***
Ngày 3 tháng 12 năm 2016, trong lễ tang Fidel Castro, Raul Castro – lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba, đồng thời cũng là em ruột Fidel Castro, thông báo, di nguyện của anh trai ông ta là đừng lấy Fidel Castro làm tên cho bất kỳ con đường, công trình nào và cũng đừng xây tượng đài Fidel Castro. Raul Castro giải thích, Fidel Castro chống sùng bái cá nhân, cả Đảng Cộng sản lẫn chính quyền Cuba đồng tình với quan điểm đó nên cấm dùng tên Fidel Castro nhằm vinh danh, tưởng niệm ông ta.
Xưa nay, thời nào và ở đâu, bất kể Đông hay Tây, tôn trọng – thực hiện di nguyện của người quá cố cũng là một trong những tiêu chí của đạo đức, văn hóa, văn minh. Dù luôn tỏ ra rất yêu quý, kính trọng Fidel Castro, thậm chí còn tổ chức quốc tang tưởng niệm Fidel Castro song với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, dẫu Fidel Castro đã yên giấc ngàn thu nhưng vẫn còn có chỗ để… dùng, thành ra ráng tận dụng cho hết… công năng, xem ra di nguyện của Fidel Castro còn nhẹ hơn lông hồng.
***
Hồi thượng tuần tháng này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba ở Đồng Hới, Quảng Bình, tổ chức khánh thành một khu tưởng niệm, diện tích 90 mét vuông, trong khuôn viên có bức tượng bán thân bằng đồng của Fidel Castro. Tổng chi phí cho Khu tưởng niệm Fidel Castro khoảng 500 triệu và được giới thiệu là do đóng góp của cán bộ, nhân viên y tế, các tổ chức, cá nhân ở Quảng Bình.
Trên mạng xã hội, tin khánh thành Khu tưởng niệm Fidel Castro ở Quảng Bình trở thành “tin nóng” vì hai lý do: Thứ nhất nó trái với di nguyện của chính ông ta. Thứ hai, trong bối cảnh công quỹ mất cân đối trầm trọng, thu không đủ nên liên tục phải vay mượn để cầm cự, phong trào xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm tưởng như đã “mồ yên, mả đẹp”, không dè lại hồi sinh. Nhiều facebooker như Nhàn Lê nhận định: Lại xây tượng đài. Lại ăn bộ đồ lòng của Fidel. Làm gì thì làm, cứ có cái ăn là được, chúng em sẽ xây tất. Phấn đấu một cây số, một tượng đài.
Nhàn Lê không dè và thật tình là hàng chục triệu người Việt cũng không dè, ngoài Quảng Bình, còn có Quảng Trị sắp hoàn thành kế hoạch lập khu tưởng niệm Fidel Castro. Theo báo chí Việt Nam thì cách nay năm tháng, hồi giữa tháng ba, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã từng gửi văn bản cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị xem xét và trình sớm để Thủ tướng Việt Nam phê duyệt sớm và hỗ trợ ngay cho Quảng Trị 30 tỉ để “hoàn thành các hạng mục cơ bản của Dự án công viên Fidel Castro trong năm nay, đúng dịp Kỷ niệm 45 năm ngày Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị”. Theo văn bản mà đến giờ thiên hạ mới biết ấy thì hóa ra, Quảng Trị đã chi 30 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng và 44,5 tỉ đồng để san lấp mặt bằng. Nếu không có nhầm lẫn trong việc cộng, trừ thì khi hoàn tất, Công viên Fidel Castro ngốn hết hơn 100 tỉ đồng của dân chúng Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm 1973 – khi cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam chưa kết thúc, Fidel Castro từng bí mật đến Quảng Bình và đảo qua Quảng Trị trong vòng chưa đầy một ngày (15 tháng 9 năm 1973). Chỉ chừng đó đủ để Quảng Bình, Quảng Trị nhớ mãi ơn sâu, xứng đáng để công khố Việt Nam chi ra hơn trăm tỉ để hậu thế đừng quên?
Ông Trần Đình Thu, một facebooker ở Quảng Trị, chất vấn ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị trên mạng xã hội: Quảng Trị vẫn còn xin gạo cứu đói, ông không biết tự vấn lương tâm về chuyện này đã đành, tại sao còn lấy ngân sách địa phương và ngửa tay xin trung ương để dựng tượng Fidel Castro? Trần Đình Thu đưa lên facebook tấm ảnh chụp bốn đứa trẻ chỉ chừng năm tuổi, đang lội qua đoạn suối mà nước ngập ngang thắt lưng để nêu thêm một câu hỏi khác: Đây là lối những những đứa trẻ ở Vĩnh Linh, Quảng Trị đến trường nè. Tại sao không dành 1% số tiền ấy để xây cho chúng cây cầu mà làm Công viên Fidel Castro hở ông Chính? Đạo làm quan là như thế sao?
Có một điểm cần lưu ý là trước sự kiện Quảng Bình, Quảng Trị - hai trong số những tỉnh mà dân nghèo tới mức, chính quyền địa phương năm nào cũng xin cứu đói – đồng loạt xây dựng những khu tưởng niệm Fidel Castro, đa số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam không nêu ra những thắc mắc như Trần Đình Thu, bởi họ biết rõ nguyên do. Chẳng hạn, Bon Phi giải thích ngay cho Trần Đình Thu: Không xây dựng thì lấy tiền mô chia nhau? Bọn quan bây giờ mà nghĩ đến dân, đến nước là điều không tưởng! Tương tự, Trần Hữu Khả phân tích, vừa móc túi dân, vừa xin xỏ hơn 100 tỉ thì ít ra cũng đớp được hơn phân nửa. Đó là núi vàng, đừng kêu gọi đạo đức, lũ quan này làm chi có tim óc mà đánh động. Dân càng mạt thì quan càng giàu. Đó là điểm ưu việt của… chế độ ta. Cũng nghĩ như vậy, Nguyễn Thị Bích Vân khẳng định, xây tượng đài thì được chia chác nhiều nên quan tham quyết làm cho được dù nó vô bổ và làm mọi người bức xúc.
Cũng có không ít facebooker nhắc đến di nguyện của Fidel Castro và thắc mắc nếu thực sự yêu kính Fidel Castro thì tại sao không tôn trọng và thực hiện di nguyện ấy. Trên facebook của Nguyễn Quang, Thep Luu Trung băn khoăn: Không sợ dân Cuba họ cười à? Nguyễn Quang trả lời ngay lập tức: Những nỗi lo, sợ kiểu đó hình như không bao giờ có. Theo hướng này, Quang Tran nhận định trên diễn đàn của Tri thức Việt Nam: Tưởng niệm để chấm mút, xà xẻo chứ chẳng tử tế gì với phi…đen, phi… đỏ đâu!
***
Nếu nhìn vấn đề theo lối mà đa số công chúng Việt Nam cùng nhìn trong sự kiện Quảng Bình, Quảng Trị xây dựng các khu tưởng niệm Fidel Castro thì chắc giới lãnh đạo nhiều địa phương đang lấy làm tiếc vì ngày xưa, Fidel Castro không đến địa phương của mình. Hóa ra phong trào xây tượng đài, khu tưởng niệm lắng xuống không phải vì giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tôn trọng dân ý, không muốn phung phí nội lực quốc gia vào những công trình vô bổ, chỉ tạo cơ hội cho cán bộ, viên chức hữu trách kiếm chác. Phong trào xây tượng đài, khu tưởng niệm tạm lắng chỉ vì… thiếu lý do. Thế thôi.
Nhân chuyện vứt bỏ di nguyện của Fidel Castro, chà đạp lên di nguyện ấy bằng các khu tưởng niệm, đã có vài facebook so sánh hành việc ấy với việc vứt bỏ di nguyện mà ông Hồ Chí Minh nêu trong di chúc của ông (không tổ chức phúng điếu linh đình để khỏi lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân, hỏa táng thi hài để vừa tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất). Giờ, lăng ông Hồ Chí Minh vẫn còn đó, đã có rất nhiều người khẳng định, chi phí bảo quản thi hài, bảo vệ, duy trì hoạt động của lăng rất lớn (có riêng một Bộ Tư lệnh với ba ông tướng, chỉ huy một đại đơn vị của quân đội lo việc này), góp phần không nhỏ vào chuyện gia tăng nợ nần nay đã chạm mức 3,53 triệu tỉ đồng, phúc lợi công cộng càng ngày càng teo tóp. Đâu chỉ có Fidel Castro bị mang ra bán lẻ. Bán sỉ hay bán lẻ đều là bị bán.
Trân Văn
Thiên Hạ Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét