Cuộc đàm phán hàn gắn mối quan hệ ngoại giao Đức – Việt diễn ra hôm nay - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Cuộc đàm phán hàn gắn mối quan hệ ngoại giao Đức – Việt diễn ra hôm nay


Việt nam có đáp ứng yêu cầu trả Trịnh Xuân Thanh về Đức hay không?

Sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, chính phủ Đức đã quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam kể từ ngày 22/09/2017. Sau đó chính phủ Đức còn tạm đình chỉ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam. Hiện nay Đức vẫn tiếp tục tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Bài báo trên báo TAZ với tựa đề “Việt Nam và Đức đàm phán trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức“ đã đưa tin về cuộc đàm phán giữa Đức và Việt Nam trong ngày hôm nay 1/11/2018

Như chúng tôi đã đưa tin, đầu tháng 10 năm nay Chính phủ Đức mời chính phủ Việt Nam sang Berlin đàm phán, nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Sau gần 1 tháng chuẩn bị, một đoàn đàm phán cấp cao do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã đến Berlin và cuộc đàm phán giữa 2 nước Đức-Việt diễn ra ngày 1/11/2018 tại Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin.

Nhật báo TAZ của Đức vừa có một bài báo về cuộc đàm phán này. Sau đây là bản dịch:

Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra, quan hệ giữa hai nước Đức – Việt bị khủng hoảng. Chính phủ hai nước đang cố gắng tiến gần lại với nhau.

Hôm thứ Năm ngày 01/11/2018, tại Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin, Chính phủ Đức và Việt Nam đã đàm phán về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, ông Thanh chính là người bị kết án tù chung thân tại Hà Nội hồi đầu năm nay. Cựu cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam, là người mà bị thất sủng ở Hà Nội, đã đào thoát sang Đức xin tị nạn hồi giữa năm 2016 và sau đó bị mật vụ Việt Nam từ Hà Nội sang Đức bắt cóc đem về nước cuối tháng 7 năm 2017. Việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận về trường hợp của ông.

Báo TAZ đã biết tin về cuộc đàm phán hôm nay từ giới thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của Chính phủ Liên bang Đức. Dẫn đầu phái đoàn đàm phán cấp cao của Việt Nam là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Đại sứ Đức Christian Berger và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong buổi Lễ Quốc khánh Đức ngày 5/10/2018

Bộ Ngoại giao Đức chỉ xác nhận với báo TAZ là “có cuộc đàm phán tại Bộ Ngoại giao hôm thứ Năm” như là một phần của “quá trình trao đổi chặt chẽ” với Việt Nam về “các vấn đề quốc tế và song phương“. Bộ Ngoại giao Đức không nói gì về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Tuy nhiên, rõ ràng là Đức luôn ràng buộc điều kiện đó với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mà trước đây ở cấp độ ngoại giao “quan hệ đối tác chiến lược“. Ngoài ra, phản ứng với hành vi bắt cóc vi phạm công pháp quốc tế, Đức đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc trao đổi với các chính trị gia Việt Nam, ngoại trừ trao đổi về vấn đề bắt cóc này.

Theo nguồn tin nêu trên từ Việt Nam, vấn đề trả Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hình như không được ủy nhiệm (không được giao cho quyền) đưa ra lời cam kết với phía Đức. Trong khi đó, “Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá“, người cung cấp tin (từ giới thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội) giải thích. Những người muốn ngăn chặn bao gồm những người có liên quan đến vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với họ.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia cũng bị khủng hoảng

Theo Tổng Công tố viện Liên bang Đức, nạn nhân bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gần như chắc chắn bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bởi một chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, Robert Kalinak, đã cho Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mượn chiếc chuyên cơ, vì ông Tô Lâm phải nhanh chóng đến cuộc hẹn gấp ở Moscow, mà sự thật là không có cuộc hẹn nào ở đó. Hiện nay Slovakia đang điều tra, ông Kalinak vào thời điểm lúc đó có biết rằng nạn nhân bị bắt cóc ngồi trên chuyên cơ hay không. Ông Kalinak đã phủ nhận và nói ông không biết gì.

Việt Nam phủ nhận việc nạn nhân bị bắt cóc có mặt trên chuyên cơ. Slovakia yêu cầu Hà Nội giải thích cách thức Trịnh Xuân Thanh đã về Hà Nội như thế nào và đe dọa sẽ có hậu quả nếu không có lời giải thích xác đáng. Các lực lượng có suy nghĩ chín chắn ở Hà Nội thì không muốn có một đám cháy lan rộng về ngoại giao.

Một Đại sứ mới cho sự khởi đầu mới

Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam mới tại Đức, ông Nguyễn Minh Vũ, thay thế ông Đoàn Xuân Hưng. Theo quan điểm của Hà Nội, cho một khởi đầu mới đáng tin tưởng về quan hệ ngoại giao thì nhất thiết cần phải có một Đại sứ mới, không có liên quan gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra hồi cuốt tháng 7/2017, Chính phủ Đức cũng như những nhà ngoại giao nước khác đã cắt giảm quan hệ với Đại sứ cũ Đoàn Xuân Hưng, mà trong Đại sứ quán của ông nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có lẽ đã bị nhốt 2 ngày trong đó trước khi được chuyển đến Bratislava (thủ đô Slovakia). Ông Hưng đã gây chú ý trong dư luận về việc ông uống bia và chơi golf với những người Việt Nam định cư ở Đức, mà những người này bị cảnh sát để ý đến.

Tân Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã được bổ nhiệm nhưng chưa được phía Đức chấp nhận. Ảnh trên mạng

Mặc dù Đại sứ mới đã được chính thức bổ nhiệm, nhưng Đại sứ cũ vẫn tiếp tục chức vụ. Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố, như một người trong nội bộ tiết lộ với báo TAZ, chỉ khi nào điều kiện trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức được đáp ứng, thì Đức mới đồng ý chấp nhận Ủy nhiệm thư của Tân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Nếu không, ông Vũ – người có một một vị thế vững chắc hơn người tiền nhiệm của mình – sẽ bị “đốt cháy“.


Hiếu Bá Linh
ThoiBaoDe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad