Tổng bí thư đảng CSVN đi Nga ‘củng cố tin cậy chính trị’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Tổng bí thư đảng CSVN đi Nga ‘củng cố tin cậy chính trị’


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) trong chuyến thăm Hà Nội ngày 23 Tháng 3 năm 2018. (Hình: Getty Images)

HÀ NỘI 3-9 – Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN đi Nga “nhằm củng cố tin cậy chính trị, tăng cường gắn bó chiến lược” giữa hai nước vốn là chư hầu và quan thầy thời trước thập niên 1990.

Hãng tin chính thống của chế độ Hà Nội đưa tin hôm Thứ Hai, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm nước Nga từ mùng 5 đến mùng 8 Tháng 9, 2018 “nhằm củng cố tin cậy chính trị, tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với liên bang Nga đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.”

Chuyến đi của ông Trọng, bên cạnh chuyện thảo luận trang bị quân sự, có vẻ muốn tìm cách trám vào lỗ hổng mậu dịch hiện đang bị nước Đức và Liên Âu không cho thông qua hiệp định tự do thương mại gây ra bởi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm ngoái.

Nhiều chức sắc cấp cao của chế độ Hà Nội thay nhau đến Bắc Kinh cũng như các chức sắc đứng đầu Moscow cũng liên tục đến Hà Nội. Cuối Tháng Sáu năm ngoái, chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Moscow “làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược”. Đến Tháng 11 năm này, Tổng thống Nga Putin đến Đà Nẵng dự Diễn đàn APEC lại gặp ông Quang tại đây.

Không bao lâu sau, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-23 Tháng 1, 2018 trong tinh thần “bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược”. Đầu Tháng 4, 2018, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Ngô Xuân Lịch tới Moscow ký “Lộ trình phát triển hợp tác quân sự song phương Nga-Việt giai đoạn 2018-2020” với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu.

Việt Nam là một trong những khách hàng hàng đầu mua sắm các loại võ khí chính yếu của Nga từ chiến đấu cơ khu trục, tàu ngầm, xe tăng, hỏa tiễn phòng không, phòng vệ bờ biển. Nhưng mậu dịch giữa hai nước lại là những con số nhỏ so với mậu dịch Hà Nội – Bắc Kinh, hay Hà Nội với Hoa Thịnh Đốn.

“Hiện Liên bang Nga đứng thứ 26 về thị trường xuất khẩu và thứ 22 về thị trường nhập khẩu của Việt Nam,” TTXVN kể. “Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Liên bang Nga đạt 3.5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2.1 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt 1.4 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…”

Trong khi đó mậu dịch hai chiều năm 2017 giữa Việt Nam với Trung Quốc tới hơn 93 tỉ USD với hy vọng đạt 100 tỉ USD năm nay. Hà Nội hy vọng từ chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng có thể năng kim ngạch thương mại giữa Nga với Việt Nam lên được 10 tỉ USD vào năm 2020, tức một phần mười của thương mại song phương Việt Nam với Trung Quốc có thể đạt năm nay.

Phần lớn trang bị quân sự của CSVN đến từ Nga, một phần vì quen thuộc truyền thống thầy trò, phần vì giá cả và tín dụng dễ dãi hơn, rẻ hơn nhiều so với võ khí của các nước tây phương dù biết phẩm chất thua sút.

“Lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử.” TTXVN kể lể. Chế độ Hà Nội vẫn bám chặt vào chủ nghĩa Mác-Lê trong khi Nga đã quay đầu lại từ thập niên 1990 nhưng còn độc tài, không theo kiểu mẫu dân chủ tây phương.

Theo hãng tin Nga Sputnik, khi ông Trọng đến Moscow “trong quá trình hội đàm dự kiến xem xét những nội dung then chốt của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt, cũng như các vấn đề thời sự bức thiết của khu vực. Cũng sẽ ký kết hàng loạt văn kiện song phương đã được chuẩn bị.”


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad