Luật Trưng cầu Ý dân ở Việt Nam: Khi nào áp dụng? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Luật Trưng cầu Ý dân ở Việt Nam: Khi nào áp dụng?


Hai sự kiện gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam là sự kiện Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước sau khi chủ tịch Trần Đại Quang qua đời, và quyết định xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.

Căn cứ vào đâu để nói 'Dân đồng ý'

Có ý kiến người dùng mạng xã hội cho rằng người dân có nên được hỏi ý kiến trực tiếp về những vấn đề như vậy.

Về vấn đề này, luật sư Lê Công Định cho BBC hay hôm 11/10 rằng ông không thấy hai sự kiện này nằm trong các quy định cần trưng cầu dân ý, theo luật liên quan.

Luật sư Định lý giải: "Có bốn vấn đề Quốc hội có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân theo Luật Trưng cầu Ý dân do Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015. Bao gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước."

"Bầu chức danh chủ tịch nước không thuộc phạm vi các nhóm nêu trên, bởi đã được quy định trong Hiến pháp 2013 (Chương VI từ Điều 86 đến Điều 93).

"Phê duyệt xây nhà hát ở Thủ Thiêm cũng khó có thể xem là loại "vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước" [mục 2] cần phải trưng cầu ý dân".

Vấn đề nào mới là quan trọng?

Cùng chung quan điểm với luật sư Định, luật sư Hoàng Việt từ TP Hồ Chí Minh nói thêm: "Luật Trưng cầu Ý dân không làm rõ "vấn đề quan trọng khác" là gì, cũng không biết việc bầu chức danh chủ tịch nước hay xây nhà hát có được Quốc Hội coi là vấn đề quan trọng hay không?"

Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội thì nói với BBC hôm 11/10 rằng ông chưa thấy văn bản nào nói "vấn đề quan trọng khác là vấn đề gì? Và như thế nào thì được coi là quan trọng."

"Có thể với hai sự kiện nói trên, tôi và một bộ phận người dân cho là quan trọng, nhưng gần 500 đại biểu Quốc Hội là không cho là quan trọng, nên mới không trưng cầu dân ý?"

"Khi luật chưa xác định rõ ràng vấn đề nào là quan trọng với đất nước thì rất khó có cơ sở để thực hiện trưng cầu ý dân,"

"Thực ra họ [Quốc Hội] làm đúng luật. Việc bầu chủ tịch nước thì đã có Hiến pháp và các luật hiện hành quy định rồi nên không cần trưng cầu dân ý. Việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm có thể xếp vào "các vấn đề về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước" nhưng luật không nêu rõ nên họ có quyền không tiến hành [trưng cầu dân ý]."

"Tuy nhiên dù luật không rõ ràng, nhưng người dân bày tỏ sự quan tâm, thì Quốc Hội cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá vấn đề nào quan trọng, cần mang ra trưng cầu dân ý."

"Luật này có hiệu lực từ năm 2016 nhưng tới nay chưa thấy người dân được hỏi ý kiến lần nào. Điều này cho thấy luật không phát huy được mong muốn của người làm luật và không có giá trị thực tiễn đối với người dân," luật sư Tuấn nói với BBC.

Căn cứ vào đâu để nói 'Dân đồng ý'

Về lý do vì sao trong hai sự kiện nói trên, Quốc Hội đều nói 'người dân hoàn toàn nhất trí' dù không thông qua trưng cầu dân ý, luật sư Hoàng Việt phân tích:

"Trên thế giới, để thực hiện dân chủ người ta có hai cách để tiến hành. Cách thứ nhất gọi là dân chủ trực tiếp - người dân sẽ trực tiếp cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể nào đó. Luật trưng cầu ý dân 2015 thuộc dạng này."

"Cách thứ hai là dân chủ gián tiếp, tức là người dân bầu ra một số đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình. Những đại diện dân cử này sẽ nói lên tiếng nói của người dân, thay cho người dân."

"Ở Việt Nam, về lý thuyết thì Quốc Hội gồm các đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân cả nước. Hội đồng nhân dân sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân ở từng địa phương tương ứng."

"Có lẽ trong các trường hợp nói trên, Quốc Hội hoặc hội đồng nhân dân đã nhất trí 100% nên chính quyền đã tuyên bố là người dân đã đồng ý."

"Nhưng trong một số trường hợp cụ thể như vụ xây nhà hát ở Thủ Thiêm, Hội đồng nhân dân đồng ý 100%, nhưng nhiều người dân lại không đồng ý. Điều đó cho thấy có khoảng cách giữa ý chí, nguyện vọng của các đại biểu Quốc Hội hoặc Hội đồng nhân dân với người dân."

Luật sư Lê Công Định thì cho rằng nói 'người dân nhất trí' là "cách nói cưỡng đoạt ngôn từ nhằm mục đích tuyên truyền của Đảng Cộng sản và nhà cầm quyền".

"Khoan bàn đến việc có trưng cầu ý dân hay không, chỉ xét riêng tính chính danh thật sự của bộ máy nhà nước Việt Nam hiện tại, đặc biệt là cách thức thực thi quyền tự do thể hiện nguyện vọng và ý chí của toàn dân trong việc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, hay sự chấp nhận quyền lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của đảng cộng sản đương quyền, cũng đã thấy hoàn toàn không có sự kiện 'cử tri cả nước hoàn toàn ủng hộ".

Cần sửa luật hay xem lại vai trò ĐBQH?

Theo luật sư Hoàng Việt, dư luận Việt Nam cho rằng chính quyền đã quá xa dân khi tự quyết nhiều việc trong khi có những vấn đề bức thiết hơn lại chưa giải quyết.

"Phản ứng của dư luận, dù chỉ trên Facebook, đã dẫn đến một số dự án của chính quyền phải tạm ngưng, ví dụ như dự án chặt hàng loạt cây cổ thụ ở Hà Nội."

"Điều này cho thấy, cùng với việc xem xét để cho ra đời Luật Biểu tình, cũng cần xem xét sửa đổi Luật Trưng cầu ý dân cho gần với cuộc sống hơn, và có ý nghĩa thiết thực hơn với quyền lợi của người dân."

Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng cho rằng Luật Trưng cầu Ý dân cần quy định cụ thể hơn những vấn đề quan trọng là vấn đề gì.

Chẳng hạn, "những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế" được đề cập trong Luật Trưng cầu Ý dân, cần đưa cụ thể các con số để làm căn cứ đánh giá mức độ quan trọng.

"Ví dụ dự án trên 1000 tỷ thì cần trưng cầu dân ý", theo luật sư Tuấn.

Tuy nhiên, luật sư Tuấn cũng cho rằng trên thực tế, một bộ luật khó có thể cụ thể đến mức như vậy.

"Cái quan trọng là vai trò của đại biểu Quốc Hội đã thực sự được phát huy hay chưa?"

"Là đại diện dân bầu, đại biểu Quốc Hội hoàn toàn có thể tự xem xét một vấn đề có quan trọng hay không để xem xét, trình lên Quốc Hội. Từ đó bàn thảo, đánh giá xem có quan trọng tới mức cần trưng cầu dân ý hay không, kể cả khi vấn đề đó không được nêu rõ ràng trong luật."

"Trên danh nghĩa là do dân bầu, gần 500 đại biểu Quốc hội không thể tự quyết mọi vấn đề trong cuộc sống thay cho người dân."

Luật Trưng cầu Ý dân được Quốc Hội thông qua ngày 25/11/2015 gồm 8 chương, 52 điều,có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Luật quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.

Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Theo luật này, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.


Trân Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad