EU có ký EVFTA khi khách mời bị công an VN cấm xuất cảnh? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

EU có ký EVFTA khi khách mời bị công an VN cấm xuất cảnh?


Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một trong những khách mời của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu (thuộc Cộng đồng châu Âu) cho một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam - sẽ được Ủy ban thương mại quốc tế châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên: EU, Bộ Công thương Việt Nam và một vài nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam - dự kiến diễn ra vào gần trung tuần tháng Mười năm 2018 tại Brussells (Bỉ), nơi hiện diện trụ sở chính của Liên minh châu Âu, để quyết định có ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) hay là không.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội năm 2016.

Những kẻ phá đám EVFTA

Nhưng ngay sau khi có thư mời từ Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu, đã có thể dự liệu rằng nhà cầm quyền và công an Việt Nam sẽ chẳng đời nào dám để ông Nguyễn Quang A xuất cảnh mà có thể làm lộ hơn bộ mặt xám xịt nhân quyền của chính thể độc đảng quen não trạng đàn áp quyền làm người ở Việt Nam.

Quả đúng như thế. Vào một buổi sáng gần cuối tháng Chín năm 2018, sau khi nói chuyện với một nhà nghiên cứu Úc tại quán cà phê Highland, Tiến sĩ Nguyễn Quang A xách va ly ra để chuẩn bị bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để bay tiếp đi Úc. Nhưng khi ông đến phố Hoàng Diệu thì bị những kẻ mặc thường phục tống lên xe trực chỉ đồn công an Nội Bài. Ông bị câu lưu cho đến 6 giờ tối - lần câu lưu thứ 20 đối với ông kể từ cuối năm 2014.

“Vẫn chỗ cũ, vẫn ông trung tá A67. Tôi cực lực phản đối sự vi phạm pháp luật của A67. Nhưng họ cứ giữ tôi ở đó cho đến 6 giờ tối.

Hoá ra họ sợ tôi qua Úc rồi đi thẳng Brussells dự Điều trần của Quốc hội Châu Âu về Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào ngày 10-10 vì họ cứ hỏi tôi có đi thẳng châu Âu không?...

Họ giữ tôi ở đó và tôi đã bảo họ EVFTA là tốt cho Việt Nam, bất cứ kẻ nào cản trở nó kẻ đó phản bội dân Việt Nam và việc cản trở tôi đi dự điều trần là một việc như vậy.

Một sự việc vô cùng nghiêm trọng đã xảy ra, họ lục tung va ly của tôi tìm xem tôi có mang xách tài liệu gì đi không (sao nghiệp vụ họ kém thế). Tôi phản đối kịch liệt và nói họ vi phạm pháp luật trắng trợn. Hải quan cũng chỉ có quyền khám xét hành lý ở nơi quy định tại cửa khẩu, còn các vị không phải Hải quan. Họ lần hết quần áo, thậm chí cả bít tất,… cũng nắn xem trong đó có gì không…

Họ mang hộ chiếu của tôi đi đâu không biết, rồi đến 6 giờ tối ông Trung tá bảo trong thời gian tới bác đừng đi đâu cả (ý nói đừng đi Brussells). Tôi bảo trả tôi hộ chiếu nếu không tôi không về. Anh ta bảo bác cứ lên xe về đến nhà anh em đưa trả hộ chiếu cho bác. Tôi lên xe, họ chở tôi về nhà và như thế lỡ mất chuyến đi. Họ đưa lại hộ chiếu cho tôi. Lý do chính là họ sợ tôi sang EU.

Vài ngày tới tôi sẽ mua vé đi Brussell và nếu họ lại chặn không cho tôi đi thì đó sẽ là điều chứng minh hùng hồn nhất rằng A67 là lực lượng phá hoại EVFTA (dù có mất vài chục triệu để vạch trần bộ mặt của những kẻ phá hoại cũng được)”.


Phần trên là một số nội dung mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuật lại trên facebook của ông.

Một phép thử nhân quyền

Đây là lần đầu tiên EU tổ chức một cuộc điều trần nhân quyền gắn với Hiệp định EVFTA. Trước đây, tổ chức này có vẻ khá ít quan tâm đến chủ đề nhân quyền, đặc biệt là vai trò theo dõi và giám sát nhân quyền của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội là khá mờ nhạt.

Việc tổ chức một cuộc điều trần tay ba về nhân quyền tại Brussells là một hành động chưa từng có và được xem là dũng cảm hơn hẳn của EU so với thái độ liên tiếp nhân nhượng chính quyền Việt Nam trước đây của họ. Hãy thử tưởng tượng một phòng họp mà ngoài các quan chức của EU, sẽ là vài nhà hoạt động nhân quyền như Tiến sĩ Nguyễn Quang A ngồi đối diện và đối mặt với Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh. Một điều hiển nhiên, đó chính là hành động mang tính thách thức quyền lực cùng ‘thể diện và uy tín’ của chính quyền công an trị Việt Nam.

Nhưng với cộng đồng quốc tế thì đó không phải là thách thức, mà chỉ đơn giản là quan điểm cần có sự tham gia tư vấn của các tổ chức xã hội dân sự độc lập cho quá trình xem xét hiệp định thương mại EVFTA - không chỉ quan trọng về kinh tế mà còn liên quan thiết thân đến các quyền của người dân như quyền lập hội, lập công đoàn độc lập, quyền biểu tình… Và đơn giản đó là một phép thử để xem trong bối cảnh chính thể Việt Nam đang quá khốn quẫn về các nguồn ngoại tệ và quá trông ngóng EVFTA, họ có chịu ‘nhả’ chút nào về nhân quyền, có chịu ký 3 công ước quốc tế về lao động mà EU khẩn thiết yêu cầu, hay là không.

Hành động mang tính phép thử trên đã từng diễn ra vào một kỳ họp về Kiểm điểm định kỳ phổ quát của Hội đồng nhân quyền Liên hiêp quốc diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ vào tháng Hai năm 2014. Khi đó, vài nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã được Liên hiệp quốc mời để điều trần, nhưng hầu hết đã bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam không những thẳng tay cấm xuất cảnh mà còn giam luôn cả hộ chiếu.

Ký hay không?

Cuối tháng Sáu năm 2018, ‘tin vui’ đã xảy đến với chính thể độc đảng ở Việt Nam: EVFTA đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý, đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA). Nhưng sự kết thúc muộn màng ấy đã chỉ có được sau hai năm rưỡi chứ không phải chỉ từ 6 tháng đến 1 năm theo thông lệ. Nhiều nguyên nhân gây ra chậm trễ, trong đó có lý do Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Nhưng kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý mới chỉ là hy vọng nhen nhúm cho chính thể Việt Nam. EVFTA muốn được chính thức thông qua lại phải cần có chữ ký của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu để làm cơ sở trình lên Hội đồng châu Âu, sau đó phải được sự đồng thuận của 27 quốc gia (không có Anh) trong khối EU thì Nghị viện châu Âu mới thông qua và đi vào triển khai.

Chẳng có gì chắc chắn cho tương lai đó, nhất là sau hàng loạt vụ Việt Nam đàn áp nhân quyền nặng nề và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Khả năng Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018 vẫn chỉ là 50/50. Tuy một số chuyên gia Việt Nam và quốc tế luôn cho rằng EVFTA có lợi không chỉ với Việt Nam mà còn cả với các nước trong khối EU và do đó EU sẽ không siết mạnh về điều kiện nhân quyền trong hiệp định này, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào từ phía Cộng đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu về một lối mở dễ dàng như thế.

Ngay trước mắt, EU đang phải chứng kiến khách mời điều trần nhân quyền Brussells của họ là nhà hoạt động Nguyễn Quang A bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam cấm đoán thô bạo không cho xuất cảnh sang Bỉ. Đó chính là một bằng chứng không thể sống động hơn về lời cam kết lẫn tuyên rao ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’.

Nếu Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu không ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018, chính thể Việt Nam sẽ phải tiếp tục chờ cơ hội cuối cùng vào đầu năm 2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng Năm năm 2019.

Nhưng cũng như số phận của Hiệp định TPP đã đột ngột đảo lộn từ êm thắm sang bỏ bê ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, chẳng có gì bảo đảm là EVFTA sẽ hanh thông sau khi có một Nghị viện châu Âu mới. Thậm chí một số nhà phân tích còn dự đoán rằng sau tháng Năm năm 2019, số phận của EVFTA sẽ là rất mong manh, thậm chí sẽ bị hủy bỏ theo cái cách chẳng còn ai ngó ngàng đến nó.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad