Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Người lao động phổ thông sẽ đối diện nguy cơ cao mất công ăn việc làm do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực mới phải có kiến thức, kỹ năng phù hợp.
Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Nhưng cuộc cách mạng này cũng đặt ra yêu cầu đối với từng chính phủ, tổ chức phải hỗ trợ, thay đổi để đồng bộ với các doanh nghiệp.
Tiềm năng và vai trò Nhà Nước
Một Giám đốc Công nghệ thông tin ở Việt Nam nói với RFA rằng, Việt Nam có lợi thế là nhân lực trẻ, và các bạn trẻ suốt ngày cầm smart phone trên tay nên họ không lạ lẫm gì với internet và thích ứng nhanh với công nghệ cao.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, trả lời câu hỏi của RFA rằng liệu Việt Nam có đủ nhân lực để tận dụng hay ứng dụng kết quả cuộc cách mạng thứ tư nhằm phát triển kinh tế đất nước theo con đường ngắn nhất hay không, như sau:
Tôi thì tôi nghĩ là Việt Nam thiếu người dẫn dắt, thiếu nhà quản lý hiểu biết về vấn đề này và họ có thể hoạch định chính sách, có thể điều hành để tận dụng nguồn lực trong nước. Về nguồn lực cụ thể thì tôi không nghĩ là thiếu. Tất nhiên là có càng nhiều thì càng tốt, nhưng tôi không nghĩ đang thiếu ở điểm đó. Tôi có thể lấy ví dụ: Chúng tôi chỉ có 1.500 nhân viên nhưng chúng tôi có thể sản xuất ra smart phone. Về an ninh mạng thì chúng tôi có thị phần nhiều hơn so với những phần mềm diệt virus khác, đều là những phần mềm có thứ hạng cao trên thế giới.
Tôi thì tôi nghĩ là Việt Nam thiếu người dẫn dắt, thiếu nhà quản lý hiểu biết về vấn đề này và họ có thể hoạch định chính sách, có thể điều hành để tận dụng nguồn lực trong nước.
- Nguyễn Tử Quảng
Theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiện có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Trong khi có những doanh nghiệp được cho là đã nhập cuộc như BKAV với nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ thông tin, nhưng họ vẫn chưa được sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra nhận định:
Việt Nam thực sự có cơ hội. nếu như có sự hoạch định vĩ mô của nhà nước và có những nhân tố điều hành chính sách đúng thì Việt Nam có thể tận dụng cơ hôi này. Ý tôi là không thiếu nhân lực làm, chỉ thiếu sự hoạch định về chính sách vĩ mô.
Thực ra nói một cách sòng phẳng là từ trước đến nay BKAV tự làm và chưa có sự hỗ trợ nào của chính phủ cả, gần như là như thế. Nếu như có chính sách tốt hơn nữa thì tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thị phần tốt trong mảng smart phone này. Và có thị phần tốt trong nước thì chúng tôi có thể vươn ra thị trường quốc tế. Thì đó là tiền đề rất tốt để Việt Nam tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Hướng thực hiện
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2017, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao.
Về việc đào tạo nhân sự để ứng dụng cho cuộc cách mạng công nghiệp thư tư, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, hiện là Chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học nói với chúng tôi rằng muốn đào tạo nhân sự thì trước hết Việt Nam phải xác định mình muốn ứng dụng cái gì, và có khả năng ứng dụng cái gì trong các kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư. Chứ đào tạo tràn lan rồi không có cơ sở vật chất phù hợp thì vô ích. Ông nói:
Đối với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư thì Việt Nam còn rất xa vời, kể cả việc đào tạo con người.
- TS. Nguyễn Bách Phúc
Riêng về việc đào tạo nguồn nhân lực thì bất cứ thời đại nào, chế độ nào, xã hội nào cũng cần đào tạo. Nguồn nhân lực đó phải tương ứng với cái hiện có và cái có thể có, của thực tế xã hội, của đất nước về khoa học, về công nghệ, và phải tương ứng hợp lý với sự chuẩn bị cho bước tiến tương lai. Đối với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư thì Việt Nam còn rất xa vời, kể cả việc đào tạo con người.
Tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh hôm 11/9 vừa qua, Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, WEF đã mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bắc Kinh, Singapore và trong 12 tháng tới sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam.
Một chuyên gia về nguồn nhân lực mới đây phát biểu trên tờ Asia Times rằng, Việt Nam là một trong những nước mà nhu cầu về nhân sự trong ngành công nghệ thông tin sẽ tăng vượt bậc trong vài năm tới.
Diễm Thi
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét