Báo Trung Quốc ca ngợi ‘vai trò kép’ của ông Nguyễn Phú Trọng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Báo Trung Quốc ca ngợi ‘vai trò kép’ của ông Nguyễn Phú Trọng


Một tờ báo thuộc quản lý của nhà nước Trung Quốc cho rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm thêm chức chủ tịch Việt Nam là quyết định “hợp lý và không thể tránh khỏi”, đồng thời nói rằng nhà lãnh đạo 74 tuổi “hữu hảo” với Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2015.

Trong bài bình luận có tựa đề, “Vai trò kép của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp Việt Nam phát triển, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc”, tờ Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ca ngợi nhà lãnh đạo Việt Nam là “một người cao tuổi được kính trọng", "có hình ảnh đẹp” và “nổi bật trên chính trường Việt Nam với khả năng, uy tín và các phẩm chất xuất chúng”.

Tờ báo còn cho rằng “các chính sách đối nội và đối ngoại của ông Nguyễn Phú Trọng tới nay đều nhất quán”, và “các cách tiếp cận của ông đối với quan hệ Việt – Trung cũng vậy”.

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái, cùng thời điểm với đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Ông ấy hữu hảo với Trung Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do ông ấy lãnh đạo cũng luôn nhất quán và thực tiễn trong các chính sách về Trung Quốc”, Hoàn cầu Thời báo viết hôm 28/10.

Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng được tái bầu năm 2016, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành mối quan hệ hợp tác ổn định và tăng cường, và các vụ xung khắc phần lớn đã hạ nhiệt.

Hoàn cầu Thời báo viết.
“Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng được tái bầu năm 2016, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành mối quan hệ hợp tác ổn định và tăng cường, và các vụ xung khắc phần lớn đã hạ nhiệt”.

Trước đó, ngay sau khi nhà lãnh đạo Việt Nam được quốc hội bỏ phiếu thông qua kiêm thêm chức chủ tịch nước với tỷ lệ trên 99%, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng ông Trọng, trong đó nói rằng “Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị và đối tác quan trọng với mối quan hệ bạn hữu truyền thống lâu dài”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội cuối năm 2017.

Khi được hỏi vì sao tờ báo mà nhiều người Việt coi là có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cũng như quan chức Trung Quốc dường như nồng nhiệt hoan nghênh chuyện ông Trọng kiêm nhiệm “vai trò kép”, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng lãnh đạo Việt Nam mà có “quan hệ thân thiết và hiểu biết lẫn nhau” với nước lớn như Trung Quốc và Mỹ thì đều “rất là tốt”.

Cựu quan chức ngoại giao Việt Nam nói thêm với VOA tiếng Việt: “Ông Trọng là người thân Trung Quốc thì rõ rồi. Nhưng mà cái chữ thân này nó cũng có mức độ. Các bậc lãnh đạo của Việt Nam từ thời vua chúa cho tới nền dân chủ cộng hòa này, ai muốn yên ổn trong quan hệ với nước lớn thì phải thân Trung Quốc".

Ông Trường nói thêm: "Nhưng mà Trung Quốc để mà tranh thủ lãnh đạo, người ta cũng lắm chiêu lắm. Trung Quốc sát Việt Nam lại có Đảng Cộng sản, cùng ý thức hệ, cho nên nó sử dụng quan hệ đảng rất là khéo. Khéo nhưng mà không biết điều thì cuối cùng cũng lòi cái khéo ra thì nó cũng bất lợi”.

Trong bài bình luận, Hoàn cầu Thời báo còn dẫn lời ông Trọng nói hồi cuối tháng Chín trong chuyến thăm của một quan chức từ Bắc Kinh rằng “mối quan hệ Việt – Trung đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử”.

Hiện chưa rõ ông Trọng sẽ đi thăm nước nào sau khi nhận thêm cương vị mới. Sau Đại hội Đảng 12, Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông.

Chiến đấu cơ của Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Khi được hỏi rằng liệu trong thời gian tới, ông Trọng có hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để “thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện lên một tầm cao mới” như lời chúc mừng của Chủ tịch Tập Cận Bình, tiến sĩ Trường nói: “Chẳng có cái tầm cao nào cả. Tầm cao này là tầm cao quá rồi. Lên nữa thì không biết lên tới cái đỉnh nào. Lên rồi lại còn tụt xuống”.

Biển Đông là một cái phanh để hãm quan hệ Việt – Trung lại. Chừng nào Trung Quốc còn hung hăng và ngạo mạn, và ác trên Biển Đông thì sẽ không có chuyện ông Trọng hết lòng với Trung Quốc vì ông Trọng cũng phải chú ý tới cái tâm thái của dân tộc này.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nói.
Cựu quan chức ngoại giao nói thêm: “Cứ hô là ‘sẽ thúc đẩy lên tầm cao mới’, nhưng mà tầm cao cái gì? Biển Đông là một cái phanh để hãm quan hệ Việt – Trung lại. Chừng nào Trung Quốc còn hung hăng và ngạo mạn, và ác trên Biển Đông thì sẽ không có chuyện ông Trọng hết lòng với Trung Quốc vì ông Trọng cũng phải chú ý tới cái tâm thái của dân tộc này. Cho nên không có cái chuyện lên đỉnh cao mới đâu. Đấy là câu nói sáo ngữ của Việt Nam và Trung Quốc”.

Trong một diễn biến liên quan tới tranh chấp từng nhiều lần gây sóng gió trong quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình mới đây đã lệnh cho quân khu phụ trách Biển Đông và Đài Loan “chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh”.

“Chúng ta cần phải tăng cường diễn tập khả năng sẵn sàng chiến đấu, các cuộc thao dượt chung và đối đầu để tăng cường khả năng của các binh sĩ và chuẩn bị cho chiến tranh”, ông Tập nói với Bộ Tư lệnh Chiến khu 5 hôm 25/10, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ bằng tiếng Việt về ý kiến cho rằng ông Trọng “thân" Bắc Kinh, tiến sĩ Phan Kim Nga, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng nguyên thủ 74 tuổi “cũng như tất cả các lãnh đạo Việt Nam, họ chỉ quan tâm về lợi ích của Việt Nam”.

VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với ông Trọng để phỏng vấn về các thông tin trái chiều liên quan tới ông.


Viễn Đông
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad