‘Nói ngọng’ được đem lên bàn nghị sự về giáo dục Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

‘Nói ngọng’ được đem lên bàn nghị sự về giáo dục Việt Nam


Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi chiều 8/11, một đại biểu Quốc hội cho rằng tình trạng nói ngọng đang làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và đề nghị sớm “giải quyết triệt để” vấn đề này để không “cản trở nhiều thứ”.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục nhận định với VOA rằng phát biểu của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhằm ám chỉ đến người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, người gần đây được mệnh danh là “tư lệnh nói ngọng”.

“Bây giờ có những người lớn rồi, thậm chí bằng cấp cao rồi, mà vẫn viết sai chính tả. Viết sai là do nói ngọng mà viết sai”, báo Người Lao Động dẫn lời Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý tại Quốc hội.

Theo ông Nghĩa, ngành giáo dục Việt Nam lâu nay đã “bỏ bê việc học nói”, là kỹ năng mà theo ông là “rất quan trọng” vì nó ảnh hưởng đến viết và thuyết trình.

Đại biểu có tiếng “thẳng thắn” này cũng chia sẻ kinh nghiệm bản thân đã được chữa nói ngọng từ thủa nhỏ và đề nghị ngành giáo dục phải giải quyết tình trạng này từ lớp mẫu giáo và hoàn thành sau khi hết cấp 1.

Một khảo sát mới nhất của trường tiểu học thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội, nơi được chọn thí điểm chương trình dạy phát âm chuẩn kể từ năm 2009, cho thấy có 25% giáo viên (12 người) và 30% học sinh (338 em) vẫn phát âm sai sau gần 10 năm được tập đọc trong mỗi tiết học để phát âm đúng hai phụ âm “l” và “n”.

Nhà giáo Phạm Toàn, một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục ở Hà Nội, thừa nhận tình trạng nói ngọng là khá phổ biến trong dân chúng, nhưng ông cho rằng phát biểu của ông Nghĩa còn ám chỉ đến “tư lệnh ngành giáo dục” là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

“Lẽ ra ông ấy phải là người soi sáng thì ông ấy lại thể hiện sự quê mùa nên người ta giễu ông ấy, chứ còn đối với toàn dân, việc sửa lỗi phát âm là việc lâu dài, phải từ từ”, nhà giáo Phạm Toàn nói với VOA.

Đây không phải là lần đầu tiên “nói ngọng” được đưa ra trên bàn nghị sự của Quốc hội. Tại kỳ trả lời chất vấn tại Quốc hội hồi tháng 6, vấn đề phát âm cũng đã được các đại biểu QH đặt ra cho ông Nhạ, bên cạnh những vấn đề lớn của ngành giáo dục như “chuẩn giả”, học tủ, học lệnh…

Ông Phùng Xuân Nhạ “nổi tiếng” về tật nói ngọng. Một trong số những đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại phần trả lời của ông trước chất vấn của đại biểu QH về vụ 24 cô giáo bị cán bộ điều đi “tiếp khách”, trong đó ông nói:

“Cán bộ địa phương cũng nà vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi nàm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây nà một hoạt động rất nà đáng tiếc. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng rút kinh nghiệm. Để xã hội nóng nên về vấn đề này thì rõ ràng nà không được. Linh hoạt phải trong chừng mực, chứ còn linh hoạt mà để xã hội nóng nên như thế thì đấy nà, nà không được”.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, ông Phùng Xuân Nhạ cũng người nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhất trong số 48 quan chức cấp cao Việt Nam, với 137 phiếu tín nhiệm thấp (28,25%).

Trong phiên thảo luận chiếu 8/11, ngoài tình trạng “nói ngọng”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị ngành giáo dục phải tăng cường bồi đắp đạo đức cho học sinh vì theo ông “đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại”.


Khánh An
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad