Đại Quang định luận - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Đại Quang định luận


Thành ngữ “cái quan định luận” nghĩa là chỉ nên bàn luận về người ta sau khi đậy nắp quan tài rồi. Chúng ta không nên phê phán ai sớm quá, hãy đợi lúc họ chết hãy bàn. Vì nếu còn sống thì họ có thể sẽ làm những việc khiến mình có thể thay đổi ý kiến.

Ông Trần Đại Quang (phải) cùng Tổng Thống Indonesia Joko Widodo tại Hà Nội hôm 11 Tháng Chín, 2018. Sắc diện của ông Quang suy giảm rất nhanh kể từ đầu năm 2016, khi ông được Quốc Hội CSVN bầu làm chủ tịch nước. Vào sáng 21 Tháng Chín, ông qua đời vì “mắc loại bệnh virus hiếm và độc hại.” (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

Khi tin ông Trần Đại Quang qua đời được nhà báo Huy Đức tiết lộ trên mạng, dư luận người Việt Nam bắt đầu chạy đua những ý kiến “định luận” về ông. Nhật báo Người Việt loan báo ngay tin sau đó, cũng nhận được bao nhiêu lời bình phẩm. Lúc còn sống ông Trần Đại Quang đã bị nhiều lời chỉ trích, nhưng không thể so sánh với “cơn sóng trào” bùng lên sau khi ông ngưng thở.

Nhà báo Mặc Lâm đã nghĩ tới “truyền thống lễ nghĩa của tổ tiên” với câu “Nghĩa tử nghĩa tận!” Mặc Lâm ngạc nhiên thấy ông Trần Đại Quang “vừa nằm xuống thì hàng ngàn status nổi lên, nhưng không có lấy một status nào chúc ông tiêu diêu cực lạc.”

Trái lại, trong dư luận dân Việt “Chẳng những không chia sẻ, cảm thông (với hoàn cảnh tang tóc), người dân còn tỏ ra hả hê như vừa trút được gánh nặng trên vai. Không hiếm người nhảy cẫng lên vui như trúng số.” Ông phỏng đoán, “có thể chúng (thái độ, hành vi, tâm trạng đó) phát xuất từ nỗi căm hờn không nơi chia sớt.”

Cái gì sinh ra “nỗi căm hờn” không biết trút vào đâu như vậy?

Nếu trong cuộc đời Trần Đại Quang ông có gây đau thương oan khuất cho nhiều người thì những người đó có thể nuôi nỗi căm hờn không thể nguôi. Người ta sẽ ghi nhớ, sẽ phục hận khi người chuốc oán chết đi. Lê Đức Thọ vẫn còn bị nhiều người báo oán, sau khi đã nằm dưới mộ. Nhưng khi tất cả dư luận đồng thanh tỏ ra vui mừng khi Trần Đại Quang chết, thì đây là một niềm oán hận lớn, một nỗi oan khuất chung.

Một nỗi oán hận rộng lớn như vậy thường dành cho những bạo chúa, những Stalin, Mao Trạch Đông, Causescu. Khi còn sống họ chỉ nói một câu là có thể đầy ải hàng triệu người trong ngục tù, hàng triệu người bị giết, chết vì lao động cực khổ, vì đói, vì lạnh. Cái nghiệp của họ lớn lắm. Ông Trần Đại Quang chắc chưa đạt tới mức đó. Đến cuối đời ông cũng chỉ là một trong “tứ trụ” của chế độ Cộng Sản. Liệu khi ba người kia nhắm mắt lìa đời họ có thể bị dư luận phán xét giống như ông phải gánh chịu hay không?

Có lẽ ông Trần Đại Quang được đối xử đặc biệt vì ông từng đứng đầu ngành công an, và nhờ vào địa vị đó mà leo lên làm chủ tịch nước. Làm chủ tịch nước là vai trò vô hại nhất trong chế độ. Nhưng làm trùm công an thì chắc chắn phải mang cái nghiệp chung do hàng triệu công an đang nắm quyền sinh sát tạo bao nhiêu ác nghiệp. Công an bắt người, tra tấn người. Công an đòi hối lộ tiền bạc và tình dục. Công an đánh đập những công nhân biểu tình đình công, đạp giầy vào mặt người dân, đập đầu người biểu tình vì bị cướp đất.

Khi nghe tin Trần Đại Quang nằm xuống, nhiều người có thể không nhớ đến một hành động nào của riêng ông nhưng người ta có thể nghĩ ngay đến bao nhiêu người chết trong đồn công an, đến cảnh năm học viên trường cảnh sát chọc ghẹo đàn bà rồi truy sát người chồng. Một độc giả đã hỏi, “Mới chỉ là học viên mà đã như vậy rồi, khi trở thành công an thì như thế nào?”

Dưới chế độ Cộng Sản, tất cả những oán hận được dồn vào công an. Họ là thành trì bảo vệ chế độ với khẩu hiệu “Còn Đảng Còn Mình.” Trần Đại Quang không chỉ mang cái nghiệp báo nặng nề của ngành công an mà còn đội trên đầu cái ác nghiệp chung suốt 70 năm đảng Cộng Sản tác oai tác quái trên đất Việt.

Ngay từ khi ra đời, các đảng Cộng Sản dựa vào lực lượng công an mật vụ. Các tay trùm Cộng Sản đều biết sức mạnh của công an mật vụ, vì chính họ luôn luôn bị công an mật vụ theo dõi, truy tầm rồi có khi trao đổi, mua chuộc. Hồ Chí Minh đã liên lạc mật thiết với một người mạo danh cách mạng ở Quảng Đông, dù bao nhiêu nhà người đã báo động người đó là tay sai của mật thám Pháp. Nhưng nhờ quan hệ với tên mật thám đó, họ Hồ đã tiết lộ cho Pháp biết, để bắt trúng bao nhiêu nhà cách mạng khác, vì họ không nghe lời Hồ thuyết phục mà theo đảng Cộng Sản.

Họ Hồ đã học tập Stalin. Từ khi còn hoạt động bí mật, Stalin đã từng bị nhiều đảng viên Cộng Sản khác nghi là làm chỉ điểm cho bộ máy công an mật vụ của Nga hoàng, gọi tắt là Okhrana. Nhiều lần Stalin đã cho Okhrana biết chỗ ẩn trốn của các đồng chí để tới bắt họ. Năm 1909 mấy đảng viên lập tòa án xử Stalin, đang xử thì mật vụ Nga hoàng xuất hiện bắt cả “chánh án” lẫn nhân chứng!

Trong thập niên 1920, một tài liệu từ văn khố lưu trữ hồ sơ của chế độ Nga hoàng được đưa ra ngoài, nang tên “Thư của Eremin” được báo Life ở Mỹ đăng. Trong thư đó, tác giả là nhân viên mật vụ của Nga hoàng đã tường trình về Stalin, người chỉ điểm do anh ta điều khiển. Sau này, Nikita Khrushchev đã sai trùm KGB Serov nghiên cứu tài liệu này, nhưng cũng không biết chắc đó là thật hay giả! Người ta không thể biết mật vụ Okhrana đã lợi dụng Stalin hay ngược lại! Vì trong thế giới tranh chấp bí mật giữa mật vụ và các đảng cách mạng, không ai biết bên nào lợi dụng và xâm nhập bên nào!

Lên nắm quyền, Stalin củng cố lực lượng công an mật vụ không những để bảo vệ chế độ Cộng Sản mà còn dùng làm vũ khí tiêu diệt các đối thủ trong nội bộ. Đó là một thế giới tàn bạo và “phi luân,” không theo một quy tắc luân lý nào.

Trần Đại Quang đã được Nguyễn Tấn Dũng đưa lên hàng đại tướng công an, rồi lên đứng đầu cả khối công an. Chính Nguyễn Tấn Dũng cũng xuất thân công an. Nhưng sau đó Trần Đại Quang sẵn sàng hợp tác với Nguyễn Phú Trọng lật đổ Nguyễn Tấn Dũng. Quang có thể nuôi tham vọng có ngày sẽ hất cẳng Nguyễn Phú Trọng, lên ngồi ghế tổng bí thư nữa, nếu không bị bệnh nặng! Đó là những chuyện bình thường trong thế giới Cộng Sản và có lẽ chỉ có trong thế giới Cộng Sản.

Khi một người nhắm mắt lìa đời, tất cả những tham vọng, âm mưu, toan tính, cũng tan thành mây khói. Còn lại là công luận. Ông Trần Đại Quang đang được công luận phê phán. Mong ông không phải chịu số phận như thi hài ông Lê Đức Thọ.

Lão Tạ cho biết Trần Đại Quang giống Nguyễn Bá Thanh, về cuối đời họ chăm chỉ đi xây đền chùa. Họ biết và muốn tự cởi bỏ, thoát ra khỏi nghiệp báo nặng nề. Nhưng ai hiểu đạo thì biết việc xây dựng đền chùa không đủ để giải nghiệp. Nghiệp vốn nghĩa là hành động. Chỉ những hành động thiện mới có thể giảm bớt nghiệp của những hành động ác. Điều này, tất cả các người Cộng Sản còn sống, nhất là các ông bà công an, nên biết.


Ngô Nhân Dụng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad