Công đoàn Việt Nam sẽ có 'tổ chức khác cạnh tranh' - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Công đoàn Việt Nam sẽ có 'tổ chức khác cạnh tranh'


Tổng liên đoàn đứng trước thách thức và cơ hội đổi mới mạnh hơn khi người lao động được thành lập tổ chức khác ở cơ sở.

Biểu quyết - Công đoàn Việt Nam sẽ có 'tổ chức khác cạnh tranh'

Sáng 2/11, thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhiều ý kiến đề cập đến cam kết trong chương Lao động của Hiệp định này, cho phép thành lập tổ chức của người lao động không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc thực hiện cam kết nêu trên là dịp để Tổng liên đoàn tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; khắc phục bệnh hành chính, tư duy cũ nặng về "hiếu hỉ" và tiếp tục thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Theo ông, trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam sẽ phải đứng trước sự cạnh tranh về kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở; điều này cũng sẽ dẫn đến sự chia sẻ nguồn lực tài chính, khó khăn trong thực thi các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công.

"Đây là thách thức rất lớn với tổ chức Công đoàn Việt Nam và cũng chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta. Tức là có một tổ chức khác tồn tại đồng thời với Công đoàn, mặc dù tổ chức này không mang trong mình đầy đủ bản chất mô hình đoàn thể", ông Hiểu nhấn mạnh.

Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản phát huy mặt tích cực của cam kết, đồng thời có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực; hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn; Bộ Luật lao động cần có quy định về tổ chức đại diện người lao động.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động chia sẻ lo ngại, nếu không cẩn thận, khi Công đoàn Việt Nam không còn là đại diện duy nhất của người lao động thì sẽ hình thành nên một loại tổ chức gọi là công đoàn vàng. "Ở đó giới chủ tự thành lập và thao túng, biến công đoàn ấy là tay chân của mình", ông nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động cũng lo ngại việc hình thành tổ chức đại diện cho người lao động nhưng lại tham gia hoạt động chính trị, chống phá, gây phức tạp cho trật tự xã hội.

"Đây là các vấn đề mà chúng ta cần có giải pháp ngăn chặn. Chúng tôi rất ủng hộ tổ chức đại diện người lao động ra đời nhưng đó phải là một tổ chức thực sự vì người lao động và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp", ông Hiểu nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, khi Việt Nam tham gia hiệp định CPTPP thì "phải chấp nhận không còn duy nhất một tổ chức công đoàn. Người lao động tham gia công đoàn hay tổ chức ngoài công đoàn đều được hưởng quyền bình đẳng như nhau". Tuy nhiên, theo bà Mai, các cơ quan chức năng cần có đánh giá và chuẩn bị cho phép tổ chức của người lao động liên kết với nhau theo ngành hoặc theo vùng, trong một khu vực hay cả nước để thành lập tổ chức của ngành hoặc vùng.

"Công đoàn đang đứng trước thách thức rất lớn để người lao động lựa chọn hay họ tự thành lập tổ chức đại diện", bà nói và nhận định Công đoàn Việt Nam đang có nhiều thế mạnh cần phát huy như: Kinh nghiệm hoạt động, hệ thống tổ chức trên cả nước từ Trung ương đến doanh nghiệp với tỷ lệ tập hợp người lao động trên 60%.

Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam còn tham gia rất nhiều cơ chế, như tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, nhóm đại diện công đoàn thảo luận để tư vấn Chính phủ công bố tiền lương tối thiểu; đại diện trong xử lý tranh chấp lao động; trong tố tụng lao động; thương lượng thoả ước lao động tập thể.

"Người lao động sẽ đứng về phía công đoàn khi đại diện một cách thực chất cho họ", Bà Mai nói.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho biết, trong quá trình đàm phán tham gia hiệp định CPTPP, nội dung thành lập tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống Tổng liên đoàn đã được xin ý kiến các bên liên quan, trong đó có Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và cũng phải trình Bộ Chính trị.

"Trung ương trao đổi vấn đề này rất nhiều và thấy rằng, có thể xử lý được để tăng hiệu quả và tính hấp dẫn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Còn việc liên kết giữa các công đoàn thì chúng ta có quy định về việc khi đăng ký thành lập phải đáp ứng các tiêu chí. Ở đây, quan trọng nhất vẫn là Tổng Liên đoàn Lao động phải phát triển mạnh lên", Phó thủ tướng nói.

Sáng 2/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Hiệp định quy định nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng sang lĩnh vực lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại, đầu tư

Việt Nam sẽ có 3 đến 5 năm để thể chế hóa các luật pháp về lao động phù hợp với cam kết cũng như cải cách, hoàn thiện các thiết chế liên quan.


Hoàng Thuỳ - Võ Hải
VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad