Ông Trần Đại Quang đã bị xâm hại về quyền chữa bệnh - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Ông Trần Đại Quang đã bị xâm hại về quyền chữa bệnh


Nếu căn cứ vào Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, thì ông Trần Đại Quang đã bị xâm hại về quyền chữa bệnh. Ngoài ra, còn có vấn đề liệu trong các tiếp xúc ngoại giao, mầm bệnh trong cơ thể ông Trần Đại Quang có khả năng tạo nguồn lây nhiễm hay không, cũng là điều cần sớm minh bạch.

Ông Trần Đại Quang mắc phải virus hiếm và độc?. Ảnh: WSJ

Vì sao người bệnh không được quyền nghỉ ngơi?

Lúc 11g45 ngày 21-9, Thông Tấn xã Việt Nam phát bản tin “Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần”. Theo bản tin, thì “đồng chí Trần Đại Quang, sinh năm 1956, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi”.

Sau đó, các báo đã khai thác thêm về thông tin này từ ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, thì biết thêm là Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện bị bệnh từ tháng 7 năm 2017 và đi Nhật chữa trị. Từ đó đến khi qua đời, ông đã trải qua 6 lần điều trị tại Nhật Bản.

Các bác sĩ chẩn đoán, ông mắc loại bệnh virus hiếm và độc hại. “Các giáo sư, bác sĩ Nhật đã chữa trị và củng cố sức khoẻ cho Chủ tịch nước khoảng một năm nay. Tuy nhiên, bệnh này trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian”, ông Triệu nói.

Theo ông Triệu, thời gian gần đây, bệnh của Chủ tịch nước nặng hơn. Đến chiều 20-9, ông phải nhập viện Trung ương Quân đội 108. Các bác sĩ Việt Nam cùng chuyên gia người Nhật đã cùng hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị. Đến khoảng 15g cùng ngày, ông bán hôn mê. Hai tiếng sau, Chủ tịch nước hôn mê hoàn toàn đến lúc qua đời vào 10g05 sáng 21-9.

Với mô tả như vậy có thể thấy rằng bệnh trạng của ông Trần Đại Quang là nguy cấp, vì có thể đã bước sang ngưỡng sau của việc ‘đẩy lùi một thời gian’. Thế nhưng nếu kiểm chứng lại tin tức trên báo chí, sẽ nhận ra trước đó là lịch làm việc của bệnh nhân Trần Đại Quang dầy đặc: Ngày 13-9-2018, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar – Trưởng đoàn Myanmar tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tổ chức tại Hà Nội ngày 11 đến 13-9-2018.

Sáng 15-9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ 6. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Ngày 18-9, sau khi nhận được tin siêu bão Măng Cụt (Mangkhut) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh miền Đông Bắc Philippines, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Rodrigo Duterte.

Chiều ngày 19-9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc Chu Cường đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Ngày 20-9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước.

Có thể giải thích là cho dù được tiên lượng sức khỏe xấu nhưng ông Trần Đại Quang vẫn có những chuyến công du, những buổi làm việc liên tục. Không ai muốn mình phải làm việc như vậy, trừ khi bản thân ông bị thúc giục bởi một điều gì đó khác, muốn tận hiến hay là muốn những giây phút cuối cùng của mình có ý nghĩa.

Liệu có khả năng lây nhiễm bởi đó là ‘loại bệnh virus hiếm và độc hại’?

Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, ông Nguyễn Quốc Triệu chỉ nói bệnh nhân Trần Đại Quang được phía Nhật Bản chẩn đoán ‘mắc loại bệnh virus hiếm và độc hại’, ‘trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian’.

Như vậy liệu ‘virus hiếm và độc hại’ này có nằm trong danh sách các bệnh lý bắt buộc người bệnh phải được chữa trị nội trú trong bệnh viện, được quy định tại Luật Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm?

Trong hơn một năm qua, nếu đúng như thông tin về 6 lần phải qua Nhật điều trị, thì trong những lần xuất hiện và tiếp xúc ở các sự kiện ngoại giao, liệu khả năng ông Trần Đại Quang có là nguồn phát tán lây nhiễm ‘virus hiếm và độc hại’ cho người khác qua các lễ nghi như bắt tay, ôm vai? Đây là điều cần làm rõ để tránh những thêu dệt gây hoang mang trong đội ngũ tùy tùng đã tiếp xúc với Chủ tịch nước trong thời gian dài vừa qua.

Từ góc nhìn thuần về mặt quy định pháp luật, qua trường hợp cụ thể của bệnh nhân Trần Đại Quang, cho thấy cần có văn bản dưới luật để làm rõ Điều 7, Luật Tiếp cận thông tin, “Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện: 1. Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. 2. Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

3. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Trong trường hợp thông tin sức khỏe của một chính khách, một bộ trưởng… có ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực công, thường người ta cần phải công khai với dân chúng. Tất nhiên việc công bố phải bảo đảm một trình tự nghiêm túc, không xâm hại đến quyền riêng tư của công dân nói chung.

Từ câu chuyện đồn đoán về sức khỏe của ông Trần Đại Quang từ giữa năm ngoái đến nay, cho thấy chính sự “úp mở” đã làm phức tạp thêm tình hình.

Sao lại che giấu bệnh tật được kết luận ‘chưa có thuốc để điều trị’?

Trong bản tin trên báo Pháp Luật TP.HCM điện tử, phát hành ngày 13-11-2017 tường trình thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng đặt câu hỏi: “Sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước của chúng ta có phải là bí mật Nhà nước không? Nếu đúng thì chúng ta phải thực hiện theo đúng tính chất, còn không phải thì chúng ta hoàn toàn công khai.

Tôi nói chuyện liên quan sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai cho cử tri, nhân dân cả nước biết mà để mạng xã hội đồn thổi, khiến tất cả nhân dân và cán bộ, đảng viên lo lắng, băn khoăn. Rồi đến khi hình ảnh của Chủ tịch nước rạng ngời, mạnh khoẻ mà gần đây nhất là hình ảnh ở APEC đã đập tan mọi dư luận” [Nguồn: http://bit.ly/2MP8BSt]

Nếu so mốc thời gian phải nhập viện điều trị nội trú của ông Trần Đại Quang mà ông Nguyễn Quốc Triệu cho biết ở trên, thì thực tế sẽ không thể có chuyện “hình ảnh của Chủ tịch nước rạng ngời, mạnh khoẻ mà gần đây nhất là hình ảnh ở APEC đã đập tan mọi dư luận” như lời nhận định của ông Bùi Đặng Dũng.

Công bằng mà nói, trong cuộc thảo luận đó, ông Bùi Đặng Dũng còn phát biểu một ý nữa xem ra trúng phóc: “Đến kỳ đại hội, muốn nắm thông tin cứ ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói. Có người phán kinh lắm đợt này ông này làm vị trí này, vị trí kia. Khổ! Họ nói xong lại trúng chứ, cứ như thánh phán ấy! Rõ ràng về mặt tổ chức, nhân sự là có chuyện lộ bí mật nhà nước. Lộ ở đâu ra, tự chúng ta làm lộ đó chứ”. [Nguồn đã dẫn]


Trúc Giang
VNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad