phe, do khuynh hướng nhất nguyên ở mỗi nơi muốn đè bẹp khuynh hưóng đa nguyên ở nơi đó, và làm hại cho chính quyền lợi hay mục tiêu tối hậu của họ.
Tôi xin góp ý thế này: đó là sự xung đột, trong cả hai phe, giữa GIÁO ĐIỀU cứng nhắc và nguyên tắc suy tư và hành động KHÔNG giáo điều mà THEO THỰC TIỄN (PRAGMATISM) MÀ TÌM QUY LUẬT THỰC CỦA XÃ HỘI MÀ HÀNH ĐỘNG THÍCH ỨNG, QUYỀN BIẾN-THỰC TIỄN trong sinh hoạt xã hội này cũng là theo TINH THẦN KHOA HỌC là tự do tư tưởng để theo đuổi các gỉa thuyết khác nhau, thử nghiệm mãi, không gạt bỏ mà cũng xét đến gỉa thuyết hay ý kiến trái ngược nào ai khác đưa ra, cho đến khi tìm được giả thuyết nào gần sự thực của thiên nhiên và thực trạng xã hội con người nhất (và ngay gỉa thuyết này cũng sẽ tiếp tục thử nghiệm mãi để điều chỉnh nếu cần).
Cái tư tưởng giáo điều trong việc điều hành kinh tế trong nước trước "Đổi Mới" đã làm Việt Nam lụn bại cho đến khi họ nhận ra phải "đổi mới hay là chết", giáo điều cũng phải nhượng bộ thực tiễn quy luật xã hội, cho nhân dân "phá rào" trả thuế theo lối "khóan sản phẩm" và làm kinh tế tư và tìm ra lối thoát kinh tế thị trường và mở cửa, tạo nên việc phát triển sau đó. Cái giáo điều trong khuynh hướng muốn cấm vận cho "Việt Cộng chết luôn" trong một số những người chống cộng giáo điều vào đầu thập niên 1990 đã kém sáng suốt hơn khuynh hướng mềm dẻo muốn bỏ cấm vận để người dân trong nước đỡ khổ và có căn bản tự chủ trong đời sống kinh tế nên dám đòi hỏi nhiều tự do kinh tế và xã hội hơn và cuộc thử nghiệm bỏ cầm vận của Mỹ từ năm 1995 đã chứng tỏ trong nước dần dần có tự do kinh tế và xã hội hơn (tuy chưa có tự do chính trị theo nguyên lý dân chủ). Tôi cũng tin tưởng như anh Thiện Ý là đa nguyên, không giáo điều, cho tự do tư tưởng để tìm tòi con đường đúng nhất sau các lần thử nghiệm, theo tinh thần khoa học và theo châm ngôn Voltaire về sinh hoạt xã hội ("tôi không đồng ý với anh nhưng sẽ liều chết để bảo vệ quyền tự do tư tưỏng và phát biểu của anh") CUỐI CÙNG SẼ THẮNG TRONG TƯƠNG LAI, vì nó hợp với lòng người trong đại đa số nhân dân, ở cả hai phe cộng sản và chống cộng. Giới trẻ ở cả hai phe sáng suốt, đã theo khuynh hướng đa nguyên, không giáo điều, tự do khám phá đường lối mới; và chỉ còn một ít "cây cổ thụ" của mỗi phe còn cứng nhắc mà thôi; mà cứng nhắc là vì thâm tâm muốn đổi mới rồi nhưng sợ diễn tiến hòa bình mau quá thì chết không được "quốc táng" mà lại còn có thể mồ mả không yên (đó là ở trong nước họ diễn tả việc rút lui dần nhưng vẫn cố tự vệ của các "cây cổ thụ"); hoặc là nói chống cộng bằng mồm tại hải ngoại cho sướng miệng (tuy cũng có thể hiểu được kinh nghiệm đau khổ của họ) mà không đưa ra giải pháp nào cho giới trẻ trong việc tìm giải pháp khả thi cho giới trẻ khi họ nghĩ tới việc làm cái gì đó cho hay tại Việt nam. Vì tư tưởng các cụ này đã sơ cứng mà không còn sức mà nghiên cứu tim tòi các on đường và giải pháp mới theo tinh thần khoa học, và khư khư giữ ý của mình, bỏ ý đó thì sợ là người ta cho là mình sai rồi.
Thiện Ý
Bạn đọc làm báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét