Không chỉ ở Biển Đông mới có tàu cá tông nhau - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Không chỉ ở Biển Đông mới có tàu cá tông nhau


Vài chục chiếc thuyền nhỏ vây quanh mấy chiếc thuyền đánh cá to. Chúng lao vào nhau và rồi ‘củ đậu’ bay, pháo sáng bay, khói và mùi thuốc súng lan đầy mặt biển. Chỉ có điều đây không phải là Biển Đông mà ở vùng Vịnh Seine, ngay ngoài lãnh hải của Pháp.

Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam. (ảnh chụp từ TuoiTre)

Hơn 30 tàu nhỏ của Pháp rượt đuổi năm tàu lớn của Anh tới vùng này đánh bắt sò điệp hồi cuối tháng Tám và từ đó tới nay hai bên vẫn đàm phán bất thành nhằm đi tới thoả thuận giải toả căng thẳng. Một dân biểu Anh hôm 13/9 thậm chí còn đòi Hải quân Anh phải hộ tống tàu đánh cá ra khơi. Nhưng chính quyền Anh có vẻ không muốn căng thẳng tăng thêm và nói rằng Pháp chịu trách nhiệm cảnh giới vùng biển đó và họ phải đảm bảo không có xung đột giữa ngư dân hai bên.

Trong số tàu của Anh có liên quan tới cuộc va chạm trên biển, ba tàu từ cảng Peterhead ở tận Scotland và họ phải đi hai ngày rưỡi mới tới vùng biển giáp Pháp. Luật Pháp chỉ cho đánh bắt sò điệp trong vùng biển này từ 1/10 tới 15/5 để sò điệp có thời gian sinh sôi nảy nở. Nhưng luật này chỉ áp dụng với các tàu thuyền của Pháp. Tàu của Anh và các nước EU khác không phải tuân theo và có thể đánh bắt quanh năm. Các năm trước ngư dân Anh và Pháp thường đi tới thoả thuận mà theo đó chỉ có tàu dài dưới 15 mét của Anh mới được đánh bắt tại Vịnh Seine trong khoảng thời gian tàu Pháp bị cấm. Họ sợ nếu tàu lớn của Anh được vào đánh quanh năm thì tới khi tàu Pháp được phép đánh bắt sẽ chẳng còn mấy sò điệp. Tuy nhiên năm nay hai bên không đạt được thoả thuận và các đàm phán từ sau vụ tàu đâm nhau tới giờ vẫn chưa đi đến đâu.

Trong quá trình đàm phán, ngư dân Anh đòi được bồi thường cho khoản thu nhập bị mất từ việc không tới vùng biển giáp Pháp đánh bắt sò điệp. Nhưng phía Pháp nói họ đòi bồi thường quá nhiều và không linh hoạt trong đàm phán, theo báo Financial Times. Báo này cũng nói Hải quân Pháp sẵn sàng tới vùng này để bảo vệ trật tự nếu vẫn còn nguy cơ xung đột giữa tàu cá đôi bên.

Cách phản ứng của hai bên trong vụ này cho thấy họ có mối quan hệ khá bình đẳng và thượng tôn pháp luật. Pháp cấm tàu của mình đánh cá nhưng cũng không ép buộc các tàu nước ngoài phải thực hiện lệnh cấm này. Khi có xung đột, hai bên cũng cố gắng giải quyết theo cách văn minh nhất có thể. Những người đại diện cho người dân có lên tiếng đòi sự bảo vệ của hải quân nhưng chính quyền Anh cho rằng không cần dùng tới những biện pháp leo thang như vậy.

Trong khi đó mới đây tàu chiến Anh chỉ đi ngang vùng biển quốc tế gần Trung Quốc để tới thăm thành phố Hồ Chí Minh đã khiến Trung Quốc giận dữ và lên tiếng phản đối. Hồi tháng 7, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng khi Anh tuyên bố sẽ triển hai hai hàng không mẫu hạm tới Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải. Trung Quốc thậm chí còn doạ Anh rằng hiệp định thương mại song phương giữa Anh và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu Anh cứ giữ cách hành xử như hiện nay ở Biển Đông.

Còn đối với Việt Nam, đương nhiên Trung Quốc không coi Hà Nội ra gì. Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền nay hoàn toàn do Trung Quốc kiểm soát và ngư dân Việt Nam ra đánh cá bị đối xử hết sức tồi tệ, kể cả khi họ đánh cá trên vùng biển quốc tế. Đối với Bắc Kinh, họ mạnh tới đâu biên giới biển của họ ở đó và chẳng có vùng biển nào là vùng biển quốc tế quanh Hoàng Sa cả. Ít nhất là điều này đúng với các tàu thuyền của Việt Nam. Và lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra hàng năm không chỉ cho tàu Trung Quốc mà cho mọi tàu thuyền đánh cá trên Biển Đông. Họ chẳng thèm có thoả thuận bồi thường thiệt hại hay tàu nhỏ, tàu to gì hết. Đó là kiểu đối xử cá lớn nuốt cá bé mà thế giới văn minh luôn cố để điều này không xảy ra. Chỉ có điều trong khi Việt Nam muốn Trung Quốc cư xử văn minh và thượng tôn pháp luật, Hà Nội đôi khi lại cũng chẳng làm được điều này với công dân của chính mình. Cho tới khi chính nhà nước Việt Nam còn chưa hành xử văn minh thì họ chỉ có thể thân được với Trung Quốc theo kiểu răng môi mà nếu răng có cắn thì môi cũng chỉ ngậm đắng nuốt cay mà chịu trận.


Nguyễn Hùng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad