Nhắc lại tí chút để thấy, không có chống lưng của TBT Lê Duẩn và cố vấn Trưởng Ban tổ chức Lê Đức Thọ thì có nằm mơ mà Công nghệ với thực nghiệm nhé. Chúng tôi hay đi lại với tiến sĩ Hồ Ngọc Đại từ không khí đổi mới sau khi CNGD vượt phạm vi thực nghiệm. Do anh Thân và anh Phạm Toàn là nhóm chí cốt với nhau hồi ở Hải Phòng mà anh Toàn giúp anh Đại rất nhiều ở thực nghiệm.
Nhiều lần chúng tôi hỏi vui “Ơi phò mã, học vị ấy, tư chất ấy, trình độ ấy sao không làm bộ trưởng bộ giáo dục cho dân nhờ?” (vì trong tình cảm của chúng tôi, chỉ có mấy vị không thể ai hơn: Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên), lứa anh Đại anh Toàn, chúng tôi ngưỡng mộ Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu, riêng Kiến Giang thì không dám nghĩ đến vì anh ấy là nhân vật sốc với Đảng).
Hỏi cho vui chứ biết thừa, ông Duẩn cũng không để con rể mình làm chi cho chướng, bản thân anh Đại cũng thấy chướng và dĩ nhiên, dư luận sẽ thấy cực kỳ chướng. Anh Đại còn hay hỏi han chia sẻ với văn nghệ sĩ, trong văn giới tôi thấy anh quý thực lòng Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn… (Khều chi tiết trên đây vào để nói, bảo anh Đại là phò mã mà không thèm chức bộ trưởng là không đúng, kiểu bênh ấy rất Việt Nam, rất châu Á, rất phương đông, kiếm mà dễ à, bố vợ thấy chướng mà được à? Và tội gì làm bộ trưởng chi cho vừa mang tiếng, vừa cực cái thân). Và bản thân anh Đại dễ gần, hay hay.
Nhân thân mình do mình chọn, sự phức tạp này liên quan tới vòng xoáy phán xét của lịch sử cũng không có gì lạ, kiểu lớn thuyền thì lớn sóng. Vì sao CNGD ra đời? Khát vọng cá nhân của người học tâm lý trẻ ở nước Nga Xô viết (nếu không chính xác, xin được thứ lỗi), cộng với bật đèn xanh của hai lãnh tụ họ Lê và bộ trưởng lúc đó, rằng phải thống nhất, phải có cái gì đó thống nhất cho cả hai miền, nền tảng cách mạng này bắt đầu từ lớp Một. Chủ trương thống nhất không sai nhưng như mọi thứ ngày càng hay bị phán xét là do bất cập từ hoặc duy ý chí, hoặc coi nhẹ đối tượng “được giải phóng”.
Hà Nội không tham chiếu những thành quả của miền Nam mà giáo dục là một đơn cử. Xóa hết vì con đường xã hội chủ nghĩa, xóa hết mô hình kinh tế, sách vở, nghệ thuật, giáo khoa, hệ thống tư thục từ cấp tiểu học đến đại học… để làm mới rập khuôn kiểu Bắc. Môt sự tổn thương tinh thần và tổn thương vật chất mà chừng như không nhiều người cảm nhận được hết, như những người trong cuộc. Nói tóm lại, hậu chiến bời bời, tan hoang, lòng người ly tán, có kết thúc chiến tranh nhưng chưa có hòa bình, vì hòa bình trong lòng người mới là mục đích tối thượng.
Người dân nào hay biết cái CNGD sau 2006, tức gần 30 năm thí điểm, đã nhân rộng ra bắt đầu ở Lào Cai, với học sinh dân tộc thiểu số. Bộ trưởng ưa cái gì mà chẳng suôn sẻ, nhất là chuyện bán sách và chia. Bây giờ, nhờ thông tin như vũ bão của Internet và mạng xã hội mà dân mới biết cách dạy lạ của CNGD. Dưới thời Bộ trưởng Nhạ, CNGD vừa được thẩm định 2 vòng và chính thức có 50% học sinh lớp 1 học kiểu nhìn các ô mà đọc thơ lục bát!
Vì sao có bão mạng? Sao bão mạng với BOT, bão mạng với Luật Đặc khu thì đồng thuận mà bão mạng về CNGD thì chia tuyến, trong đó trí thức, văn nghệ sĩ hai bên đều phừng phừng nổi nóng? Nguyên do khá nhiều, có những nguyên do nhạy cảm, tế nhị.
Nhưng xin đừng mạt sát dân đen, hàng chục triệu gia đình có con liên quan đến cách học lạ, hàng triệu dân thường có smartphone và fb, họ phản ứng tức thì, đồng loạt không phải từ những clip tình cờ hay bị ai xỏ mũi mà họ là những người ấm ức, thậm chí đã phẫn nộ triền miên với giáo dục mấy chục năm qua. Hàng triệu gia đình ấy không có tiền để cho con du học, tức là né nền giáo dục trầm ê này, tức là người ta không có điều kiện để tỵ nạn giáo dục!
Đã mấy lần cải cách kiểu chuột bạch, Nxb Giáo dục đã mang tiếng là Nxb ăn đủ, lần này, phát hiện về CNGD là giọt nước tràn ly. Tiếng Việt vẫn ổn, học đánh vần ráp chữ vài tháng xong, còn chính tả ư, hãy thay đổi cách học bằng thầy cô đọc và trò viết như cũ đi, vui và hiệu quả chứ, và bắt học sinh đọc nhiều sách đi, còn tái mù ư, phổ cập tiểu học mà trẻ tái mù thì nhất định không phải do hồi lớp Một chúng không học CNGD!
Những bài học không chuẩn của giáo khoa CNGD khiến người dân phát khùng thêm. Đọc thơ nhìn ô mới là học vẹt. Nhưng sao không là câu này, đại loại “Bầu ơi thương lấy bì cùng/Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Vì sao phải là hai câu về Bác Hồ mà thực sự, như chúng ta từng than thở với nhau, đó là hai câu vè. Bác Hồ là danh xưng, là thương hiệu chứ tên bác là Hồ Chí Minh kia mà.
Thưa các anh, riêng hai câu này các anh biết không hay mà vẫn đưa vào sách, vậy thì hoặc các anh bộc lộ cái không chuẩn (nên mới có nhiều bài khác ít sức thuyết phục), và các anh làm cho giáo khoa thư của nền giáo dục VNCH có cơ sống lại với những lời được tôn vinh.
Từng giọt nước, dân thấy họ luôn bị hết vố này và vố khác, mất rừng, mất biển đảo, mất nhà mất đất, mất mạng do môi trường (ung thư cao nhất thế giới), và trên hết, hàng chục triệu gia đình đã ngậm đắng nuốt cay vì nạn thay sách giao khoa và cải cách liên miên của của các vị. Đang có 5 đầu mối làm sách giáo khoa mà Nxb độc quyền giấy phép vẫn chưa biết thương dân, vẫn ăn đủ. Dân phẩn uất vì người ta ngửi thấy cái mùi “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Là sản phẩm gọi trắng là hàng hóa, (tư nhân hóa thì SGK cũng sẽ là hàng hóa), hãy nên chấp nhận sự phán xét. Riêng tôi, tiếng Việt và người Việt cho dù i tờ trước hay a bờ cờ trước, hay e bờ be trước, khá ổn. Không việc gì bỏ cả đời ra làm phức tạp một chuyện đơn giản là chỉ cần một kỳ đánh vần và ráp vần là có thể đọc vanh vách thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân (sách Tiếng Việt truyền thống tôi vừa mua). Vì vậy, khi đã bị soi, đừng nóng, như chúng tôi, viết tiểu thuyết là phải bị khen và chê tơi bời, có người viết bài mạt sát hẳn hoi vốn là bạn thiết của mình.
Dĩ nhiên sách cho lớp 1 và giáo khoa thư quan trọng hơn tiểu thuyết của chúng tôi, quan trọng nhất ấy. Như đã nói, lớp 1 là thời trăng mật của đứa trẻ với học đường, lật đổ phương pháp truyền thống để cha mẹ chúng ra rìa (không giúp được), để mà chi? Những bài học trong SGK lớp 1 nhất định phải chuẩn, tuyệt đối, trong và tinh.
Bỗng thèm những kích cỡ như Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim và bỗng nhớ GS TS Phan Đình Diệu dù như là lạc đề. Ông, PĐD ấy đã nói thẳng nhiều lần khi ông đương chức, rằng cần thay đổi thể chế chứ đừng cải đổi lòng vòng, nhưng ông vẫn kiên nhẫn lặng thầm đặt nền móng ngành Tin học cho đất nước VN. Và khi đã thấy không hợp tác với người đương quyền được nữa, ông “đi chỗ khác chơi”.
Giáo dục cần tư tưởng tổng thể trong triết lý. Sao cho không chỉ lớp 1 vui học mà sinh viên cũng vui học vì chúng không bị đại cương nắm đầu mãi với một thứ triết học hàng nửa thế kỷ qua vẫn thế? Nước Mỹ trên hết, Putin cũng bảo nước Nga trên hết, ông Tập của Trung Hoa cũng bảo nước Tàu trên hết. VN nhỏ xíu, người Việt thì quốc gia, đất đai, tổ quốc này đâu có là trên hết. Cái gì đang trên hết ở đây, dân dù có đen và có ngu, họ cũng thừa biết, lâu rồi.
Vì sao stt này dài thấy ghê? Vì tôi đứng về phe nước mắt.
Stt dài, một lần, và sẽ chấp nhận ném đá, mời các bạn.
Dạ Ngân
FB Dạ Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét