Vì sao ‘nàng dâu trưởng’ Facebook quỵ lụy ‘nhà chồng’ Việt Nam? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Vì sao ‘nàng dâu trưởng’ Facebook quỵ lụy ‘nhà chồng’ Việt Nam?


Kể từ ngày 14 tháng Chín năm 2018, một trong những doanh nghiệp mạng xã hội lớn nhất và được xem là uy tín nhất thế giới là Facebook đã phải mang một biệt hiệu chẳng hay ho chút nào: ‘Nàng dâu trưởng của nhà chồng Việt Nam’.

Bà Sandberg, COO của Facebook, điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, 5 tháng Chín, 2018, Washington.

Vì sao Nguyễn Mạnh Hùng trịch thượng răn đe Facebook?

Sự thể trớ trêu là chính một quan chức cấp cao của Facebook - ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương – đã tự cột Facebook vào hình ảnh ẩn dụ ‘nàng dâu trưởng’ trong một cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vào trung tuần tháng Chín.

Tiếp theo lời chia sẻ ‘rất thích’ hình ảnh nàng dâu về nhà chồng mà Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông lấy làm minh họa, Simon Milner cho biết Facebook hiện đang làm dâu ở rất nhiều quốc gia và “Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng”.

‘Dâu về nhà chồng’ là một ví von của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khi ông Hùng mới đặt chân về Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận bàn giao từ Trương Minh Tuấn - quan chức mà chỉ thiếu chút nữa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ăn cắp đến hơn 8.000 tỷ đồng trong phi vụ ‘MobiFone mua AVG’, nếu không bị dư luận phát hiện và yêu cầu Bộ Chính trị đảng cầm quyền phải ngăn chặn hành vi tồi tệ này.

Từng phụ trách Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) của Bộ Quốc phòng trong một thời gian dài, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được xem là một trí thức xã hội chủ nghĩa có trình độ am hiểu sâu về máy tính và an ninh mạng. Chẳng bao lâu sau khi được Nguyễn Phú Trọng đặc cách chọn thay cho Trương Minh Tuấn, ông Hùng đã tỏ ra là người kế thừa y rập quan điểm ‘bảo vệ đảng đến hơi thở cuối cùng’ của người tiền nhiệm, đặc biệt trên mặt trận Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019 và sẽ trở thành một vũ khí được đảng kỳ vọng có tầm ‘sát thương’ đủ mạnh nhằm dập tắt phong trào bất đồng chính kiến và phản biện đang sôi trào trên mạng xã hội. Tháng Mười tới, nhiều khả năng Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ được ‘cắt cu’ tại kỳ họp quốc hội để chính thức trở thành không chỉ ‘sát thủ báo chí’ như Trương Minh Tuấn mà còn có thể là ‘sát thủ mạng’ như cái cách mà ông Hùng - một cách tự tin, thông minh và lọc lõi chính trị - đang siết dần vòng vây đối với hai gã khổng lồ Google và Facebook.

“Khi về làm dâu, cô gái đó sẽ phải tôn trọng các yếu tố văn hoá, truyền thống của gia đình nhà chồng. Điều này lại càng khắt khe hơn với một nàng dâu trưởng, khi sẽ phải làm gương cho những nàng dâu đến sau” - Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đáp lại ví von ‘nàng dâu trưởng’ của Phó chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương Simon Milner, và phát ngôn không giấu nổi vẻ trịch thượng và cả gia trưởng này đã được các tờ báo đảng Việt Nam tô đậm một cách đầy chủ ý và mang tính chiến thắng.

Tự thân cấu tạo khuôn mặt và những gì thể hiện trên gương mặt của Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ rằng đây là một đối thủ khó chơi đối với Facebook: ông Hùng có lẽ không chỉ là một người đàn ông mang đặc tính gia trưởng mà còn bị xem là hơi cổ hủ khi tôn trọng một cách thái quá một số truyền thống và tập tục có từ thời phong kiến ở Việt Nam.

Vì sao Facebook ‘thành khẩn hợp tác’ với chính quyền Việt Nam?

Không thấy báo chí nhà nước tường thuật về Simon Milner có phản ứng gì hay không sau lời răn đe trịch thượng của Nguyễn Mạnh Hùng.

Nói cách khác, Nguyễn Mạnh Hùng đã thắng một điểm quan trọng trước Facebook, cũng là để gỡ gạc phần nào đó sĩ diện của một nhà nước Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Những tờ báo đảng lập tức hào hứng rút tít ‘Lãnh đạo Facebook cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam’, mà cụ thể là “Phó chủ tịch Facebook cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam”.

Vào tháng Tư năm 2017, khi người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn, báo đảng cũng khoa trương: “Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần thiện chí hợp tác của Facebook…”. Khi đó, rất nhiều người bất đồng chính kiến và người hoạt động mạng xã hội ở Việt Nam đã không muốn tin vào lối tuyên truyền bị xem là ‘nhét chữ vào miệng’ và thường là đậm tính dối trá ấy.

Sự thật là trong ít tháng sau cuộc gặp của Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn với đại diện Facebook, kết quả “xóa tin xấu độc” vẫn không đạt như mong muốn của chính thể độc trị ở Việt Nam. Đến gần cuối năm 2017, ông Trương Minh Tuấn đã trở thành một trong những quan chức đi tiên phong, cùng với các quan chức của Bộ Công an và Bộ Tài chính, đòi hỏi các tổ chức mạng Facebook, Google… phải đặt máy chủ ở Việt Nam để “dễ quản lý”, đồng thời tung ra một kế hoạch thu thuế đối với hoạt động của các tổ chức mạng này.

Kết quả là từ cuối năm 2017 đến nay, hiện tượng facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị gỡ nội dung và bị khóa đã trở thành số nhiều và liên tục. Tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như các vụ khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.

Cùng thời gian trên, giới tuyên giáo Việt Nam phổ biến thông tin cho biết vào năm 2017, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip bị cho là “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước” trên YouTube, để đến thời điểm diễn ra cuộc gặp Monika Bickert - Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị xóa.

Việt Nam là quốc gia bị Tổ chức Phóng viên không biên giới có trụ sở ở Pháp, cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế, liệt vào hạng 175/180 về tự do báo chí trên thế giới. Chắc hẳn “học tập kinh nghiệm” của chế độ độc đảng ở Trung Quốc trong việc “siết” và “đẩy đuổi” Google và chỉ cho các mạng xã hội hoạt động tại đất nước này nếu chịu nghe lời nhà cầm quyền Bắc Kinh, chính quyền Việt Nam cũng muốn tạo ra một “tác động mang tính răn đe” đối với mạng Facebook.

Ngày càng nhiều nhiều dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Facebook đã bắt đầu ‘thành khẩn hợp tác’ với chính quyền Việt Nam từ cuối năm 2017?

Vì sao Facebook - một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc’ - mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?

Khi Xã hội dân sự đồng loạt phản ứng Facebook…

Đến tháng Tư năm 2018, đã có những bằng chứng đáng thuyết phục cho thấy tổ chức mạng Facebook đã “tiếp tay” cho chính quyền Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận - được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982 và Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước này.

Ngày 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook - ông Mark Zuckerberg - về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.

Một trong những bằng chứng rõ nhất được các tổ chức xã hội dân sự nêu ra là giám đốc Facebook tại Việt Nam là bà Lê Diệp Kiều Trang - con gái của một cựu quan chức cộng sản - đã nhiều lần thẳng tay cắt bỏ nhiều nội dung phản biện xã hội và tố cáo giới quan chức của những facebooker.

Có thể xem bức thư ngỏ của 50 tổ chức xã hội dân sự gửi tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg là giọt nước tràn ly sau một thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report” của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng.

Vì dân chủ nhân quyền hay muốn làm ‘nàng dâu trưởng’?

Còn giờ đây, Facebook đang phải đối mặt với các cuộc điều trần căng như dây đàn tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Hơn một tuần trước khi Phó chủ tịch Facebook Simon Milner gặp gỡ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một giám đốc phụ trách hoạt động (COO) và là nhân vật quyền lực thứ hai của Facebook - bà Sheryl Sandberg - đã phải trả lời những câu hỏi truy xét gắt gao của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, khi ông hỏi về trường hợp khi các chính quyền độc tài yêu cầu Facebook ngăn chặn thông tin những chính quyền này cho là độc hại.

Marco Rubio cũng đề cập việc Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh mạng, dự kiến sẽ đi vào hiệu lực đầu 2019 và sẽ yêu cầu Facebook lưu trữ dữ liệu người dùng tại nước sở tại và phải giao nộp cho chính quyền dữ liệu người dùng bị nghi ngờ hoạt động chống chính quyền.

‘Ông đề cập đến Việt Nam, chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những trường hợp ngoại lệ với các mối đe dọa nghiêm trọng, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị” - bà Sandberg trả lời.

‘Và quý vị sẽ không bao giờ làm như vậy?” - Thượng nghị sĩ Rubio hỏi - “Quý vị sẽ không đồng ý làm như vậy để được hoạt động?”

“Chúng tôi sẽ chỉ hoạt động ở một quốc gia mà chúng tôi giữ gìn được những giá trị của mình”

“Và điều này cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc?”

“Điều đó cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc”.

Đã rõ rằng Sheryl Sandberg đã có một cam kết trước Quốc hội Hoa Kỳ về các giá trị dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là ‘không cung cấp thông tin’ để giải tỏa scandal trước đó về việc Facebook đã làm lộ thông tin của hàng triệu khách hàng trên thế giới.

Nhưng còn Phó chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương Simon Milner thì sao? Vẫn ‘cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam’? Và thậm chí còn muốn được làm ‘nàng dâu trưởng’ cùng thái độ lấy lòng giới ‘tư bản đỏ’ quá lộ liễu mà khó có thể hiểu khác hơn là ‘quỵ lụy nhà chồng’?

Phải chăng mối quan hệ ‘dâu về nhà chồng’ và ‘thành khẩn hợp tác’ trên là để đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam, vào tháng Tư năm 2018, đã gỡ quy định bắt các tổ chức mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam khỏi dự thảo Luật An ninh mạng? Và đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam sẽ nương tay trong đánh thuế Facebook?


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad