Thật trớ trêu và cay đắng tận cùng, lời tố cáo ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ của ông Hồ Chí Minh thời Việt Nam trăm năm Pháp thuộc lại ứng nghiệm với một đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.
UNDP khuyến khích ‘vắt kiệt sức dân’?
Báo chí nhà nước cho biết ‘báo cáo này được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đặt hàng và do một nhóm chuyên gia biên soạn, với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030’.
Nhưng ai có thể tưởng tượng rằng tổ chức Liên Hợp Quốc - lấy giá trị căn bản tồn tại là phát triển bền vững và công bằng giữa các giai tầng - lại khuyến khích chính thể độc đảng ở Việt Nam đè thuế lên đầu dân càng nhiều càng tốt để bảo về cho chế độ chỉ còn hơi thở lụi tàn ấy?
Hoặc chính là ‘các chuyên gia’ của chính thể đó đã lợi dụng nguồn kinh phí được tài trợ từ UNDP để ‘nghiên cứu’ theo phương châm ‘lấy mỡ nó rán nó’: mở rộng diện thu thuế để tăng thu ngân sách trên danh nghĩa UNDP đứng phía sau khuyến nghị này.
‘Bộ bóp cổ’ và sự thật trần trụi
Sau lời tán thán đột biến về ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’ của Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng của ‘chính phủ kiến tạo’ vào đầu năm 2017, nguồn cơn nào khiến chế độ cầm quyền ở Việt Nam phải tăng tốc ‘bán, bán nữa, bán mãi’ và ‘vét, vét nữa, vét mãi’?
Trong một lần báo cáo cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018, chính Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho vô số sắc thuế ‘kiến tạo’ của Bộ Tài chính đè đầu dân) - ông Đinh Tiến Dũng - đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017: dù tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Thực thế, thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt khoảng 80 - 85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.
Riêng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua - cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm 2017.
Và Đinh Tiến Dũng đã không bao giờ dám hé ra một sự thật còn trần trụi và khốn quẫn hơn nhiều: nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia - nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018 và những năm sau, Chính phủ sẽ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách “bán mình” tại một số tập đoàn được xem là “bò sữa” luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Cơn ác mộng
Tháng Ba năm 2016, một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.
Cũng là lúc mà số thu hơn một triệu tỷ đồng của ngân sách không thể nào bù đắp cho số chi còn hơn hẳn thế, trong đó “phần cứng” thuộc về bao tử của đoàn quân gần 3 triệu công chức viên chức mà bị dư luận lên án “có đến 30% trong số đó không làm gì nhưng vẫn lãnh lương”, hàng chục tỷ USD phải trả nợ nước ngoài hàng năm, cùng cơn gào thét “đòi ăn” theo thói ăn quen nhịn không được của 63 “bao tử” ở các tỉnh thành…
Song cơn bĩ cực ngân sách vẫn còn lâu mới đến hồi kết. Giờ đây, các nguồn “ngoại viện” đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ “kênh Nhật” còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ tháng Bảy năm 2017.
Về thực chất, Việt Nam đã gần như cạn kiệt nguồn vay ODA từ năm 2014 đến nay.
Khi năm 2018 đã ngầy ngật kéo lê được 2/3 thời gian của nó, trừ kết quả thu ngân sách nhà nước vẫn đạt được kế hoạch dự kiến bởi chính sách ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’, hai tử huyệt tài chính quốc gia khác là nợ công và nợ xấu vẫn không hề được thay hình đổi lốt.
Ít nhất 430 tỷ USD nợ công và 900.000 tỷ đồng nợ xấu vẫn như một cái bóng đè khổng lồ lên giấc mơ ‘không biết đến cuối thế kỷ 21 có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không’ của chế độ ông Nguyễn Phú Trọng.
Kể từ cơn khủng hoảng giá - lương - tiền 1985, chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Vào những năm gần đây, ngày càng nhiều người nói đến tương lai Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
Giai đoạn cuối cưỡng đoạt
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một chế độ cưỡng bức và cưỡng đoạt.
Vào năm 2017, ‘Bộ bóp cổ’ đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Cũng vào năm 2017, mưu đồ tăng thuế VAT xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp, một xã hội bị a xít đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết”, sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Tháng Chín năm 2018, chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc cùng quốc hội ‘của dân, do dân và vì dân’ của Nguyễn Thị Kim Ngân đã toa rập để cấp tốc tung ra một nghị quyết tăng vọt sắc thuế ‘bảo vệ môi trường’, mà thực chất là tăng phi mã giá xăng dầu.
Nhưng khác hẳn với những lần dự kiến tăng thuế môi trường vào các năm 2016 và 2017 khi Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính còn phải đưa ra dự thảo để ‘lấy ý kiến nhân dân’ do lo ngại làn sóng phản ứng của người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng vượt mặt, vào lần này đã chỉ có văn bản đề nghị của Chính phủ ‘đi đêm’ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thông qua và công bố quyết định tăng giá cho bàn dân thiên hạ như sự đã rồi.
Nếu trước đây các Bộ Tài chính và Chính phủ còn phải nại ra nhiều lý do cho cơ chế tăng thuế môi trường, kể cả lý do ‘đóng thuế là yêu nước’ trơ tráo đến tận cùng, thì nay chỉ còn là lý do ‘giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng dầu ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á’, cùng lời trấn an ‘Tăng thuế môi trường xăng dầu chỉ tác động đến CPI từ 0,07-0,09%’.
Cú tăng giá ‘đi đêm’ trên xảy ra trong bối cảnh một nghi ngờ rất lớn vẫn chưa hề được minh bạch: tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường vào năm 2016 đã tăng vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014, nhưng chỉ có 30% trong số tiền này được báo cáo sử dụng để “bảo vệ môi trường”. Vậy số tiền còn lại “biến” vào túi ai?
Lý giải một cách khiêm tốn nhất, nếu tăng thuế môi trường lên 1.000 đồng, ngân sách của nhà nước ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ sẽ nhét túi thêm 15.000 tỷ đồng, còn nếu tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng, ngân sách sẽ bỏ túi đến ít nhất 50.000 tỷ đồng.
Dù dự toán thu ngân sách năm 2018 đã lên kế hoạch thu đến hơn 1,3 triệu tỷ đồng - một mức độ ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ chưa từng có, nhưng động thái chính phủ, quốc hội và chắc chắn phải được cái gật đầu của ‘đảng ta’ để tăng vọt thuế môi trường mới đây - mà bất chấp phản ứng xã hội và dân nghèo - đã cho thấy ngân sách của chính quyền ‘vì dân’ này đang khốn quẫn đến mức nào do thảm họa nợ công, nợ xấu và bội chi kinh niên.
Chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế đang khiến dân phải ôn lại thời Pháp thuộc “chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy”.
Hơn bảy chục năm sau khi “đánh đuổi thực dân Pháp”, chính quyền “định hướng xã hội chủ nghĩa” đang biến Việt Nam và dân chúng thành một thứ thuộc địa thực dân kiểu mới.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét