Nghị quyết do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hôm 22/10 khẳng định “vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt” sau gần một thập kỷ qua.
Việt Nam phải trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển” và “phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”
Nghị quyết 36-NQ/TW do Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 22/10
“Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,” Nghị quyết nêu rõ.
Tranh chấp Biển Đông đang ngày càng trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, nhất là giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 tới khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014.
Ngoài việc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên vùng biển có nhiều tranh chấp, Trung Quốc còn được cho là gây sức ép đối với Hà Nội để dừng các dự án khai thác dầu giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài trên Biển Đông. Nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc xua đuổi trong các vùng biển này.
Người dân biểu tình chống Trung Quốc tại Thái Bình hôm 14/5/2014 khi Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. |
Trong Nghị quyết ban hành hôm 22/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng nhất trí rằng Việt Nam phải trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển” và “phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam sẽ phát triển kinh tế biển và xây dựng lực lượng vũ trang trên biển.
Dự kiến các ngành kinh tế thuần biển sẽ đóng góp khoảng 10% GDP cả nước và kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển sẽ ước đạt 65-70% tổng GDP vào năm 2030.
Để đối phó với các tranh chấp lãnh hải, Việt Nam sẽ tăng cường “năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển” cũng như “chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.”
Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác cũng như những nước có tiềm lực về biển và những quốc gia có chung lợi ích trên biển.
Nghị quyết còn cho biết, Việt Nam ủng hộ thúc đẩy ký Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng để giải quyết những mâu thuẫn trong lĩnh vực khai thác dầu khí và tự do hàng hải nhằm giữ ổn định khu vực.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét