Khi thực tình, thực học, thực tài thiếu thực quyền - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Khi thực tình, thực học, thực tài thiếu thực quyền


Thiên hạ đang sửng sốt khi chính quyền tỉnh Tiền Giang tuyên bố sẽ chi 1,2 tỉ và vận động dân chúng trong tỉnh góp thêm khoản tương đương để thực hiện dự án dùng lục bình chống sạt lở. Giới hữu trách tại Tiền Giang cho biết tỉnh này có 67 điểm sạt lở và mỗi năm, công quỹ phải chi hàng chục tỉ đồng để chống sạt lở. Giờ, nếu trồng lục bình làm “kè” – cắm cọc, giăng dây cách bờ sông, rạch chừng ba mét rồi thả lục bình vào đó, chi phí chỉ chừng 200.000 đồng/mét, rẻ mà “hiệu quả” thì “rõ rệt” (1).

Hình minh họa.

Tháng trước, cũng chính quyền tỉnh Tiền Giang loan báo sẽ mở một “chiến dịch diệt lục bình”. Cũng theo giới hữu trách tại Tiền Giang thì tỉnh này có 1.200 cây số kênh, rạch bị lục bình bao phủ, tính ra có hơn 9 triệu mét vuông mặt nước bất khả dụng vì lục bình. Tuy là có máy vớt lục bình nhưng tỉnh này quyết định không dùng mà vận động dân chúng vớt – hủy lục bình theo kiểu thủ công, chi phí khoảng 1.000 đồng/mét vuông. Tổng chi phí cho “chiến dịch diệt lục bình” dự trù hơn… 8 tỉ (2).

Nhìn một cách tổng quát, tại Tiền Giang đang có hai dự án được thực hiện song song: Một trồng lục bình chống sạt lở và một… diệt lục bình. Tổng chi phí cho hai dự án này chừng… 10 tỉ! Tuy hai dự án vừa kể có vẻ mâu thuẫn với nhau nhưng ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão của tỉnh Tiền Giang tỏ ra rất tự tin khi Tiền Giang triển khai cùng lúc cả hai, Ông Pháp giải thích: Dự án trồng lục bình làm “kè” được thực hiện tại những tuyến kênh lớn, dòng chảy mạnh, nhiều ghe, tàu lưu thông gây sạt lở. Còn dự án diệt lục bình thực hiện tại những công trình ngăn mặn, trữ ngọt khép kín, lục bình ứ lại theo dòng, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất!

Trên thực tế, đúng là lục bình đang đe dọa hệ thống sông rạch không chỉ ở Tiền Giang mà còn gây ra nhiều vấn nạn nghiêm trọng cho sinh hoạt, giao thông đường thủy, môi sinh, môi trường của đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế đó đã được nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam dự đoán cách nay vài thập niên, trước khi các dự án thủy lợi, sống chung với lũ, ngăn mặn – ngọt hóa được triển khai. Lục bình ứ lại, sanh chuyện ở các công trình – con đẻ của những dự án vừa kể chỉ là một khía cạnh trong chuỗi hậu quả nhãn tiền. Tương tự, sạt lở kênh, rạch, bờ sông, bờ biển cũng là một vấn nạn trầm trọng chẳng riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, vấn nạn ấy phổ biến trên toàn Việt Nam. Thực tế này cũng đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài Việt Nam cảnh báo trước khi các dự án quy hoạch – phát triển đủ thứ được triển khai song song với việc khai thác cát tràn lan.

Chắc chắn là sau khi xài hết hơn 8 tỉ diệt lục bình, môi sinh, môi trường ở tỉnh Tiền Giang cũng chẳng khá hơn vì các dự án thủy lợi, sống chung với lũ, ngăn mặn – ngọt hóa vẫn còn đó và tất nhiên, vẫn tiếp tục phát huy tác hại. Giống như vậy, cứ cho là “kè lục bình” có “hiệu quả rõ rệt” như ông Pháp khẳng định, chính quyền tỉnh Tiền Giang có xài hết 1,2 tỉ, chính quyền các tỉnh khác xài hết vài chục tỉ, vài tăm tỉ thì sạt lở chắc chắn sẽ còn diễn ra dài dài, kè nào ngăn chặn được sự thay đổi dòng chảy, xoay chuyển quy luật lở - bồi khi vừa chống sạt lở, vừa cấp giấy phép, kể cả làm ngơ để khai thác cát tiếp tục diễn ra trên diện rộng (3), tới mức dân chúng không thể ngồi yên nhìn nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng thi nhau sụp xuống sông nên tự vũ trang (4), tự tuần tra (5) để chống bởi chính quyền khoanh tay, nhìn hướng khác?

***

Trong khi các viên chức hữu trách ở Tiền Giang xem lục bình như lý do cần chi khoảng 10 tỉ tiền thuế thì dưới mắt giới rành rẽ chuyên môn, lục bình có thể “biến họa thành phúc”, bởi lục bình vừa là nguồn phân bón tự nhiên không nguy hại cho môi sinh, môi trường, gia tăng khả năng kháng sâu bệnh, giúp phục hồi các vùng đất cằn cỗi do lạm dụng phân hóa học, vừa có thể chế biến thành thức ăn gia súc, nguyên liệu làm hàng thủ công, chưa kể lục bình còn có khả năng hấp thụ kim loại nặng và các chất hữu cơ gây ô nhiễm – một thứ công cụ xử lý ô nhiễm nước (6).

Tại sao không thể hoạch định, xác lập kế hoạch biến lục bình từ họa thành phúc? Giống như trước nay, dẫu có thực tình, thực học, thực tài, giới rành rẽ chuyên môn vẫn chỉ có thể đứng ở bên ngoài, thỉnh thoảng “chõ miệng nói vào” rồi… thôi!

Câu chuyện Tiền Giang vừa diệt, vừa trồng lục bình trở thành đáng quan tâm không đơn thuần chỉ là cách dùng tiền thuế. Đó là một lớp trong bi kịch nhiều lớp về cách lựa chọn và dụng nhân.

Nếu đừng “qui hoạch nhân sự lãnh đạo” từ trung ương đến địa phương theo kiểu chỉ tuyển chọn – sắp đặt – giao quyền lực vào tay các cá nhân “trung thành với Đảng CSVN” thì thực trạng kinh tế - xã hội, môi sinh, môi trường sống không như hiện nay.

Trong vòng mười năm gần đây, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam mới đề cập đến “thu hút nhân tài”. Tuy nhiên “thu hút” để làm gì khi không cần và không muốn dùng nhiệt huyết, kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, chuyên viên, không tôn trọng các phân tích và cũng chẳng thèm bận tâm tới các cảnh báo, khuyến cáo của giới có chuyên môn? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam thật sự tôn trọng – lắng nghe, xem đó là thực quyền của nhân tài, Việt Nam đâu có chìm sâu trong nợ, kinh tế đâu có suy thoái liên tục, môi sinh, môi trường tan hoang vì những “chủ trương lớn” kiểu như “khai thác bauxite ở Tây Nguyên”. Câu chuyện Tiền Giang vừa diệt, vừa trồng lục bình cũng thế thôi!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad